Cục Hàng không phải thực hiện ngay việc giám sát chậm, hủy chuyến

Thứ bảy, 12/07/2014 10:57

* Yêu cầu làm rõ vụ 2 máy bay suýt va chạm ở sân bay Đà Nẵng

(Cadn.com.vn) - Sáng 11-7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành là Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay, Vụ Vận tải... và các hãng hàng không trong nước nhằm làm rõ nguyên nhân, biện pháp khắc phục sự cố chậm, hủy chuyến trên các chuyến bay thương mại có xu hướng gia tăng trong thời gian qua.

Trong 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không nội địa thực hiện 74.000 chuyến bay. Trong đó tỷ lệ chậm chuyến là 20,9%, tỷ lệ hủy chuyến là 3,2%, tăng tương ứng 5,2% và 0,5% so với cùng kỳ năm 2013. Trong số các hãng hàng không đang tham gia vận tải nội địa, Jestar Pacific có tỷ lệ chậm/hủy chuyến cao nhất với con số lần lượt là 43,4% và 3,8%.

Lý giải về tình trạng chậm, hủy chuyến trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 40%, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính là thời tiết có nhiều biến động, hiện tượng sương mù không chỉ xuất hiện ở miền Bắc, miền Trung mà còn xảy ra ở miền Nam ảnh hưởng đến hoạt động hạ, cất cánh.

Bên cạnh đó, có nguyên nhân khách quan nữa là do chim va đập vào tàu bay thời gian qua cũng tăng lên, sự cố dị vật lạ xuất hiện trên đường băng cất hạ cánh, uy hiếp an toàn bay...

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc chậm chuyến, hủy chuyến, dồn chuyến là hết sức nghiêm trọng, diễn ra phổ biến và thường xuyên ở tất cả các hãng hàng không ở mức độ khác nhau và năm nay cao hơn năm trước. Vì vậy phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan có liên quan để có biện pháp khắc phục.

Trong đó, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước, sau đó mới đến các hãng hàng không, chưa vì lợi ích của khách hàng, chưa vì lợi ích của nhân dân. Bản thân các hãng hàng không còn có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Nhận thức của các cơ quan liên quan không đúng về việc này, còn có thái độ thờ ơ trước chậm chuyến, hủy chuyến, đặc biệt việc kiểm tra, giám sát, hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước chưa cao.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị, sắp tới cần đưa ngay những tồn tại, bất cập vào sửa đổi Luật Hàng không dân dụng. Trong đó xác định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan liên quan trong việc để chất lượng dịch vụ kém. Việc chậm hủy chuyến bay phải có chế tài xử lý; từng đơn vị phải xây dựng dự án nâng cao chất lượng năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hàng không...

Cục Hàng không thực hiện ngay việc giám sát chậm hủy chuyến. Đối với các hãng hàng không phải quan tâm lợi ích khách hàng, vì lợi ích quốc gia là trên hết. Tổng Công ty Cảng hàng không khẩn trương đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng sân bay, khẩn trương đôn đốc các dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ, nhất là nhà ga T2, mở rộng sân đỗ tại sân bay Tây Sơn Nhất, sân bay Đà Nẵng... 

Bộ trưởng GTVT cũng yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến tình huống 2 máy bay suýt va chạm nhau ngày 27-6 vừa qua.

Báo cáo của Cục Hàng không cho biết thời điểm 20 giờ 41 phút tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, nhân viên không lưu cho phép chuyến bay của Vietnam Airlines (VNA) từ TPHCM hạ cánh xuống đường băng 35 phải, tổ lái đã nhận huấn lệnh.

Sau đó 7 giây, chuyến bay của Jestar Pacific (JPA) chuẩn bị cất cánh đi TPHCM đang dừng chờ thì kiểm soát viên không lưu lại cấp huấn lệnh cho phi công rẽ phải vào đường băng 35 phải, lăn bánh đến cuối đường và quay đầu để vào đường băng 17 trái chuẩn bị cất cánh. Tuy nhiên, phi công của VNA đã thông báo với đài không lưu chưa thoát khỏi đường băng, lúc này kiểm soát viên không lưu mới phát hiện, hủy lệnh cất cánh với máy bay của JPA.

Hiện Cục Hàng không đã lập đoàn điều tra sự cố, thu thập thông tin báo cáo trong vài ngày tới. Nhận định ban đầu kiểm soát viên không lưu đã không quan sát nên cấp huấn lệnh cho máy bay JPA cất cánh trong khi máy bay của VNA chưa ra khỏi đường băng.

G.T