Cụ Huỳnh-một đời cùng vận nước
* Bài 1: Dấu ấn báo Tiếng Dân
(Cadn.com.vn) - “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai” – đó là câu nói của cụ Huỳnh Thúc Kháng, một người con đất Quảng suốt đời đấu tranh chống áp bức, cường quyền và đau đáu với vận mệnh dân tộc.
Chân dung cụ Huỳnh Thúc Kháng. |
Viết về cụ Huỳnh Thúc Kháng, hẳn nhiên phải đề cập đến tờ báo Tiếng Dân. Tờ báo mà theo ông Phạm Ngô Minh (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng)–người cùng giáo sư Chương Thâu (Viện Sử học Việt Nam) xuất bản cuốn sách Tuyển tập Huỳnh Thúc Kháng thì “Tờ báo đã ghi dấu ấn của cụ Huỳnh trong việc đấu tranh với áp bức của chính quyền thực dân Pháp”.
Báo Tiếng Dân được phép xuất bản theo nghị định ký ngày 12-2-1927 của Toàn quyền Đông Dương Pasquiet. Tờ báo có khổ 58 x 42cm, phát hành mỗi tuần hai kỳ. Trong thời kỳ vận động dân chủ 1936- 1939, báo ra ba kỳ một tuần. Cụ Huỳnh nói về sự ra đời của tờ Tiếng Dân: “Trước hết đặt tên là “Trung Thanh”, anh em nói Trung Thanh có hàm ý chẩu vực nên đổi thành “Dân thanh”. Cụ Sào Nam (cụ Phan Bội Châu) bảo, đã báo quốc dân thì đặt tên theo tiếng mẹ đẻ là phải, cứ gọi là Tiếng Dân”. Dù chỉ có 4 trang nhưng do khổ báo lớn nên dung lượng bài vở của báo khá phong phú. Đây là tờ báo đầu tiên ở miền Trung và là tờ nhật báo duy nhất xuất hiện trước năm 1930. Tuy ra đời trễ hơn nếu so với báo chí ở hai miền Nam, Bắc nhưng báo Tiếng Dân đã đóng một vai trò chính trị quan trọng trong đời sống của nhân dân Trung Kỳ. Trên tờ La Tribune Indochinoise số ra ngày 24-12-1926, cụ Huỳnh giải thích từ “Tiếng Dân”: “Đó là sự vui mừng, sự buồn tủi và sự chờ đợi ấp ủ trong lòng hàng triệu đồng bào. Dân là đầu mối của nước. Tiếng Dân đi sát với những vấn đề trong nước. Nếu chánh phủ biết rõ những nguyện vọng sâu xa của dân thì cần gì đối xử bất công với Tiếng Dân như đã từng đối xử với vài tờ báo đã ra mắt gần đây và đã bị đóng cửa. Tờ báo này thật xứng đáng để mang tên là Tiếng Dân, vì trong thực tế, phải nhờ đến báo chí thì Tiếng Dân mới bộc lộ ra được”. Ông Minh chia sẻ: “Trong một bài viết, cụ Huỳnh đã thể hiện quan điểm chính yếu của mình khi làm báo là “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai. Vì đất nước Việt Nam có biên cương và lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới. Cho nên, tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”. Điều đó cho thấy cụ sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm để nói lên tiếng nói của dân, khai mở dân trí”.
