“Cưa đôi”… con trâu!

Thứ ba, 04/06/2019 12:42

Thả trâu bò vào núi tự kiếm ăn là thói quen có từ lâu đời của người dân Quảng Nam. Sau khi thả, định kỳ 15 ngày hoặc một  tháng từng gia đình luân phiên cử người vào núi kiểm tra. Tuy nhiên, rừng núi mênh mông, trâu bò tự do đi lại nên khó kiểm đếm chính xác số lượng gia súc và minh định con nào là của mình, con nào của ông hàng xóm. Vì thế, nhiều vụ tranh chấp gia súc xảy ra và để phân định đúng, sai phải nhờ đến sự phân xử của Tòa.

Theo hồ sơ vụ án, giữa năm 2016, cùng với nhiều hộ dân tại thôn An Bằng, xã Đại Thạnh, H. Đại Lộc (Quảng Nam), gia đình ông M. thả 24 con trâu vào khu vực đồi núi giáp giới với khu vực lòng hồ Khe Tân nuôi theo hình thức thả rông. Cuối năm 2016, ông M. vào núi “thăm” đàn trâu đã phát hiện một con trâu cái trong đàn sinh ra một chú trâu đực. Tháng 11-2017, gia đình ông M. được người hàng xóm là ông P. thông báo: Vừa thấy ông L., trú An Bằng, xã Đại Thạnh bắt từ núi đưa về nhà một con trâu đực có độ tuổi, đặc điểm giống như con trâu của ông M. Nghe tin, ông M. đến xem và xác định con trâu này là của mình nên ngỏ lời xin lại song ông L. không đồng ý.

Theo ông L., không thể có việc bắt... nhầm vì gia đình ông cũng có đàn trâu 14 con được thả vào rừng. Cuối năm 2016, gia đình cũng phát hiện một trâu cái trong đàn sinh được một chú trâu đực có những đặc điểm giống như con trâu đực vừa bắt về. Chẳng ai chịu ai, hai bên kéo nhau lên xã nhờ giải quyết vẫn không xong. Cuối cùng, ông M. đành khởi kiện ra tòa, nhờ pháp luật phân xử.

Trong quá trình tiến hành tố tụng, nguyên đơn và bị đơn đã cung cấp các chứng cứ chứng minh con trâu đực trên thuộc quyền sở hữu của mình song Thẩm phán thụ lý vụ án nhận định những chứng cứ trên đều chưa thuyết phục, yêu cầu hai bên cung cấp mẫu sinh phẩm, gửi Viện Khoa học Hình sự xét nghiệm ADN. Hơn 1 năm trôi qua, chẳng có bên nào chịu cung cấp mẫu.

Ngày 24-5-2019, TAND H. Đại Lộc đưa vụ án ra xét xử. Thẩm phán Trương Văn Triệu- Chủ tọa phiên tòa, cho biết: Do các bên không cung cấp đầy đủ các chứng cứ chứng minh con trâu này thuộc quyền sở hữu của mình nên HĐXX căn cứ vào những quy định tại Điều 231 Bộ luật Dân sự năm 2015  về việc xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc tuyên: Con trâu này là... của chung. Mỗi bên có quyền sở hữu một nửa.

Vụ án được khép lại. Dù không có kẻ thắng, người thua song vụ án đã để lại cho mọi người một bài học nhớ đời. Đó là làm thế nào quản lý chặt chẽ đối với con vật nuôi, tránh để tranh chấp xảy ra.

M.T