Cuộc chiến giữa Mỹ và Venezuela

Thứ bảy, 26/01/2019 11:22

Theo các nguồn tin, Mỹ muốn triệu tập một cuộc họp kín HĐBA LHQ về tình hình Venezuela vào ngày 26-1. Hiện chưa rõ thực hư nhưng việc này có khả năng sẽ phải đối mặt với phản ứng từ Nga, khi mà Moscow không coi tình hình ở Venezuela là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Nhiều người xuống đường để “Cầu nguyện cho Venezuela” khi họ chờ đợi sự xuất hiện của Giáo hoàng Francis tại Panama.  Ảnh:AFP

Cuộc khủng hoảng chính trị Venezuela không chỉ phủ bầu không khí u ám khắp nước này mà còn châm ngòi cho những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Venezuela.

Ăn miếng, trả miếng

Tổng thống Maduro tiếp tục tỏ rõ sự thách thức đối với những động thái can thiệp của Washington khi tuyên bố đóng cửa đại sứ quán và lãnh sự quán Venezuela tại Mỹ, một ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính quyền của ông là “bất hợp pháp”.

Động thái này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi ông Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và cáo buộc chính quyền của Tổng thống Trump công khai kích động một cuộc đảo chính ở Venezuela. Trong một bài phát biểu, ông Maduro cho biết, các cán bộ và nhân viên ngoại giao Venezuela sẽ trở về nước ngay trong tuần này, đồng thời nhắc lại thời hạn 72 giờ mà Caracas đã đưa ra đối với các nhà ngoại giao Mỹ để rời khỏi Venezuela.

Phản ứng lại động thái gay gắt này của Caracas, Bộ Ngoại giao Mỹ ra lệnh một số nhân viên chính phủ Mỹ rời khỏi Venezuela, đồng thời khuyến cáo các công dân Mỹ cân nhắc rời khỏi quốc gia Nam Mỹ này. Trong một cảnh báo về an ninh, Đại sứ quán Mỹ tại Caracas cho biết, các nhân viên chính phủ không khẩn cấp của Mỹ đã được lệnh rời khỏi Venezuela và các công dân Mỹ cần “thật sự cân nhắc” ra khỏi nước Mỹ Latinh khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.

Theo các nguồn tin, Mỹ muốn triệu tập một cuộc họp kín HĐBA LHQ về tình hình Venezuela vào ngày 26-1. Hiện chưa rõ thực hư nhưng việc này có khả năng sẽ phải đối mặt với phản ứng từ Nga, khi mà Moscow không coi tình hình ở Venezuela là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Chĩa mũi dùi vào Mỹ

Dù khủng hoảng chính trị xảy ra ở Venezuela, mọi mũi dùi đang chĩa vào Mỹ, quốc gia công khai ủng hộ đảo chính chống lại Tổng thống Maduro.

Trả lời phỏng vấn RT, cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa nhận định việc Mỹ thúc đẩy lật đổ chính quyền tại Venezuela và tích cực ủng hộ một người “phớt lờ mọi luật lệ” sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm. Nói về những diễn biến mới nhất tại Venezuela, ông Correa cho rằng tình hình hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ này, sau khi một người “tự phong là tổng thống lâm thời” và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ từ Mỹ cùng 11 quốc gia Mỹ Latinh, là “chưa từng thấy”. Ông Correa lưu ý rằng, các nước nói trên đã kêu gọi một cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Maduro trước khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự phong là tổng thống lâm thời và đây rõ ràng là hành động ủng hộ lật đổ chính quyền.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, Mỹ không nên ủng hộ đảo chính chống lại Tổng thống Maduro. “Mỹ có lịch sử lâu dài về việc can thiệp vào tình hình các nước Mỹ Latinh không phù hợp, và họ không nên đi theo con đường đó một lần nữa”, một chuyên gia nhận định. Các cường quốc cũng lên tiếng gay gắt. Trong cuộc điện đàm ngày 24-1 với ông Maduro, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết ủng hộ chính phủ đắc cử của Venezuela, đồng thời chỉ trích “sự can thiệp mang tính phá hoại từ bên ngoài” đối với quốc gia Nam Mỹ này, cho rằng, hành động can thiệp vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế. Chính phủ Cuba ra tuyên bố phản đối kịch liệt âm mưu thành lập một chính phủ tay sai cho Mỹ thông qua một cuộc đảo chính tại Venezuela, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết không thay đổi đối với chính phủ của Tổng thống hợp hiến Maduro.

Sự ủng hộ của quân đội

Lực lượng quân đội quyền lực của Venezuela tiếp tục ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro khi lãnh đạo phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn Juan Guaido đưa ra thách thức trực tiếp đối với chính quyền của ông và treo số phận đất nước bị khủng hoảng trên đầu sợi tóc.

Quốc gia giàu dầu mỏ này, vốn đang gặp nhiều khó khăn kinh tế, đã lâm vào tình trạng khủng hoảng chính trị kể từ khi Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát Juan Guaido tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước với tư cách là “Tổng thống lâm thời” - một tuyên bố nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ Washington và nhiều quốc gia trong khu vực như Brazil, Argentine và Colombia.

Tuy nhiên, nhiều cường quốc khác trên thế giới phản đối động thái vốn được xem là “một cuộc đảo chính” này của ông Guaido. Và điều quan trọng, Tổng thống Maduro cũng vẫn nhận được sự ủng hộ của quân đội rất quyền lực của Venezuela. Trong phản ứng chính thức hôm 24-1, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino tuyên bố, lực lượng vũ trang nước này không công nhận bất cứ tổng thống nào tự phong hoặc bị che phủ bởi những “lợi ích đen tối”. Ông Padrino khẳng định, lực lượng vũ trang Venezuela sẽ quyết tâm bảo vệ hiến pháp và đảm bảo chủ quyền quốc gia.

Và mới nhất, hôm 25-1, Bộ trưởng Padrino tiếp tục tuyên bố, ông Maduro, 56 tuổi là “tổng thống hợp pháp” - và khẳng định sẽ bảo vệ chính phủ trước một “cuộc đảo chính”. Theo sau Bộ trưởng Padrino, 8 vị tướng khác trong Bộ Quốc phòng nhắc lại “lòng trung thành và sự phụ thuộc tuyệt đối” của họ với nhà lãnh đạo Maduro trong các thông điệp được truyền hình trên truyền hình nhà nước.

Và Tòa án Tối cao cũng tái khẳng định lòng trung thành với chính phủ hợp pháp của Tổng thống Maduro. “Một cuộc đảo chính đang diễn ra ở Venezuela với sự hậu thuẫn của các chính phủ nước ngoài”, Chánh án Tòa án Tối cao Maikel Moreno khẳng định.

KHẢ ANH