Cử tri quan tâm về an sinh xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Các ĐBQH: Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy; Phó trưởng ban chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP Trần Chí Cường; Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) Trần Đình Chung; Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Nguyễn Duy Minh đã trực tiếp trả lời một số ý kiến của cử tri.
Rốt ráo xử lý vấn nạn tham nhũng
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri hoan nghênh kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước thời gian qua khi xử lý hàng loạt vụ án tham ô, tham nhũng nghiêm trọng, nổi bật là các vụ việc tại Công ty Việt Á, Cục lãnh sự quán Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và hàng loạt vụ án trọng điểm khác. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, cứ tri cho rằng các văn pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn bộc lộ nhiều sơ hở. Từ đó, cử tri Phạm Văn Chi (P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện thể chế, sửa đổi một số bộ luật để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, vì đây là những điểm nghẽn đang tạo kẽ hở cho một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu nhân dân; cần hoàn thiện pháp luật đủ sức răn đe những hành vi như sản xuất, tiêu thụ hàng giả, bằng cấp, giấy tờ giả, đưa tin thất thiệt, nói xấu chế độ, nói xấu cán bộ. Cử tri Nguyễn Mậu Dựng (P. An Hải Bắc, Sơn Trà) cho rằng để tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội cần kiến nghị T.Ư thông tin, công khai, dân chủ, minh bạch trước nhân dân việc xử lý các vụ việc tham nhũng, việc thu hồi tài sản của Nhà nước từ các vụ án tham ô, tham nhũng. Cử tri Nguyễn Thanh Ngọc (P. Chính Gián, Q. Thanh Khê) nêu ý kiến rằng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn nhiều bất cập. Ông đề nghị, Quốc hội nghiên cứu ban hành nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch; sử dụng nguồn vốn một cách linh hoạt để lập các quy hoạch; tăng cường trách nhiệm tất cả các cấp và cá thể hóa trách nhiệm.
Đồng tình với quan điểm cử tri về công tác phòng chống tham nhũng, ĐBQH Trần Đình Chung khẳng định Đoàn ĐBQH TP sẽ phản ánh tới Quốc hội để chỉ đạo Chính phủ và các ngành liên quan đẩy mạnh tiến độ điều tra và sớm đưa ra xét xử nghiêm minh, công bằng, đúng người đúng tội các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tích cực nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để tăng cường tính răn đe, giáo dục cũng như nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản thất thoát liên quan đến công tác tham nhũng, tiêu cực.
An sinh xã hội - những nút thắt cần gỡ
Vấn đề kinh tế, đời sống nhân dân cũng được các cử tri quan tâm. Theo cử tri Lê Văn Thừa (P. Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn), Nhà nước cần quan tâm đến hậu quả của dịch COVID- 19 gây ra để giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người dân. Ông cũng đề nghị Quốc hội can thiệp về giá cả xăng dầu, vàng cùng với đó là kiểm soát giá cả hàng hóa. Cử tri Nguyễn Văn Mỹ (P. Thọ Quang, Q.Sơn Trà) lại quan tâm đến chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường. Ông kiến nghị nâng mức phụ cấp tăng thêm đối với xã phường đô thị phù hợp với đặc điểm vùng miền, đồng thời kiến nghị không giảm biên chế số lượng người hoạt động của lực lượng này. Ngoài ra, một số cử tri khác cũng quan tâm đến việc phát triển của doanh nghiệp, ổn định để phát triển kinh tế trong giai đoạn xu hướng lạm phát, suy thoái kinh tế đang ngày càng hiện rõ…
Cử tri Nguyễn Quang Nga (P. Tân Chính, Q. Thanh Khê) khi nêu lên thực tế về một số dự án trên địa bàn TP đã đề nghị cần làm rõ các dự án trái pháp luật và xác định hướng khắc phục cũng như xử lý đúng pháp luật các công trình xây dựng trái phép, không đúng quy hoạch. Trong khi đó, các cử tri ở Q. Liên Chiểu) phản ánh về thực trạng chậm triển khai dự án đường vành đai phía Tây 2; tình trạng "treo" của Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng; sớm kiểm tra, xúc tiến việc khởi công dự án Cảng Liên Chiểu đúng thời gian quy định vào tháng 9-2022; có phương án di dời khu công nghiệp Liên Chiểu ra khỏi địa bàn khi xây dựng cảng, về tình trạng dạy và học môn Lịch sử…
Dân ta phải biết sử ta
Vấn đề môn Lịch sử đang thực sự là một vấn đề rất nóng bỏng, được sự quan tâm của rất nhiều cử tri thành phố. Đơn cử như cử tri Nguyễn Thị Hương (phường Thanh Khê Tây) băn khoăn khi cho rằng, việc đưa Lịch sử thành môn tự chọn sẽ càng khiến môn này có nguy cơ bị loại khỏi sự lựa chọn của nhiều học sinh. "Chúng ta học lịch sử là để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc. Không chỉ hiểu về đất nước mình mà còn hiểu cả về cả các nước khác trên thế giới. Chúng ta cần cả quá khứ, hiện tại và tương lai mới thành người được"-bà Nguyễn Thị Hương bày tỏ.
Ghi nhận, đánh giá cao ý kiến, tâm huyết của cử tri, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, thời gian qua TP cũng đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn chưa giải quyết hết được các vướng mắc trong dân. Vì vậy, các ĐBQH sẽ kiến nghị những ý kiến cử tri đến Quốc hội, từ đó ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hơn cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian đến. Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Văn Quảng hoàn toàn đồng tình với việc phải xem môn Sử là môn học bắt buộc và sẽ kiến nghị trực tiếp lên Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Riêng đối với vấn đề tham nhũng, ĐB Quảng khẳng định: "Quốc hội đã triển khai chuyên đề giám sát về phòng, chống lãng phí ở các cấp. Các kết quả này sẽ công bố công khai cho cử tri cả nước biết và giám sát". Đối với người dân và doanh nghiệp, hệ thống chính trị TP đang rất tích cực thực hiện các chính sách an sinh, phát triển kinh tế, đặc biệt là việc triển khai chương trình phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
L.A.T - C.H - P.K