Cuộc đời khe khẽ
(Cadn.com.vn) - Bao giờ cũng vậy.
Bão, giông chớp giật hay thác lũ thét gào, chiến tranh mù mịt hay thái bình yên ả, bất chấp tất cả, dòng chảy cuộc đời vẫn thì thầm khe khẽ. Khe khẽ như chính bản chất sinh tồn bền bỉ của kiếp nhân sinh ngàn đời, thì thầm như chính tâm hồn con người luôn biết nâng niu ẩn giấu những điều sâu kín không dễ nói ra, không thể nói ra. Đó là những tiếng nói chiết ra từ tim, ứa ra từ máu, nói cho riêng mình, tự sự, chẳng cần ai biết chẳng cần ai nghe, chỉ là điểm tựa, là bầu bạn tri âm, là người tình chung thủy dịu hiền, là giá đỡ linh hồn cho những khoảnh khắc chênh chao, trăn trở, buồn vui nhập nhòa đan xen, ngào trộn nhất. Như những dòng nhật ký của liệt sĩ xứ Quảng Trần Duy Chiến kia.
![]() |
Liệt sĩ Trần Duy Chiến |
Đó chính là sức mạnh tinh thần, là điểm tựa tâm linh huyền bí mãnh liệt mà đối phương đến bây giờ vẫn không hiểu được, rất nhiều quốc gia không hiểu được. Bởi ngay như vị tướng huyền thoại Napoleon, sau những cuộc chinh phạt làm kinh hoàng thế giới, khi bị lưu đày ra một hòn đảo trơ trụi giữa trùng khơi mới bỗng đau đớn nhận ra rằng: "Rốt cuộc sức mạnh quân sự dẫu có ghê gớm đến mấy nhưng xét đến cùng nó chỉ bằng một phần ba sức mạnh tinh thần”.
Những trang nhật ký của Chiến, của đồng đội anh là một sức mạnh tinh thần. Hơn thế nó còn là chỗ dựa bất khả chiến bại cho thế giới tâm hồn, là đôi cánh đỡ nâng cho anh khi trái gió trở trời, khi lòng dạ có giây phút chểnh mảng, chao nghiêng, khi chao ôi, sao cuộc chiến nào cũng mất mát nhiều quá, đau thương nhiều quá, khi kẻ thù nào cũng dã man tàn độc ngoài sức tưởng tượng thế này! Và nó, những con chữ viết ra từ máu ấy, lại cũng thấm đẫm màu xanh lúa mạ, đồng quê, ngọt lịm trái dừa, ngọt lịm tấm lòng của mẹ, ngọt lịm mắt nhìn của ai trước lúc chia xa.
Đắng khét và ngọt ngào. Dữ dội và bâng khuâng. Xanh và đỏ. Tối và sáng. Hôm nay và ngày mai. Sống và chết. Cuốn nhật ký chiến tranh nào chả mang hai gam màu đối lập đến chói gắt, đến phũ phàng như thế! Bởi nó là một dạng thức văn hóa đặc biệt, văn hóa chiến hào mà thế hệ của cha ông, của tôi, của anh, Trần Duy Chiến đã sản sinh ra và được nó hà hơi, tiếp sức, nuôi dưỡng trở lại để trong suốt cuộc hành trình bươn chải qua những cánh rừng ẩm ướt, những cánh rừng bom đạn, những cánh rừng chết chóc, cuối cùng, trước khi nằm xuống, anh vẫn là một người cầm súng tử tế.
Tây tiến viễn chinh! Hơn hai trăm trang nhật ký của anh là hơn hai trăm trang bề bộn, ngổn ngang những sự kiện, là hơn hai trăm nỗi niềm chân thật, hơn hai trăm vui buồn đến đáy, không ồn ào, không nói lớn, không lưng chừng, tránh né. Là hơn hai trăm trang gan ruột của một người lính, một công dân, một con người được bày ra sáng trưng trước nắng trời.
Đó cũng là hai trăm trang chan chứa hồn thơ. Hồn thơ dâng mẹ, hồn thơ trải về người thương, về những đứa em thân thiết, về đồng đội, về xóm làng, về những ước mơ và khát vọng, về những niềm vui và mất mát, về đức hy sinh và chí khí làm trai, về tất cả mà có lẽ những dòng dâng cho mẹ là những ý thơ sâu đậm nhất. Bởi lẽ, mẹ là cuộc sống, là giang sơn, là khổ đau và ngọt lành, để rồi người lính nào cũng thế, dù có vợ hay chưa, dù có cô gái nhà bên hay chưa kịp có, hai tiếng cuối cùng trước khi nằm xuống bao giờ cũng là hai tiếng “Mẹ ơi!”.
