Cuộc chiến với ''sa tặc''
(Cadn.com.vn) - Những năm gần đây, hàng loạt công trình trọng điểm triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cần nguồn cát xây dựng khổng lồ. Chưa kể hơn 90% nguồn cung ứng vật liệu cát, sỏi cho ngành xây dựng TP Đà Nẵng đều lấy từ địa bàn Quảng Nam. Các mỏ cát lớn nhất của tỉnh Quảng Nam tập trung chủ yếu ở lòng sông Vu Gia, Thu Bồn. Để đảm bảo không thất thoát nguồn tài nguyên cũng như ảnh hưởng đến dòng chảy, môi trường, sạt lở, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra nhiều văn bản siết chặt hoạt động khai thác cát sỏi trái phép nhưng hoạt động khai thác cát sỏi trái phép vẫn diễn ra rầm rộ.
Xưởng đóng tàu sắt chui tại bến Điện Bình. |
Đóng tàu sắt chui để hút cát
Bãi bồi bến Điện Bình (xã Điện Minh, TX Điện Bàn) nằm bên dòng Thu Bồn gần đây trở nên nhộn nhịp, khi bỗng dưng mọc lên một khu vực đóng tàu vỏ sắt. Tại hiện trường, ngoài hai chiếc tàu lớn đã hoàn thiện xong phần thô, còn có 5 chiếc đang được đóng mới. Nhiều người dân khu vực cho biết, chủ những con tàu trên là người dân địa phương. Họ thuê thợ, công nhân về rồi tự đóng mới không thông qua bất cứ đơn vị kỹ thuật cũng như các nhà quản lý. "Mỗi chiếc tàu như thế đóng xong cũng mất vài tháng. Không biết các ngành chức năng có kiểm định hay không nhưng đã có nhiều chiếc xuất xưởng và đưa vào sử dụng"- một người dân sống gần khu vực trên cho biết. Gọi là "xưởng" nhưng thực chất chỉ là một bãi đất trống không có mái che, không có nhiều máy móc hiện đại. Chỉ có vài chiếc máy hàn, vật liệu sắt và nguồn điện được kéo ra từ các hộ dân gần đó, hàng chục công nhân hối hả làm việc. Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND TX Điện Bàn tỏ ra... bất ngờ trước thông tin P.V đề cập.
Ông Úc cho biết: "Tôi thật sự bất ngờ trước thông tin trên. Nếu xưởng đóng tàu trên hoạt động có phép thì tôi đã biết rồi, vậy chỉ có hoạt động chui thôi. Tôi sẽ gọi ngay cho Thanh tra Sở Giao thông để phối hợp xử lý". Theo đại diện lãnh đạo CA tỉnh Quảng Nam, bên cạnh các thuyền vỏ gỗ truyền thống, gần đây các đối tượng "sa tặc" tăng cường đưa tàu vỏ thép, với dụng cụ máy móc hút cát hiện đại vào tận thu cát dưới lòng sông. Do lợi nhuận cao nên nhiều chủ phương tiện bị xử phạt hành chính năm lần bảy lượt nhưng vẫn cố chấp. Vào thời điểm cuối năm 2015, sau một đêm mật phục, lực lượng Phòng CSKT CA tỉnh Quảng Nam đã vây bắt 8 tàu vỏ thép đang hút lậu cát giữa lòng sông Thu Bồn-khu vực giáp ranh các xã Điện Phong và Điện Trung (TX Điện Bàn). Khi thấy lực lượng chức năng bất ngờ xuất hiện, các tàu đang hút cát tháo chạy đến khu vực cầu Câu Lâu (xã Điện Phương) lẩn trốn nhưng đã bị khống chế và lập biên bản. Qua làm việc, 8 tài công đều cho rằng chỉ là người làm thuê, còn trách nhiệm thuộc về các chủ tàu. Khi bị phát hiện bắt giữ, mỗi chiếc tàu sắt trên vận chuyển từ 30-60m3 cát.
Cách đó 2 tháng, đơn vị này cũng phối hợp với các cơ quan liên quan bắt quả tang 15 tàu vỏ thép hút trộm cát tại khu vực chỉ cách Trạm chốt chặn kiểm soát, bảo vệ tài nguyên khoáng sản TX Điện Bàn vài trăm mét. Mỗi phương tiện thừa nhận khai thác 2-4 chuyến/ngày.
Trung tá Phạm Trường Sơn (Phòng CSKT CA Quảng Nam) cho biết, theo quy định, nếu chủ phương tiện trực tiếp khai thác trái phép thì sẽ lập biên bản, tịch thu phương tiện. Nhưng do biết cách "lách luật" nên các chủ tàu thuyền hiện nay đều hợp đồng với các tài công để khai thác. Khi phát hiện bắt giữ, đơn vị chức năng chỉ xử phạt hành chính theo quy định, còn phương tiện không thể thu giữ được.
