Cử tri đặc biệt quan tâm đến tình hình biển Đông

Thứ năm, 03/07/2014 10:21

(Cadn.com.vn) - Ngày 2-7, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng gồm các ĐB: Nguyễn Bá Thanh, Lê Văn Hoàng, Huỳnh Nghĩa, Thân Đức Nam và  Nguyễn Thị Kim Thúy đã có buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh trả lời ý kiến cử tri Q. Hải Châu.

Kỳ họp thứ 7 là kỳ họp đầu tiên triển khai Hiến pháp 2013 nên Quốc hội đã dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật nhằm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản về tổ chức bộ máy Nhà nước, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đặc biệt Quốc hội đã bổ sung vào chương trình nội dung nghe báo cáo của Chính phủ và thảo luận về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Quốc hội đã thể hiện ý chí toàn dân, thảo luận kỹ, sâu sắc vấn đề nghiêm trọng này và ra thông cáo tuyên báo lập trường chính nghĩa của Việt Nam trước đồng bào và dư luận quốc tế...

Tại buổi tiếp xúc, cử tri các quận đánh giá cao kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhất là việc đưa vấn đề chủ quyền biển Đông vào kỳ họp. Hàng chục ý kiến của cử tri 4 quận, phần lớn đề cập đến vấn đề chủ quyền biển Đông. Cử tri Võ Khắc Mai (Q. Thanh Khê) đã lên án một cách mạnh mẽ tham vọng của Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Về mặt pháp lý đã đến lúc cần phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Ông Mai đề nghị Nhà nước cần có chính sách đặc biệt hơn nữa đối với các lực lượng thực thi pháp luật như Cảnh sát biển, Kiểm ngư cũng như bà con ngư dân đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam; đồng thời phải huy động sức mạnh của toàn dân đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cử tri Nguyễn Quang Nga (Q. Thanh Khê) cho rằng, vừa qua Quốc hội đã có tuyên bố rõ ràng về tình hình biển Đông, Chính phủ cũng đã quyết định dành ra 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt vươn khơi bám biển là tốt nhưng vẫn còn chậm.

Cử tri Q. Thanh Khê phát biểu ý kiến tại buổi TXCT.

Đồng quan điểm với 2 cử tri trên, cử tri Đỗ Thành Công (Q. Hải Châu) và cử tri Đặng Văn Thái (Q. Ngũ Hành Sơn) bày tỏ: "Chúng tôi ủng hộ quyết sách đấu tranh bằng phương pháp hòa bình của Đảng và Nhà nước, chúng ta cần phải đấu tranh mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa". Còn cử tri Nguyễn Hồng Chí (Q. Hải Châu) lại nêu vấn đề: "Lâu nay, chúng ta để Trung Quốc đầu tư vào nhiều lĩnh vực trọng yếu nay xảy ra tranh chấp thì họ gây khó dễ cho ta vì vậy chúng ta cần phải có quyết sách lâu dài về vấn đề này".

Bên cạnh các ý kiến đề cập đến vấn đề biển Đông, một số cử tri khác cũng đề cập đến vấn đề đấu tranh chống tham nhũng chưa quyết liệt, chưa mạnh mẽ; chính sách đầu tư công còn lãng phí và đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội  nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời những bức xúc của cử tri cả nước... Cử tri Vũ Tiến Dũng (Q. Sơn Trà) đề nghị Chính phủ không cho nhập khẩu lao động phổ thông vì gây ra nhiều phức tạp, hơn nữa hiện nay lực lượng lao động trong nước có thể đáp ứng đủ và cử tri Lê Tuấn Nhân đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến việc xây dựng nông thôn mới, nhất là ở vùng cao, vùng xa vì hiện nay một số tiêu chí về nông thôn mới ở những vùng này chưa đạt...

Phát biểu tại các buổi TXCT, ĐBQH Nguyễn Bá Thanh và Huỳnh Nghĩa khẳng định: Chúng ta luôn kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Chưa thể trả lời bao giờ Trung Quốc sẽ trả Hoàng Sa lại cho nước ta nhưng chúng ta sẽ luôn kiên trì, quyết liệt đấu tranh. Đây là việc làm lâu dài, không thể một sớm một chiều là xong. Chủ quyền đất nước phải kiên quyết bảo vệ nhưng phải bằng biện pháp hòa bình. Đối với những hành động gây hấn ở biển Đông của Trung Quốc, chúng ta phải đấu tranh kiên quyết nhưng cũng hết sức bình tĩnh, không được manh động, phải giữ môi trường hòa bình, kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Về ý kiến của CT về việc không nên xây cầu đi bộ qua sông Hàn mà nên dành kinh phí để xây dựng, phát triển hai bên bờ sông, ĐB Nguyễn Bá Thanh cho rằng việc xây cầu đi bộ không chỉ phục vụ sinh hoạt của nhân dân mà còn nhằm phát triển du lịch, có cây cầu này sẽ góp phần làm sống dậy, sôi động hai bờ sông Hàn, nhất là về ban đêm. Dự toán xây cầu đi bộ khoảng 600 tỷ đồng sẽ thông qua đấu thầu công khai, thành phố sẽ thuê đơn vị tư vấn giám sát, nguồn để trả cho nhà đầu tư là khu đất 2000m2 ở đầu cầu Thuận Phước và khu Đài phát sóng An Hải. Vấn đề người dân góp ý, lãnh đạo thành phố sẽ lắng nghe, sẵn sàng đối thoại, cần thiết thì điều chỉnh nhưng về phía người dân cũng phải bình tĩnh, lắng nghe từ nhiều phía, góp phần vào sự phát triển của thành phố.

Tổ P.V.TS