Hình bóng Mẹ đi suốt những tháng năm chinh chiến, đi suốt những địa danh khắc nghiệt: Quân trường, cao nguyên, Tà Sanh, Pailin, Churboroom... để rồi sau khúc” Tình tự với rừng và bài tự ca vĩnh biệt” thao thiết, nồng nàn ở cao điểm B6 phía trời tây xa ngái, anh giã từ cuộc sống mới vào độ tuổi 22, độ tuổi quá trẻ để chưa kịp biết thế nào là một vòng tay ôm mềm mại con gái, một bờ môi nóng bỏng của người yêu. Và còn biết bao người trai trẻ đã bị chiến tranh tước đoạt đi những điều bình dị và bình thường như thế!
Xin dành một vòng hoa trắng cho anh. Lại xin dành một vòng hoa đỏ cho những con chữ bay lên từ tâm hồn người liệt sĩ. Chính những con chữ ấy đã phản ánh phẩm chất dân tộc này, phản ánh dáng đứng non sông này để trong bầu trời tự do thơ thới hôm nay, anh, các anh và những dòng chữ mang chiều sâu trầm tích ấy tự thân đã thành một bức tượng đài chiến thắng, tượng đài nhân văn lồng lộng đứng giữa trời, trong đó, tôi hiểu anh, cuộc chiến đấu và chiến thắng chính mình để trụ vững là cuộc chiến đấu gian nan, dằng dai nhất. Anh đã chiến thắng, huy hoàng và rớm máu.
![]() |
Lễ truy điệu liệt sĩ Trần Duy Chiến tại TP Đà Nẵng, tháng 4-2007. Ảnh: Kim Thanh |
Xin hãy đọc đôi dòng của anh về Mẹ:
"Mẹ ơi! Rồi mai đây trên vạn nẻo đường đất nước, lúc đứng bên lề biên giới, lúc ở ngoài biển khơi, lúc trên hải đảo xa xôi, lúc đứng trước mặt quân thù, hay lúc con gục xuống trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc… con đều gọi thầm tên Mẹ. Lúc ấy, Mẹ sẽ hiện ra trước mặt con như một bà tiên hiền dịu, an ủi con, khuyên nhủ con.Thế là con lại có đầy đủ nghị lực xông ra phía trước, hay đứng vững trước gió mưa lạnh buốt…”.
Về đồng đội:
“ … Chính ơi! Tình thương tao dành cho mày như quả núi lớn kia. Ngày hai đứa mình chưa khoác lên tấm thân bộ chiến y màu lá, tao với mày quấn quýt như vợ chồng. Những đêm dài hai đứa lang thang trên con đường nhựa, rồi lại rúc vào quán chè, quán cà-phê ven đường. Giờ đây mỗi đứa một nơi, mỗi đứa một phương trời cách biệt làm sao mà tao không nhớ hở mày. Trong cuộc đời tao chỉ có mày là thằng bạn mà tao thân nhất…”.
Về kẻ thù:
“ …Thằng Pôn Pốt nó ác quá! ở Long Cóp, mình đã có dịp chứng kiến những cảnh tượng ghê rợn: Người bị chết dưới hục nước chưa tan, có kẻ thịt đã bị bấy ra như mắm, con nít có người lớn có, chín mười xác người chất chồng lên nhau để đốt. Có người chỉ cháy cái đầu, cái mình còn lại khô queo và vàng cháy như một khối thịt quay…”.
Về cái chết:
“…Nếu một mai tôi chết, cả cuộc sống bé bỏng này tôi xin trả lại cho quê hương… Chết, tôi không hề luyến tiếc một chút gì trong cuộc sống hiện tại, chỉ xin dành những ước mơ đẹp nhất cho những người tôi yêu dấu…”
Và sau đó là thơ:
“…Tôi có người thương nhỏ dễ thương/Ngày xưa hai đứa học chung trường/Hôm đi em tiễn nhoà lệ thắm/Giờ đây xa vắng nhớ thương thương/Có bạn bè tôi dăm bảy đứa/Đứa ra biên ải đứa Cà Mau/Đánh giặc giữ nhà đôi đứa mất/Đứa đi đứa ở vắng tin nhau…”.
Người lính làm thơ. Mà lại không phải làm thơ. Tất cả nó chỉ trào ra từ trái tim chân thật. Chỉ là một hồn thơ mộc mạc như đất đai rơm rạ tro trấu nồng đượm trong trái tim chiến sĩ. Diệu kỳ thay và cũng lãng mạn xiết bao lời Tự khúc chân thành. Lời tự khúc thắm thiết và hào sảng cho thế hệ mình, cho một thời kỳ đau thương, mất mát và mã thượng của lịch sử dân tộc mình. Lời tự khúc của người đã mất, Trần Duy Chiến.
Chạnh nghĩ rằng, nếu như không có chiến tranh, nếu như anh không nằm xuống khi tuổi đời còn quá trẻ thì với tâm hồn này, sự tinh tế và nhạy cảm này, rất có thể Trần Duy Chiến sẽ có đủ hành trang để bước lên con lộ văn chương thi phú đam mê và cũng rất đỗi nhọc nhằn. Biết đâu, phải, biết đâu. Bởi những con chữ những câu thơ của anh đã nói lên tất cả, đã chớm đủ độ đằm nặng để gợi mở lên biết bao điều nẻo khuất trong thế giới nội tâm phức hợp của con người, của người lính đang làm cuộc Tây tiến viễn chinh.
