Cung ứng tốt nhu cầu lưu thông cho hành khách

Thứ ba, 18/03/2014 10:35

(Cadn.com.vn) - Chiều 17-3, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng chủ trì hội nghị tổng kết công tác vận chuyển hành khách phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Chủ đề “nóng” nhất tại hội nghị là giải pháp nào để xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh vận tải trá hình, theo cách thường gọi là xe dù, bến cóc.

Không quá tải trong dịp Tết

Báo cáo tổng kết chiến dịch phục vụ vận tải Tết Giáp Ngọ 2014 từ ngày 20-1 đến 9-2, đại diện Sở GTVT TP Đà Nẵng khẳng định, do nắm được lịch nghỉ Tết của các trường đại học, các khu công nghiệp nên các doanh nghiệp vận tải đã chủ động tổ chức bán vé trước với nhiều hình thức như: Bán qua điện thoại, qua mạng, tại bến xe, qua đại lý... nên đã giải quyết hàng chục ngàn vé, không có hiện tượng ứ đọng khách, dồn khách và chở quá tải.

Cụ thể, trong 20 ngày phục vụ Tết, tại Đà Nẵng có gần 400 đầu xe huy động vào cuộc, các doanh nghiệp đầu B vào Đà Nẵng đăng ký khoảng 800 đến 1.200 đầu xe, có ngày cao điểm tổng số xe xuất bến tại Đà Nẵng lên tới 1.500 xe, đáp ứng giải tỏa hơn 51.000 hành khách/ngày đi các tỉnh phía Bắc, phía Nam và miền Trung-Tây Nguyên. Kết quả, đã có 25.211 lượt xe xuất bến, đảm nhận vận chuyển 719.789 hành khách theo tuyến cố định, tăng 34,53% so với cùng kỳ Tết Quý Tỵ 2013. Về vận tải bằng taxi, có hơn 1.200 đầu xe thực hiện ước khoảng 272.545 lượt nhận lệnh tổng đài và vận chuyển 859.666 hành khách, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ có sự chuẩn bị tốt trong việc phân công cụ thể cho từng doanh nghiệp phụ trách những tuyến đang khai thác đảm nhận, đăng ký số lượng xe dự phòng để chuẩn bị sẵn sàng tiếp ứng khi có yêu cầu nên trong chiến dịch không xảy ra tình trạng thiếu phương tiện và quá tải. Không có trường hợp nào buộc phải hạ tải, sau Tết chỉ có 1 trường hợp vi phạm kinh doanh trá hình xuất phiếu đặt chỗ thu tiền của khách nhưng không có xe đi TPHCM.

Các tập thể nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

“Bắt bệnh” kinh doanh vận tải khách trá hình

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại diện lãnh đạo Sở GTVT, Công an TP Đà Nẵng và Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, một số đơn vị đầu B vẫn cho xe chạy rỗng vào đón khách, có những xe đến bến đăng ký, có xe không vào bến mà quay đầu ở ngoài để đón khách làm cho trật tự vận tải phức tạp, một số trường hợp đã bị lực lượng chức năng xử lý.

Còn rất nhiều hành khách phản ánh qua đường dây nóng HĐND TP Đà Nẵng cũng như Sở GTVT về tình trạng xe taxi chạy vòng vo, hành khách quên đồ nhưng lái xe không liên lạc trả lại cho khách; nhân viên xe buýt thu tiền bán vé cao hơn giá quy định, nhất là khách du lịch nước ngoài. Phương tiện chưa được niêm yết đầy đủ những quy định kinh doanh vận tải hành khách; lái xe, nhân viên xe tuyến, xe buýt chưa nghiêm túc việc đeo bảng tên, mặc đồng phục theo phương án doanh nghiệp xây dựng có đăng ký chất lượng dịch vụ.

Nhiều  xe tuyến đường dài chạy hơn 300km vào ban đêm chưa bố trí đủ 2 lái xe nên đã xảy ra tình trạng 1 lái xe chạy quá thời gian quy định để gây tai nạn rất đáng tiếc. Một số doanh nghiệp hoặc phương tiện vận chuyển hành khách theo hợp đồng còn tổ chức bán vé hoặc đưa xe ra kinh doanh như tuyến cố định không đúng quy định. Có xe ký hợp đồng khống, chỉ in vé không đăng ký với cơ quan chức năng; không đăng ký kinh doanh vận tải nhưng cũng lập bảng hiệu tuyến cố định.

 Trong số những tồn tại này, nóng nhất vẫn là việc kinh doanh vận tải trá hình, theo cách thường gọi là xe dù, bến cóc. Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng thừa nhận hiện tại vẫn còn tình trạng kinh doanh kiểu này. Trong dịp Tết, lực lượng kiểm tra liên ngành tăng cường công tác tuần tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Rõ nhất là ngày 7-2, lực lượng chức năng đã lập bên bản xử lý 2 Cty TNHH TM&DV Phát Xuân Tùng tại số 130-Điện Biên Phủ và Cty TNHH MTV Đình Nhân tại 166-Điện Biên Phủ với mức phạt 15 triệu đồng/trường hợp.

Cái khó hiện nay là lực lượng quá mỏng nên không thể giải quyết dứt điểm, thêm nữa các xe vi phạm sử dụng nhiều hình thức đối phó tinh vi với cơ quan chức năng như lập hợp đồng khống và chống đối quyết liệt. Cùng quan điểm này, đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng phản ánh, việc lập biên bản xử lý xe vi phạm kinh doanh trá hình là vô cùng khó khăn và phức tạp. Mới nhất là xử lý vi phạm hành chính xe Xuân Tùng và Đình Nhân, chủ sở hữu phương tiện không hợp tác, mãi đến khi UBND Q.Thanh Khê cùng vào cuộc thì đối tượng vi phạm mới chấp hành.

Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết thêm, trước thực trạng kinh doanh vận tải trá hình, nhiều lực lượng Công an TP Đà Nẵng cùng tham gia vào cuộc xử lý. Riêng lực lượng CSGT đã xây dựng 3 kế hoạch phối hợp cùng đơn vị liên quan xử lý xe dù bến cóc, phân luồng giao thông Ngã ba Huế và xử lý xe quá tải qua địa bàn TP Đà Nẵng. Để giải quyết dứt điểm tình trạng kinh doanh vận tải trá hình, theo đại tá Nguyễn Đến cần phải tăng cường thêm lực lượng tuần tra và yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết không vi phạm, nhất là đối với các xe chạy tuyến ngắn.

  Với kết quả đạt được trong công tác vận chuyển hành khách phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, UBND TP Đà Nẵng quyết định tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 10 cá nhân; Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng tặng giấy khen cho 22 tập thể và  cá nhân.

Bải, ảnh: Đinh Nga