Ông Phạm Ngô Minh với cuốn sách Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập. |
Với cách đưa tin “rất Huỳnh Thúc Kháng”, báo Tiếng Dân bất chấp sự kiểm duyệt của chính quyền Pháp, bởi cụ Huỳnh từng khẳng khái: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Có lần, cụ Huỳnh quyết không chịu đăng nguyên văn một bản tin do Tòa Khâm sứ Trung Kỳ yêu cầu phải đăng. Khâm sứ Jabuoille gọi điện dọa sẽ đóng cửa tờ báo, cụ Huỳnh dõng dạc: “Tôi nghĩ việc cho đăng hay không cho đăng một bài gì lên mặt báo là quyền của chủ nhiệm báo; cũng như cho xuất bản hoặc đóng cửa một tòa soạn báo là quyền hành của chính phủ. Nay quan lớn cất cái quyền ấy của tôi thì chẳng khác gì quan lớn đã đóng cửa tờ báo Tiếng Dân vậy. Mà tôi không trông gì hơn, vì dưới quyền ngôn luận quá chật hẹp, tôi thấy nhiệm vụ của tôi đối với nhân dân quá nặng nề!”. Ông Lưu Anh Rô–Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Đà Nẵng cho biết, có một số ý kiến cho rằng cụ Huỳnh thân Pháp, tuy nhiên các báo cáo mật thám đều khẳng định cá nhân cụ và báo Tiếng Dân có tư tưởng cộng sản. “Một báo cáo của mật thám Pháp tại Trung Kỳ có nêu rõ “những báo chống đối ở Trung Kỳ có tờ “Tiếng Dân” là báo đối lập hoạt động ngấm ngầm. Đáng quý hơn, hầu hết những phong trào đấu tranh dân sinh, dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương lúc đó phát động (1936-1939), nhất là phong trào chuẩn bị “đón Goda”, phong trào chống thuế thân năm 1938..., Tiếng Dân đều có nhiều bài phản đối chính quyền một cách mạnh mẽ, gây khó chịu cho thực dân Pháp và phong kiến Nam triều”– ông Rô nói. Không chỉ vậy, với nhiều bút danh, cụ Huỳnh còn viết các bài bình luận, phân tích khuyến khích đòi quyền tự do và nâng cao dân trí của sĩ phu trong nước. Trong bài Cái gương xét mình, cụ viết: “Người ở trên đời, mà làm nên công nghiệp vĩ đại, giúp ích cho nhân quần, trước nhứt là trau dồi được cái nhân cách của mình. Trong sách hiền triết dạy đời, phương Đông thì chú trọng sự “sửa mình trị mình” mà phương Tây giở sách giáo khoa ra, cũng là nói nghĩa vụ mình đối với mình trước. Cái “mình” quan trọng thế nào, xem thế đã rõ”.
Tìm đọc lại báo Tiếng Dân ngày trước, hẳn nhiều người sẽ bất ngờ khi từ thời đó cụ Huỳnh đã phản ánh về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Từ năm 1938, Nhật muốn chiếm quần đảo Hoàng Sa nên xảy ra tranh chấp với Pháp, lúc đó đại diện cho Việt Nam quản lý quần đảo Hoàng Sa. Trước tình hình đó, báo Tiếng Dân liên tiếp viết nhiều bài báo về Hoàng Sa. Trong bài “Quần đảo Paracels trở thành vấn đề quan trọng”, cụ Huỳnh viết: “Người đời trong xã hội, có hạng người không tên không tuổi, bình nhật không nghe ai nói đến hay không thèm đếm xỉa, mà có hồi thời thế xô đẩy, hoàn cảnh xui khiến, trở thành người trọng yếu trong thời đại, ấy là hạng vô danh anh hùng. Thì đất cũng thế, có những nơi đầu non góc biển, cồn hoang đảo vắng, bình thời không ai để ý, mà gặp một thời thế đặc biệt hoặc cơ hội xảy ra, những nơi đó trở thành địa vị quan hệ trọng yếu vô cùng. Tôi muốn nói đến quần đảo Paracels (Hoàng Sa). Mấy hòn đảo giữa biển thuộc Việt Nam ta chánh phủ đang sắp đặt công cuộc phòng thủ mà Nhật Bản cũng nhòm ngó, sinh một luồng dư luận giữa báo Tây Nam gần đây”. Sau khi nêu những tranh chấp phi lý của người Nhật, cụ Huỳnh khẳng định: “Gần mấy lúc này, ở Đông Dương đã có phái cảnh binh Annam ta ra đảo để bảo vệ cho người chài lưới bản xứ, lại thường phái tàu ra đó tuần phòng. Như trên đã nói, đảo này do nước Việt Nam ta chiếm trước nhứt, là sở hữu của xứ Đông Dương, chứ người Nhật ở bên ba hòn đảo Phù Tang xa tít mù kia, dính dáng gì đến đảo này mà đứng ra tranh cãi”...Với những bài viết nóng bỏng tính thời sự như thế được đăng trên báo Tiếng Dân, đã cho hậu thế phần nào thấy được tích cách khẳng khái của cụ Huỳnh Thúc Kháng.
H. Anh-T.Tân
(còn nữa)