Cuba và cột mốc lịch sử thời “hậu Castro”
Lần đầu tiên kể từ sau cuộc Cách mạng 1959, thế hệ lãnh đạo ở Cuba không thuộc gia đình Castro sau khi Chủ tịch Raul Castro - người kế nhiệm lãnh tụ Fidel Castro - đã đủ 2 nhiệm kỳ như quy định của Hiến pháp Cuba.
Chủ tịch Raul Castro (trái) và Phó chủ tịch Miguel Diaz-Canel trong phiên họp Quốc hội ngày 18-4. Ảnh: Reuters |
Trong phiên họp khai mạc khóa IX, Quốc hội Cuba ngày 18-4 (giờ địa phương) chính thức chọn ông Miguel Diaz-Canel, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước Cuba, là nhân vật kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro. Ông Diaz-Canel sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Cuba không thuộc gia đình Castro kể từ sau cuộc cách mạng 1959.
Theo BBC, Quốc hội bỏ phiếu thông qua việc bổ nhiệm ông Diaz-Canel làm tân Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba thay ông Raul Castro. Ngay sau đó, Tân Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba tuyên thệ nhậm chức.
Thông tin này thu hút sự chú ý đặc biệt của các phương tiện truyền thông quốc tế vì đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc Cách mạng 1959, thế hệ lãnh đạo ở Cuba không thuộc gia đình Castro sau khi Chủ tịch Raul Castro - người kế nhiệm lãnh tụ Fidel Castro - đã đủ 2 nhiệm kỳ như quy định của Hiến pháp Cuba.
Lựa chọn người kế nhiệm
Trong nhiều năm qua, nhiều người Cuba cho rằng, con gái của Chủ tịch Raul Castro, Mariela - một thành viên của Quốc hội và là nhân vật ủng hộ cho các quyền của người đồng tính và chuyển giới - hoặc con trai của ông Raul, Alejandro - đại tá, người đại diện cho Cuba trong các cuộc đàm phán bí mật với Mỹ - sẽ là người tiếp theo trong gia đình Castro lên nắm quyền lãnh đạo Cuba.
Tuy nhiên, cuối cùng Phó Chủ tịch thứ nhất Cuba Diaz-Canel là người kế nhiệm với cam kết sẽ tiếp tục sự nghiệp của gia đình Castro. “Tôi tin vào sự kế tục” ông Diaz-Canel trả lời báo giới gần đây khi được hỏi tầm nhìn của ông về tương lai của Cuba. “Tôi nghĩ luôn có sự kế tục”. Trong nhiều năm qua, ông Diaz-Canel được coi là ứng viên nặng ký nhất trở thành Chủ tịch Cuba. Điều này thể hiện ở việc ông được tin tưởng giao cho nhiệm vụ tiếp đón hàng loạt các nhà lãnh đạo thế giới đến thăm Cuba. Ông cũng là người đứng đầu phái đoàn chính phủ Cuba thăm chính thức Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Nicaragua, Ecuador, Angola, Bolivia cũng như tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribbean.
Thách thức cải cách
Việc chuyển giao quyền lực cũng diễn ra ở một thời điểm quốc gia vùng Caribbean đã bắt đầu gặt hái những thành quả từ chính sách mở cửa kéo dài một thập kỷ qua của ông Raul. Nhiều người Cuba hy vọng ông Diaz-Canel sẽ tiếp tục ủng hộ những cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn những gì đã thực hiện dưới thời của hai lãnh đạo tiền nhiệm.
Tân chủ tịch Cuba sẽ phải giải quyết tình hình khá khó khăn. Nền kinh tế trì trệ, thất nghiệp tăng cao. Ông Diaz-Canel phải chấm dứt hệ thống hai đồng tiền peso lưu thông song song trên thị trường khiến nền kinh tế mất cân đối, tái khởi động nền kinh tế Cuba, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đường bị lơ là từ nhiều năm qua.
Về ngoại giao, Cuba chuyển giao thế hệ lãnh đạo vào thời điểm có nhiều thách thức khi quan hệ với Mỹ vừa ấm lại đôi chút dưới thời ông Obama đã lại rơi vào “băng giá” dưới thời ông Trump. Cho tới nay hai bên vẫn chưa giải quyết được dứt điểm vụ việc liên quan tới “bệnh lạ” xảy ra với các nhà ngoại giao Mỹ ở La Havana. Washington cáo buộc Cuba tấn công phái đoàn ngoại giao của họ bằng vũ khí âm thanh nhưng La Havana bác bỏ. Do đó, nhiệm vụ của ông Diaz-Canel là làm ấm lại mối quan hệ với Mỹ.
Giờ đây, mọi chú ý đổ đồn vào Hội đồng Nhà nước mới, đặc biệt là tân Chủ tịch, vì nơi đó sẽ “ươm mầm” những định hướng chính sách dẫn dắt Cuba tiếp tục con đường cách mạng đã chọn.
AN BÌNH
Miguel Diaz-Canel - nhân vật kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro Ông Diaz-Canel sinh năm 1960, tại thành phố Placetas, Villa Clara trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên và công nhân nhà máy. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện tại Đại học miền Trung Las Villas năm 1982, ông tham gia Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba trong 3 năm. Từ tháng 4-1985, ông giảng dạy tại trường Đại học Santa Clara. Năm 1987, ông tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba và thăng tiến nhanh chóng. Năm 1994, ông được bầu làm Bí thư Thứ nhất Tỉnh ủy Villa Clara. Năm 2003, ông Diaz-Canel được bầu làm Bí thư Thứ nhất Tỉnh ủy Holguin và được bầu vào Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết sách cao nhất gồm 14 thành viên của đảng Cộng sản Cuba. Tháng 5-2009, ông được chỉ định làm Bộ trưởng Giáo dục Cao học Cuba và giữ chức vụ này cho tới năm 2012. Truyền thông Cuba có rất nhiều bài ca ngợi “cách tiếp cận cởi mở” của ông Diaz-Canel trong lĩnh vực giáo dục. Thành công trong lĩnh vực giáo dục giúp ông Diaz-Canel được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và giữ chức vụ này cho tới năm 2013. Ở cả trên cương vị này lẫn khoảng thời gian làm Bộ trưởng Giáo dục, ông Diaz-Canel đều được biết đến với dấu ấn là một nhà cải cách nhiệt thành. Tháng 2-2013, ông Diaz-Canel trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên sinh vào thời điểm sau cuộc Cách mạng Cuba (1953-1959) được ngồi vào vị trí phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước Cuba, đồng thời là thành viên của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Cuba. |