Cư dân miền Trung trước mùa mưa bão

Thứ năm, 22/07/2010 00:00

Bài 1: Nỗi lo mất đất

(Cadn.com.vn) - Đất đai ở các triền sông, đồi núi vốn nứt nẻ sau đại hạn ở miền Trung đang đứng trước nguy cơ sạt lở nghiêm trọng khi mưa bão đổ về. Đặc biệt, theo các chuyên gia, hạn hán kéo dài thì bão lũ sẽ đến sớm với cường độ mạnh hơn nhiều. Thực tế đó khiến người dân miền Trung đang nơm nớp lo sợ về tính mạng cũng như nhà cửa, ruộng vườn... Cận cảnh vấn đề này, chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc loạt bài sau:

Hà bá “ăn” đất

Thiên tai không chỉ cướp đi mùa màng của người dân mà còn lấy đi cả cái kế sinh nhai của họ, ấy là ruộng vườn. Với hàng ngàn người dân miền Trung, mất mùa, thất thu lo một thì mất đất vì sạt lở, bồi lấp hoang hóa không trồng cấy được lại lo mười. “Không chỉ mất mùa vì không kịp thu hoạch mà ngay cả ruộng vườn cũng bị mất luôn do tình trạng sạt lở” – ông Hồ Quang Bốn – Trưởng thôn Đại Mỹ, Đại Hưng (Đại Lộc, Quảng Nam) lo lắng.

Ông Bốn bảo: "3 năm trước nhà tôi ở giữa sông kia kìa". 

Ông Bốn dẫn tôi ra vườn hoa màu đang tươi tốt của nhà mình giữa cái nắng gắt, chứng minh: “Ở đây gần sông Côn nên dẫu đại hạn, hoa màu cũng không đến nỗi chết cháy. Nhưng mà đất thì khô khốc, nứt nẻ hết. Bây giờ lũ về, không những hoa màu mất trắng, không kịp thu hoạch, mà cả đất đai nứt nẻ thế này cũng bị sạt lở xuống sông Côn rồi trôi hết”. Ông Bốn lắc đầu, nhìn ra giữa sông bảo,  3 năm trước, nhà ông ở giữa sông kia kìa. Vậy mà chỉ 3 mùa lũ về, nhà cửa, vườn tược đã... thành sông.

Năm 2009, Đại Mỹ đã phải gánh chịu trận lũ lịch sử. Cả làng chìm trong biển nước. Nhìn quanh cảnh tan hoang sau lũ, nhiều người dân vẫn không tin được mình đã vượt qua cơn đại hồng thủy. Suốt mấy chục năm ở vùng đất này chưa bao giờ xảy ra lũ lớn như vậy. Đúng là thiên tai ngày một khốc liệt – ông Bốn trần tình. Sau trận lũ năm ngoái, may mà được sẻ chia, giúp đỡ của đồng bào cả nước chứ không cả Đại Mỹ chết đói rồi. Bởi, ruộng vườn, hoa màu có còn gì nữa đâu...

Với người Đại Mỹ, lũ không chỉ là cái đói trước mắt, mà quan trọng hơn là cái “để không đói” là vườn hoa màu của người dân bị sạt lở, cuốn trôi. Diện tích hoa màu ven sông của làng trước kia rộng 18ha. Đúng mùa, nhìn xanh tốt đến nhức mắt. Mà nay, chỉ qua vài mùa lũ, diện tích ấy teo tóp chỉ còn 1/3. “Mỗi mùa lũ, hoa màu sạt lở mất vài héc-ta. Làng chỉ còn khoảng 6ha. Qua mùa lũ năm nay, chắc thành sông hết” – ông Bốn than.

Ông Trần Sang  (56 tuổi, ở Đại Mỹ) kể, trước đây nhờ trồng hoa màu, đời sống bà con khá khẩm lắm. Nhưng mỗi trận lũ về, đất mất, làng bị “nghèo hóa” đi. Bản thân ông Sang phải nuôi 4 con, tất cả trông cậy vào mấy sào hoa màu, vậy mà lũ về đã cuốn đi của gia đình ông 600m2 đất. Tương tự, ông Trần Bán mất 700m2, các ông Nguyễn Quốc, Nguyễn Ngọc Bích, bà Lê Thị Chu mỗi người mất 600m2...