Hai trăm trang nhật ký được viết vỏn vẹn trong hai năm, ngắn thôi, nhưng cũng đã chứa đựng bên trong sự truân chuyên hỷ nộ ái ố của cả đời người. Tây tiến viễn chinh! Một đường gươm trong cảm nhận, một kỷ vật của chiến tranh, hơn thế, nó còn là kỷ vật của tâm hồn. Một tâm hồn lành hiền, thuần chất, lắm yêu thương, nhiều khao khát bỗng một ngày bị lọt vào guồng quay khắc nghiệt của chiến tranh.
Chiến tranh tàn độc có thể phá hủy tính cách và tâm hồn con người nhưng chiến tranh cũng có thể tạo dựng phẩm cách, nhân cách con người. Trần Duy Chiến ở dạng thứ hai. Anh say đắm cuộc đời chứ không đắm say chiến trận nhưng một khi cuộc đời đẩy anh phải vào chiến trận thì anh lại thản nhiên trụ vững như một quy luật tất yếu, một biểu đạt mặc nhiên của lòng tự trọng do quê hương đất Quảng, do con người đất Quảng cũng là con người Việt Nam trui rèn tạo nên.
Cuộc sống vẫn còn có biết bao điều trái ngang bừa bộn, thậm chí là còn quá nhiều phi lý nhưng cuộc sống vẫn chầm chậm đi lên. Con người còn có biết bao khoảng sáng tối, trong đục trong tâm hồn thậm chí là rất đục nhưng con người cũng đang từng ngày hoàn thiện. Trộm nghĩ: những con người không mang trong lòng số phận của nhân dân, không thở hơi thở của nhân dân ấy, những con người sắp làm điều ác,điều tội lỗi với nhân dân cần lao, thử một lần nào đó, vào buổi chiều tắt nắng, hãy một mình đi dọc các bia mộ liệt sĩ miên man nơi nghĩa trang, hoặc ngồi lặng lẽ trong góc phòng giở đọc từng trang nhật ký này, đọc kỹ từng con chữ, ta tin rằng sự tỉnh ngộ sẽ trở về, sự thanh sạch vị tha sẽ hồi lại. Cõi tĩnh.
Bởi có ở đâu như đất nước này, lịch sử Việt Nam là lịch sử trận mạc, dân tộc Việt Nam dẫu không muốn cũng buộc phải là một dân tộc trận mạc, cho nên để có non sông liền dải, có cánh cò trắng bay thơ thới trên bầu trời tự do như hôm nay, các thế hệ đã phải đổi bằng biết bao núi xương sông máu. Trong đó có anh và thế hệ của anh.
Bởi lẽ, trước khi ngã mình vào lòng đất mẹ, tâm nguyện cuối cùng của các anh là giọt máu trai trẻ của mình đổ xuống không vô ích, đổ xuống để cho sự hạnh phúc, ấm no, công bằng và lành sạch bay lên, bay lên...
Trần Duy Chiến ơi! Tôi cũng là một người lính, người lính già đã đi qua hai cuộc chiến tranh, cũng đã có những năm tháng tận lực cầm súng trên chính mảnh đất này, sáng mai nay trong tĩnh lặng đất trời được đọc những dòng chữ viết bằng tim óc của em, tôi thực sự nghẹn ngào như được sống lại những năm tháng kiêu hùng, khổ mà vui, những năm tháng cao đẹp nhất trong cuộc đời của một con người. Bằng những dòng này tôi muốn thắp một nén tâm nhang lòng thành lên bia mộ em, bia mộ của một người lính cách mạng biết sống và biết hy sinh cho nghĩa cả trên đời.
Và ở mênh mông sâu thẳm dưới kia, Chiến và những đồng đội của em có thể mỉm cười mà tin rằng, sự ra đi vào cõi vĩnh hằng của các em đã không hề bị rơi vào quên lãng. Quê hương, bạn bè và những người thân thiết của em, mẹ em vẫn đang từng ngày bền bỉ làm nốt những phần việc, những ước vọng cao xanh của các em để lại như một nghĩa vụ thiêng liêng, như một đạo lý nhân tình.
Ngoài kia, dòng sông Hàn lại đang tiếp nhận vào lòng mình thêm một cây cầu nữa, cây cầu bắc qua hai bờ vui, cây cầu sẽ góp phần làm thay đổi thêm diện mạo mảnh đất Đà Thành, nơi từ đó em đã làm cuộc Tây tiến viễn chinh rồi không trở lại như chữ dùng kiêu hãnh của em.
Cuộc đời vẫn lặng thầm, khe khẽ trôi về phía trước như dòng sông vẫn mãi nước lớn lại ròng để muôn đời vỗ sóng phù sa vào tâm hồn con người một thời đạn bom một thời yên ả. Vỗ sóng vào cuộc đời ngắn ngủi nhưng vô cùng ý nghĩa của em.
Đà Nẵng tháng 8-2009.