“Cuộc đời tôi” - chân dung một chính khách, diện mạo một con người rất Quảng Nam
(Cadn.com.vn) - Đó là nhìn nhận của ông Bùi Văn Tiếng-Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng tại buổi ra mắt cuốn hồi ký “Cuộc đời tôi” của tác giả Phạm Hồng Quang (Trần Văn Tân), nguyên Ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, nguyên Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào ngày hôm qua (18-12).
Tại buổi giới thiệu cuốn hồi ký, ông Bùi Văn Tiếng nhận xét: “Cuộc đời tôi” của Phạm Hồng Quang có hai phần - phần ông tự kể về cuộc đời mình và phần đồng chí đồng đội, người quen biết ông kể về cuộc đời ông. Điều thú vị là cả hai phần đều hấp dẫn và chân thực; phần sau bổ sung cho phần trước những tình tiết mới và quan trọng hơn là những góc nhìn mới, từ đó làm rõ cận cảnh chân dung một chính khách/diện mạo một con người rất Quảng Nam, rất chính trị và cũng rất đời thường.
Ông Bùi Văn Tiếng phát biểu trong buổi ra mắt cuốn hồi ký “Cuộc đời tôi” |
Bằng một giọng điệu dân dã mộc mạc, ông Phạm Hồng Quang đã kể rất nhiều câu chuyện về cuộc đời mình, nhưng có lẽ độc giả “Cuộc đời tôi” quan tâm nhiều đến những câu chuyện khẳng định đóng góp của ông vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, cũng như những câu chuyện chứng tỏ chất nhân văn đã thấm sâu vào con người chính trị của ông. Trong lời giới thiệu “Về cuốn hồi ký của một người Quảng” in ở đầu sách, ông Tiếng có dẫn ra câu chuyện ông Phạm Hồng Quang thay mặt Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà ra Hà Nội báo cáo Bộ Chính trị và Bí thư thứ nhất Lê Duẩn tình hình đô thị Đà Nẵng vào năm 1974 (từ trang 134 đến trang 144). “Tôi nghĩ đó là câu chuyện hay nhất, Phạm Hồng Quang nhất, Quảng Nam nhất trong cuốn hồi ký này. Ngay cái cách ông xin nhận kỷ luật vì đã có sáng kiến xây dựng chi bộ 2 ở nội thành Đà Nẵng cũng rất... “trổ trời” theo cách nói của Quảng Nam”, ông Bùi Văn Tiếng nói.
Tuy nhiên theo ông Tiếng, có những mẩu chuyện rất hay trong phần thứ nhất của “Cuộc đời tôi” mà nhân vật chính không phải là ông Phạm Hồng Quang, cũng không phải là những cán bộ chính trị như ông, mà là những thường dân một lòng một dạ gắn bó với cách mạng. Đó là chuyện mẹ Tư Nhùm ở thôn An Trung Bắc, nay thuộc P. An Hải Tây - Đà Nẵng năm 1950 tự đốt nhà mình nhằm đánh lạc hướng quân Pháp để cứu ông. Hay những người được ông bố trí hoạt động điệp báo như trường hợp ông Phạm Vấn, quê Đại Hòa, Đại Lộc... “Đọc những câu chuyện này càng thấu hiểu vì sao nhiều người cho rằng ông Phạm Hồng Quang sinh ra để làm dân vận, để đưa chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc vào thực tiễn cuộc sống”, ông Bùi Văn Tiếng cảm nhận.
Ông Tiếng đúc kết, qua “Cuộc đời tôi”, người đọc có thể hình dung tiểu sử một người cán bộ cách mạng, đồng thời cũng có thể hình dung lịch sử một vùng đất được xem là gian khó và ác liệt vào bậc nhất thời chiến tranh giải phóng của Khu 5 và không chừng là gian khó và ác liệt nhất thời chiến tranh giải phóng của cả miền Nam. Sở dĩ như vậy là bởi cuộc đời ông Phạm Hồng Quang luôn gắn bó máu thịt với vùng đất quê hương mà ông rất đỗi tự hào. Tự hào đến mức khi được cử ra Hà Nội để báo cáo với Bộ Chính trị về tình hình đô thị Đà Nẵng sau Hiệp định Paris, do quá căng thẳng áp lực trước nhiệm vụ đột xuất này nên ông thầm động viên mình: “Tự nhiên cái máu Quảng Nam nó nổi lên trong ngực tôi. Tôi nghiệm trong đầu, mình phải nói cho người ta không coi thường người Quảng Nam”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng thì cho rằng, cuốn hồi ký đã giúp cho thế hệ hôm nay nói chung và lãnh đạo thành phố hiện tại nói riêng rút được một số bài học kinh nghiệm quý giá để xây dựng và phát triển thành phố. Đặc biệt những kinh nghiệm của cá nhân tác giả - người được cho là “sinh ra để làm dân vận” thực sự rất quý báu, thiết thực, giúp cho lãnh đạo thành phố thông qua đó có nhiều ý tưởng, có nhiều xúc cảm, động lực để làm tốt hơn nữa công việc mà nhân dân giao phó. Ông Đặng Việt Dũng mong muốn các thế hệ cha anh đi trước tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa, cho ra đời nhiều cuốn sách tương tự - như những thước phim quý giá lưu giữ một thời hào hùng, một thời để nhớ, lưu lại tất cả những điều tốt đẹp nhất mà có thể do thời gian, do sự biến động của xã hội có khi không còn dấu tích. Ông Đặng Việt Dũng khẳng định, cuốn hồi ký “Cuộc đời tôi” và các tác phẩm của thế hệ cha anh là nguồn tư liệu quý giá để con cháu học tập, phát huy truyền thống cách mạng, làm phong phú thêm tủ sách về văn hóa đất Quảng và tích lũy thêm giá trị, làm tăng bề dày văn hóa cho thành phố.
D.Hùng