Bến bãi rầm rộ thu mua cát không rõ nguồn gốc tại P. Điện Minh. |
Cần siết chặt quản lý
Tại bến Điện Bình có đến gần 10 bến cát nằm xen lẫn với nhà dân. Hằng ngày hàng trăm lượt xe tải ra vào lấy cát chở đi tiêu thụ. Dưới bến sông, hàng chục thuyền cập bến bán cát. Theo UBND TX Điện Bàn, đây là những bến bãi có phép. Thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số các bến bãi này tiêu thụ nguồn cát sỏi không rõ nguồn gốc. Chính quyền địa phương cũng thừa nhận không quản lý được. Riêng TX Điện Bàn, theo thống kê hiện có 128 phương tiện được đăng kiểm, 21 bến bãi tập kết cát dọc sông và 5 trạm kiểm soát đường sông ở 5 xã để kiểm tra, kiểm soát việc khai thác cát trái phép. Ông Nguyễn Phi Công, thành viên tổ chốt chặn xã Điện Phong (TX Điện Bàn) cho biết, không ít lần các thành viên của tổ chốt chặn bị sa tặc chống trả. Từ đầu năm đến nay, tổ chốt chặn xã Điện Phong đã tạm giữ và xử phạt vi phạm hành chính 33 trường hợp khai thác cát trái phép, với tổng số tiền gần 400 triệu đồng...
Theo ông Bùi Văn Ba, Trưởng Phòng Khoáng sản (Sở TNMT Quảng Nam) nhìn nhận, với trữ lượng cát dồi dào, hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn lâu nay là "điểm nóng" hút cát trộm. Đáng nói, vị trí khai thác trái phép thường là những khu vực không đảm bảo điều kiện để quy hoạch thăm dò, khai thác như nằm trong luồng tàu chạy, sát bờ sông, hành lang an toàn cầu, đất sản xuất của nhân dân, trữ lượng thấp hoặc khu vực giáp ranh giữa các địa phương và các vị trí này có thuận lợi là gần nơi tập kết, tiêu thụ. Vì thế hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép đã gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, tác động xấu đến môi trường, gây bất bình trong nhân dân. Phần lớn các đầu nậu, đại lý cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn đều mua lại cát từ các tàu thuyền khai thác trái phép, ít khi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thậm chí, một số dự án, công trình còn thích mua cát sỏi trôi nổi vì giá rẻ, chi phí vận chuyển thấp hơn. Trước sức hút về ngành kinh doanh cát, sỏi, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân lập thủ tục hồ sơ xin các điểm mỏ khai thác nhưng không được các cơ quan chức năng chấp thuận. Song hiện nay, nhu cầu về cát, sạn quá cấp bách, không được cấp phép, các đối tượng lại lén lút câu kết để hoạt động khai thác chui....
Theo quy định, mỗi mét khối cát hút trái phép sẽ bị xử phạt tới 1 triệu đồng, mỗi thuyền có trọng tải 40 - 50m3, nếu bị bắt sẽ phải chịu mức xử phạt lên tới 40-70 triệu đồng. Thực tế, nhiều lần ngành chức năng truy quét đều bị lộ thông tin, thậm chí chỉ sử dụng hình thức phạt nhưng cho tồn tại, chứ chưa có biện pháp nào nghiêm khắc hơn. Theo các ngành chức năng, phần lớn các phương tiện hút cát trộm vận chuyển trên sông đều không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo các quy định cần thiết khi lưu thông. Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã nhiều lần chỉ đạo quyết liệt ngành thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông đường thủy phải xử lý, chặn đứng từ đầu các tàu thuyền lưu thông không đảm bảo quy định. Về đề xuất cấp phép khai thác cát lòng sông, ông Đinh Văn Thu lưu ý, các ngành và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm xem xét kĩ mức độ ảnh hưởng của việc khai thác cát lòng sông đến tình trạng chuyển đổi dòng chảy, sạt lở, mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến các công trình khác. Về lâu dài, sẽ lập quy hoạch các bến bãi tập kết cát, sỏi. Nghiên cứu, khảo sát xây dựng khu vực tạm giữ phương tiện đường thủy để phục vụ công tác xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi.
Thiết nghĩ để quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản hiệu quả, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền trong công tác chỉ đạo quản lý khoáng sản. Nơi nào để tình trạng khai thác, tập kết trái phép cát, sỏi phức tạp kéo dài thì người đứng đầu chính quyền và CA địa phương phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương có chung khu vực trên sông và cửa biển trong quản lý khai thác, vận chuyển và sử dụng cát, sỏi; tăng cường công tác truy quét hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi trái phép. Yêu cầu các chủ bãi có đầy đủ giấy tờ pháp lý cam kết không tiếp nhận cát, sỏi không có nguồn gốc rõ ràng, nếu chủ bãi nào vi phạm phải cương quyết đóng cửa bến. Có như vậy mới góp phần giảm thiểu vấn nạn "sa tặc" đang bùng phát mạnh như hiện nay.
B.B