Cuộc di dân lịch sử ở Huế: Mối lo nguồn kinh phí

Thứ năm, 13/06/2019 13:05

Theo UBND tỉnh TT-Huế, kinh phí thực hiện giai đoạn 1 Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế lên đến 1.880 tỷ đồng là quá lớn so với khả năng ngân sách địa phương.

Người dân chiếm hộ Thành Hào gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến di tích.

Xây dựng khung chính sách đặc biệt

Liên quan đến đề án thực hiện "cuộc di dân lịch sử" ở Huế, ngày 11-6, Văn phòng UBND tỉnh TT- Huế cho biết, tại buổi làm việc ở Văn phòng Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ ngành vào chiều 10-6, lãnh đạo tỉnh TT-Huế đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm đảm bảo nguồn lực để kịp thời thực hiện đề án. Hiện, tỉnh TT-Huế đang tập trung nỗ lực để thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế. Dự kiến trong tháng 9 tới tỉnh sẽ hoàn thành khu tái định cư và thực hiện di dời 523 trong số hơn 4.200 hộ "sống treo" tại các di tích Kinh thành Huế trong tháng 10-2019.

Theo lãnh đạo tỉnh TT-Huế, đây là cuộc di dân lớn nhất, quy mô nhất từ trước tới nay tại địa phương, vì vậy đã xây dựng khung chính sách đặc biệt trong cơ chế hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Theo khung chính sách do UBND tỉnh TT-Huế xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các trường hợp người dân sử dụng đất lấn chiếm nhận được sự hỗ trợ lớn khi bị di dời, giải tỏa. Cụ thể, các trường hợp sử dụng đất lấn chiếm trong giai đoạn từ 19-5-1976 - 15-10-1993, trên đất có nhà ở thì được hỗ trợ 100% theo hiện trạng, nhưng không vượt quá 200m2, phần còn lại hỗ trợ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở. Những trường hợp xây dựng nhà trên mặt nước cũng được hỗ trợ 100% theo diện tích xây dựng, nhưng không vượt quá 200m2. Các trường hợp sử dụng đất do lấn chiếm trong giai đoạn từ 15-10-1993 đến 1-7-2004, đất có nhà ở được hỗ trợ 50% theo hiện trạng nhưng không vượt quá 200m2, phần còn lại hỗ trợ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở. Những trường hợp xây dựng nhà trên mặt nước trong giai đoạn này được hỗ trợ 50% theo diện tích xây dựng, không vượt quá 200m2. Việc hỗ trợ đối với các trường hợp sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1-7-2004 nhưng chưa nộp tiền để được sử dụng đất được chia làm 2 loại đối tượng. Đối tượng sử dụng đất trước 15-10-1993 được hỗ trợ 100% theo diện tích hiện trạng, không vượt quá 200m2. Đối tượng sử dụng đất giai đoạn từ 15-10-1993 đến 1-7-2004 được hỗ trợ 50% theo diện tích hiện trạng, không vượt quá 200m2. Phần diện tích đất lớn hơn hạn mức giao đất ở thì được hỗ trợ theo quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở.

Đối với nhà ở, công trình sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường thì được hỗ trợ bằng 80% giá trị xây mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương. Đặc biệt, khung chính sách này quy định, các hộ gia đình, cá nhân khi được bồi thường hoặc hỗ trợ về tài sản là nhà ở và công trình xây dựng khác có số tiền bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn 120 triệu đồng mà phải di chuyển chỗ ở đến nơi tái định cư mới thì được hỗ trợ thêm cho đủ 120 triệu đồng để có điều kiện làm nhà mới...

Các hộ dân sống khốn khổ ở đường Trần Huy Liệu- thuộc di tích Kinh thành Huế.

Kinh phí vượt khả năng ngân sách địa phương

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế cho biết, kinh phí thực hiện giai đoạn 1 của Đề án lên đến 1.880 tỷ đồng là quá lớn so với khả năng ngân sách địa phương. Vì vậy, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm phê duyệt bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2019-2020 và bố trí từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế, giúp tỉnh đảm bảo được nguồn lực để kịp thời thực hiện đề án. Lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế đề nghị, trong trường hợp không cân đối được kinh phí thì Thủ tướng Chính phủ quan tâm bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu văn hóa của tỉnh 2 năm 2019 và 2020, hoặc cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với di sản quần thể di tích cố đô Huế giai đoạn 2019-2020 theo Luật Di sản văn hóa. Cụ thể, tỉnh được để lại và sử dụng toàn bộ nguồn thu phí di tích cho việc thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế và trùng tu di tích, không huy động 50% từ nguồn thu phí bán vé tham quan di tích để cân đối quỹ cải cách tiền lương...

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng ý theo chủ trương và đề xuất của tỉnh TT-Huế. Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện đề án là cuộc di dân mang tính lịch sử nên đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp về nguồn vốn để giúp tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là "cuộc di dân lịch sử" của tỉnh TT-Huế. Đề án được thực hiện nhằm di dời, giải phóng mặt bằng 4.201 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư 1.362 tỷ đồng. Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) sẽ di dời 2.950 hộ dân ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ. Giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài, hệ thống hồ 4 phường nội thành TP Huế.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh TT-Huế, riêng trong năm 2019, tỉnh hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích 9,98ha khu tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để giao đất tái định cư cho các hộ xây dựng nhà ở... Theo UBND tỉnh TT-Huế, trong giai đoạn 1 của đề án, kinh phí chi trả cho dân là 1.880 tỷ đồng, chi phí xây dựng tái định cư và xây dựng thiết chế xã hội khoảng 1.000 tỷ đồng. Riêng 1.000 tỷ đồng tỉnh chịu trách nhiệm vay, nhưng tiền chi trả cho dân thì tỉnh không kham nổi. Trong khi đó, hiện Chính phủ mới bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương 100/1.880 tỷ đồng trong 3 năm.

HẢI LAN