Từ chỗ thôn có số hộ nghèo rất ít, nay đã chiếm hơn 30%. Mất đất sản xuất, nhiều người dân đã phải tha phương làm ăn. Ông Bốn nói, sông Côn đã sạt lở vào khoảng 60m chỉ trong vài năm. Nhà cửa bị sạt lở còn được bố trí đất tái định cư chứ đất sản xuất mất là mất luôn, làm gì có đất khác mà cấp?

 Nước sông bị xâm nhập mặn nên dẫu có máy bơm, gần 130 đồng ruộng ở Điện Ngọc vẫn phải để hoang.

Tử địa

Những vùng đất chết để hoang hóa ngày một gia tăng bởi hạn hán, bồi đắp, sa mạc hóa. Nhiều dân nghèo xót xa khi có đất, có ruộng mà đành bỏ hoang. Xưa, đất chết là vì bom mìn chiến tranh. Nay, đất chết là bởi thiên tai khốc liệt. Trong đợt đại hạn vừa qua, chúng tôi đã đi qua những cánh đồng bị bỏ hoang ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, ngậm ngùi khi nghe kể nỗi lo cái đói treo lơ lửng của bà con.

Đứng trước thửa ruộng bỏ hoang, bà Bùi Thị Sửu, 62 tuổi, ở thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cứ thẫn thờ. 5 sào ruộng ít ỏi của gia đình bà đang bị thủy hóa, sa mạc hóa gần hết. Là nông dân, suốt đời chỉ biết bấu víu vào cây lúa, nay có ruộng mà không trồng cấy được, bà đành đi làm thuê để mưu sinh. Ở tuổi của bà vẫn phải bươn chải, lo gánh nặng gia đình chẳng hề dễ. Nhưng biết làm sao, nhà có 5 miệng ăn, năm trước 2 đứa bị tai nạn, đứa con dâu qua đời. Gánh nặng gia đình đè lên vai bà, không bám được ruộng vườn đành phải tìm kế khác sinh nhai chứ biết sao.

Hoàn cảnh bà Sửu chỉ là một trong số hàng chục hộ dân ở Ngọc Trì bị mất ruộng đất vì sông Trà Bồng sạt lở hoặc bị bồi đắp phải để hoang hóa. Chỉ tính riêng Ngọc Trì có hơn 10ha đất nộng nghiệp bị sa bồi, không thể canh tác. Dân mỗi lúc một đông, ruộng đất chia đầu người mỗi lúc một hẹp, vậy mà đất bỏ hoang hoặc bị mất mỗi năm một tăng. Chính điều này đã đẩy bao hộ dân vào thế khốn khó. Ở Bình Sơn, hiện có khoảng 80ha đất nông nghiệp của huyện đang cần cải tạo hoặc có biện pháp ngăn chặn sạt lở gấp. Nếu không, hàng trăm gia đình sẽ mất đất sản xuất, đẩy cuộc sống vào thế khó khăn.

Ông Phạm Hữu Kinh – Phó Phòng Nông nghiệp H. Điện Bàn – Quảng Nam cho biết, có hơn 500 ha trong tổng số 5.626ha lúa của huyện bị sạt lở mất hoặc để hoang hóa. Chỉ tính riêng xã Điện Ngọc hiện có 129ha đất bỏ hoang, không thể trồng cấy. Lý do vì nước mặn xâm nhập và vì hạn. Tương tự, dọc sông tại các xã Điện Thọ, Điện Phước, Điện Trung, Điện Quang, Điện Phương... mỗi năm lũ về cũng mất khoảng 150ha đất nông nghiệp vì sạt lở. Sạt lở thường đi với sa bồi, dẫn đến hậu quả là mất đất, hoặc có đất nhưng không để sản xuất, buộc bỏ hoang.

Trong khi cuộc sống của người dân ở các vùng này rất khó khăn. Ông Kinh bảo, những biện pháp mà ngành Nông nghiệp huyện có thể làm chỉ là thủ công, tạm thời chứ muốn tổng thể, lâu dài cần kinh phí đầu tư xây kè rất lớn. Sức địa phương thì có hạn. Thế nên, đành phải sống chung với lỗi lo mất đất chứ biết sao được.

Hải Hậu

Kỳ tới: Sống cạnh tử thần