“Cuộc chiến” giữ voi rừng Tây Nguyên
Theo khảo sát, hiện đàn voi rừng ở Yok Đôn còn khoảng 80 đến 100 con, với khoảng 4 đến 5 đàn. Từ năm 2008 đến nay đã có 22 con voi rừng chết do nhiều nguyên nhân, tình trạng săn bắn voi, chặt phá, khai thác rừng trái phép đang đe dọa trực tiếp đến không gian sống, dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng đàn voi rừng quý giá của Tây Nguyên...
Con voi nhà Buôn Đôn bị voi rừng tấn công gây thương tích. |
Từ khó đến... khó
Tháng 8-2011, Trung tâm Bảo tồn voi thuộc Sở NN&PTNT Đắc Lắc được thành lập. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết, quy định một số chính sách bảo tồn voi, gồm: chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bảo tồn voi; Quy hoạch đất đai tạo nơi chăn thả voi nhà; Hỗ trợ voi nhà sinh sản; Bảo tồn sinh cảnh nơi cư trú, sinh sống của voi hoang dã; Hạn chế voi xung đột với người... bảo tồn những cánh rừng quý hiếm còn lại của Đắc Lắc thì mới nói đến chuyện bảo tồn đàn voi, nét truyền thống văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Công Trung-Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi cho biết, UBND tỉnh Đắc Lắc đã phê duyệt Dự án khẩn cấp bảo tồn voi đến năm 2020, với tổng số vốn thực hiện gần 85 tỷ đồng. Dự án thì quy mô nhưng Trung tâm hiện mới chỉ có 16 cán bộ, nhân viên, chăm sóc sức khỏe cho đàn voi nhà ở địa bàn hiện còn 44 cá thể, trong đó Buôn Đôn 25 con, huyện Lăk 19 con. Tỉnh đã xây dựng công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng, bước đầu thành công với một con voi cái tên Ban Nang, tại huyện Lăk đã mang thai, dự kiến sẽ sinh voi con vào tháng 10-2017. Từ năm 2012 đến nay có 13 con voi nhà chết do già yếu, bị tai nạn, bị sát hại, bị voi rừng tấn công... Còn voi hoang dã hiện có khoảng 5 đàn với hơn 80 con, rải ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư Mgar, Ea Hleo. Từ năm 2009 đến nay đã có 22 con voi rừng chết vì nhiều nguyên nhân. Trung tâm đã cứu hộ 3 cá thể voi hoang dã bị thương do trúng bẫy của các đối tượng săn bắn trái phép, bị rơi xuống hố sâu do người dân đào lấy nước tưới hoa màu trong rừng... Hoạt động săn bắn, sát hại voi đang là mối lo ngại hàng đầu đối với công tác bảo tồn voi.
Trong khi đó, thành lập đã 6 năm, nhưng Trung tâm vẫn chưa có nơi làm việc ổn định cho cán bộ, nhân viên, đầu năm 2017, UBND tỉnh mới thu hồi 200ha đất của Công ty TNHH Cao su Đắc Lắc để xây dựng trung tâm, nhưng cơ sở vật chất hầu như chưa có gì. Voi hoang dã sống dựa vào những cánh rừng tự nhiên nhưng diện tích rừng bị giảm mạnh và chia cắt do nạn khai thác lâm sản, phá rừng làm nương rẫy, chuyển đổi đất đai sang dự án nông lâm nghiệp... Nguồn thức ăn của voi vì thế suy giảm, trong khi chính quyền tỉnh chưa quy hoạch được một khu sinh cảnh sống cho voi đủ rộng, để hạn chế voi rừng đến kiếm ăn ở các khu vực sản xuất của nhân dân từ đó xung đột giữa voi và người đã xảy ra khốc liệt. Người dân đặt bẫy trong rừng, làm voi rừng bị thương, chết. Trung tâm bảo tồn voi đã thành lập các Tổ bảo vệ voi, nhưng kinh phí hạn hẹp, hoạt động chưa có hiệu quả...
“Giải phóng” sức lao động cho voi nhà
Nói về công tác bảo tồn voi nhà, ông Trung cho biết, voi nhà ở Tây Nguyên đang bị “bóc lột” sức lao động một cách cùng cực. Một voi nhà trưởng thành hiện nay, trung bình một tháng phải đi phục vụ du lịch 14 ngày, thời gian còn lại được đưa về thả vào rừng tự kiếm ăn. Do quản lý độc lập, voi ít có cơ hội gặp gỡ để giao phối, sinh sản bảo tồn nòi giống. Nguồn thức ăn tự nhiên cho voi ngày càng khan hiếm, dẫn đến suy giảm sức khỏe, khả năng sinh sản và tuổi thọ. Diện tích rừng hẹp, đã xảy ra xung đột giữa voi rừng và voi nhà ngày càng báo động, đã có nhiều voi nhà bị voi rừng tấn công bị thương, chết... Nhiều vấn đề cấp bách đang thách thức công tác bảo tồn đàn voi cả voi rừng lẫn voi nhà ở Tây Nguyên, mà thách thức đầu tiên đặt ra vẫn là công tác bảo tồn rừng...
Ông Nguyễn Công Trung cho biết, Trung tâm đã kiến nghị một số giải pháp trong công tác bảo tồn voi: kiện toàn nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn, sớm triển khai quy hoạch khu chăn thả voi nhà, để có nơi chăn thả voi, bổ sung nguồn thức ăn cho voi. Quy hoạch, bảo tồn sinh cảnh sống cho voi hoang dã ở Buôn Đôn và Ea Súp, thuộc diện tích vườn quốc gia Yok Đôn, trồng bổ sung cây làm thức ăn, tạo các điểm muối khoáng, nguồn nước nhân tạo cho voi rừng, để hạn chế voi rừng di chuyển đến khu dân cư, hạn chế xung đột giữa voi với người, voi rừng với voi nhà. Tăng cường hợp tác quốc tế về chuyên môn nghiệp vụ, nguồn nhân lực, nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, hỗ trợ trao đổi nguồn gen giữa các nước khu vực để bảo tồn voi nhà. Hỗ trợ về kinh phí cho các chủ voi đang chăm sóc nuôi dưỡng voi cái trong độ tuổi sinh sản. Đặc biệt đối với voi hoang dã, có những chính sách hạn chế voi xung đột với người... Hy vọng những kiến nghị, giải pháp này sớm được chính quyền, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương xem xét, triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất, nhằm giúp công tác bảo tồn voi Tây Nguyên đạt nhiều kết quả.
Hồng Thanh-Lê Hùng