Cùng hội đồng thuyền !

Thứ bảy, 21/12/2013 12:15

(Cadn.com.vn) - Thấy sắt quy cách tại công trình tái định cư phía Nam cầu Quá Giáng (xã Hòa Phước, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) nằm phơi phới trên bờ, không người trông coi, các "thủy tặc" động lòng tham, bàn bạc nhau tổ chức chạy ghe mỗi chuyến đi về gần 4 tiếng đồng hồ để thực hiện nhiều vụ trộm cắp. Sau khi thu được "chiến lợi phẩm", chúng tìm mối bán chia tiền tiêu xài và tưởng đâu sẽ không ai phát hiện nhưng cuối cùng cũng bị lộ mặt.

Theo báo cáo của Cty Xây lắp phát triển nhà Đà Nẵng đang thi công hạ tầng kỹ thuật công trình tái định cư trên, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11, kẻ gian đã lấy trộm 47 tấm cốp-pha sắt, trị giá gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, ông Lê Viết Tiến (trú gần đó) còn báo ghe chống lũ của gia đình ông để tại bãi cát gần công trình cũng bị kẻ gian tháo trộm máy nổ D8 trị giá 4,2 triệu đồng… Tiếp nhận thông tin, lực lượng CAX Hòa Phước, Trạm CA Nam Hòa Vang triển khai lực lượng rà soát, nhưng với địa bàn rộng lớn, dân cư ở xa, các phương tiện vận chuyển đất san lấp ra vào liên tục nên việc truy xét dấu vết kẻ gian gặp không ít khó khăn.

Vì vậy, CQĐT một mặt kiểm tra tất cả điểm thu mua phế liệu, vận động các chủ hộ không thu mua các loại hàng do người khác phạm tội mà có, một mặt đề xuất các đơn vị và nhân dân địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện đối tượng nghi vấn nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng. Cùng với đó, CQĐT bố trí lực lượng bám sát, theo dõi các hoạt động tại công trình… Kiên trì mật phục, chiều 16-12, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện một ghe máy lạ do Nguyễn Thương (1968, trú xã Điện Phương, H. Điện Bàn, Quảng Nam) làm chủ đang chạy lòng vòng dưới chân cầu Quá Giáng có dấu hiệu nghi vấn nên xét hỏi. Lúc đầu, ông Thương cho biết đang dò tìm số sắt rơi xuống sông trong quá trình phá dỡ cầu cũ. Tuy nhiên, khi kiểm tra, ông Thương và những người đi theo ghe là cha con Huỳnh Nam (1978), Huỳnh Văn Lưu (1995, trú xã Điện Phương) không trình được hợp đồng trục vớt cũng như giấy tờ tùy thân nên CAX Hòa Phước triệu tập về cơ quan làm rõ.

Nguyễn Thương, Nguyễn Lắm, Huỳnh Nam, Huỳnh Văn Lưu.

Qua đấu tranh, Thương khai nhận là thủ phạm đã thực hiện các vụ trộm cắp trên. Cụ thể, đêm 31-10, Thương cùng với con là Nguyễn Lắm (1993) chạy ghe đến công trình khoảng 200m thì neo đậu. Sau khi quan sát thấy công trình vắng người, cha con ông lên bờ vác 25 tấm cốp-pha quy cách xuống ghe. Trên đường chạy về Vĩnh Điện (H. Điện Bàn) thì Thương liên lạc với một chủ đề-pô phế liệu tên Mai (xã Điện An, H. Điện Bàn) đến dưới gầm cầu Vĩnh Điện thỏa thuận bán với giá 3 triệu đồng. Thấy "dễ ăn" nên đêm 16-11, Thương, Lắm rủ thêm Nam, Lưu tiếp tục chạy ghe ra công trình. Đến nơi, Thương ở lại ghe cảnh giới, còn Nam, Lưu theo chân Lắm đột nhập công trình lấy 22 tấm cốp-pha rồi bán cho chủ đề-pô phế liệu tên Lộc (xã Điện Phương) với số tiền 2,2 triệu đồng. Ngoài ra, rạng sáng 8-11, Thương, Lắm còn mang theo đồ nghề mở ốc vít lấy máy nổ trên ghe ông Tiến bán cho ông Mai 1 triệu đồng.

Sau khi vụ việc bị phát hiện, lực lượng làm nhiệm vụ thu hồi được 21 tấm cốp-pha tại đề-pô ông Lộc, số tang vật còn lại đã bị ông Mai chuyển nhượng cho người khác.

An Dương