"Cuộc chiến" đưa con chữ đến với trẻ em vùng cao (Bài 1: Đưa học trò Đan Lai trở lại trường)

Thứ ba, 26/09/2017 19:00

Một năm học mới lại đến, câu chuyện về việc dạy chữ, học chữ trên vùng núi cao của các huyện miền tây Nghệ An lại bắt đầu. Những đứa trẻ sinh ra đã chịu cuộc sống vất vả, rụt rè trong giao tiếp vì vậy để đưa các em đến trường, hòa nhập với cộng đồng, hành trình tìm đến con chữ thực sự là một "cuộc chiến" không có hồi kết của thầy trò nơi đây.

Cứ đầu năm học mới, các thầy cô Trường THCS Môn Sơn, H. Tương Dương
phải băng rừng, lội suối vận động các em đến trường.

Mấy tuần qua trời mưa liên tục, kéo dài, nước sông, nước suối dâng cao khiến đường vào hai bản Cò Phạt và Khe Búng xã  Môn Sơn, H.Con Cuông lầy lội khó đi hơn. Có lẽ một phần vì lý do này nên dù đã 3 tuần bắt đầu năm học mới nhưng vẫn còn 12 học sinh dân tộc Đan Lai chưa đến trường được. Thầy Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn, H. Con Cuông cho biết, bản Cò Phạt và Khe Búng, xã Môn Sơn nằm ở thượng nguồn Sông Giăng, cách trung tâm xã hơn 30km đường đèo dốc. Đây là hai bản xa trung tâm xã nhất, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, đời sống bà con còn rất nghèo nên chưa thực sự quan tâm đến việc học hành của con em mình. Vì vậy, cứ vào đầu năm học mới là nhà trường phải cử cán bộ, giáo viên phối hợp với cán bộ UBND xã Môn Sơn và Đồn biên phòng Môn Sơn vào tận nơi vận động các em đến lớp sau kỳ nghỉ hè.

Đan Lai là tên gọi tộc người ít ỏi của vùng cao xứ Nghệ. Câu chuyện lịch sử của họ bi thương đến nỗi đi vào trong câu hát truyền đời: "Theo dấu con nai/ tra vào hạt lúa/ theo lưng con cọp, trỉa vào hạt ngô/lang thang đầu núi/ đìu hiu lưng đèo/ Sống đời nghèo khổ/ như dòng suối nhỏ/ như gió rừng chiều"... Theo những người già kể lại, người Đan Lai có nguồn gốc là người Kinh, nhưng chiến tranh, loạn ly đẩy họ vào tận trong thâm sơn cùng cốc để trốn giặc, tránh những cuộc giết chóc thảm thương... Nhưng ký ức về cuộc chạy trốn lịch sử dường như luôn được di truyền đến tận thế hệ sau này... Những đứa trẻ Đan Lai được sinh ra, có đôi mắt xanh trong veo như nước sông Giăng, nhưng luôn cúi mặt khi gặp người lạ. Bởi vậy, để vận động được trẻ em Đan Lai ra khỏi bản đến lớp học chữ là cả một quá trình đầy nhẫn nại, kiên trì của rất nhiều thầy cô giáo. Mùa này bà con Đan Lai đã vào sâu trong rừng để hái măng, nên việc tìm gặp và thuyết phục họ cho con em đến trường là cực kỳ khó. Hầu hết, các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm nương rẫy nên phải ở nhà trông em hoặc nhiều em không muốn đến trường vì tâm lý của phụ huynh "đi học rồi cũng về làm rẫy thì ở nhà còn hơn".

Giáo viên vận động, thuyết phục phụ huynh cho học sinh Đan Lai trở lại trường.

Năm nay, dù năm học mới đã bắt đầu được 3 tuần nhưng em Lê Văn Buôn vẫn chưa đến trường. Thế là các thầy cô giáo Trường THCS Môn Sơn lại phải trèo qua hai quả đồi để vào rẫy "bắt" Buôn ra trường đi học. Mặc dù, được thầy cô góp tiền mua sách vở, quần áo mới nhưng cứ nhắc đến đi học là Buôn lại khóc. Buôn nói: "Bố mẹ vào rừng hái măng, Buôn phải ở nhà trông nom các em, hôm nào bố mẹ về sẽ ra trường sau". Em Lê Văn Đài (HS lớp 9) cũng không chịu đến trường mặc dù đã được các thầy cô đến tận nhà vận động, năn nỉ. Hoàn cảnh gia đình Đài hết sức khó khăn nên Đài muốn ở nhà làm rẫy, phụ giúp bố mẹ kiếm thêm thu thập cho gia đình.

Và ngay cả khi đến trường, thầy cô, nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, để quan tâm, giúp các em chịu nói chuyện, chịu mở lòng, xóa dần khoảng cách với bạn bè xung quanh và với thế giới bên ngoài. Có nhiều thời điểm như sau hè, sau lễ tết, có em muộn học nhà trường sẽ sắp xếp lại lớp, đồng thời cắt cử giáo viên bổ túc phần kiến thức bị hổng cho các em. Theo quy định, các em học sinh người Đan Lai ở hai bản Cò Phạt và Khe Búng được miễn học phí, hỗ trợ ăn, ở tại ký túc xá của trường. Để đảm bảo chương trình học cho các em ra trường muộn, nhà trường đã cắt cử giáo viên phụ đạo để các em theo kịp chương trình. Ngoài ra, mỗi giáo viên Trường THCS Môn Sơn sẽ phải nhận nuôi, chăm sóc và hướng dẫn từ 1 đến 2 học sinh Đan Lai. "Ngoài việc đảm bảo các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, các giáo viên còn phải vận động các nguồn hỗ trợ hoặc tự bỏ tiền túi ra để mua cặp sách mới, dép, quần áo cho học trò" -thầy Hào chia sẻ.

Hiện nay, học sinh Đan Lai ở hai bản tái định cư Cửa Rào và Tân Sơn chỉ được hưởng chính sách miễn học phí, không được hưởng chế độ hỗ trợ ăn, ở bán trú... nếu không có hỗ trợ thêm từ các cơ quan, tổ chức, các em sẽ khó có thể tiếp tục theo học!

(còn nữa)
D.HÓA