Cuộc đua giảm giá ô-tô
(Cadn.com.vn) - Thị trường ô-tô đang chứng kiến một “cuộc đua” giảm giá sốc. Hàng loạt mẫu xe đã được các hãng xe điều chỉnh giá bán lẻ giảm từ vài chục cho đến cả trăm triệu đồng để cạnh tranh giành thị phần và đón đầu thời điểm thuế suất nhập khẩu ô-tô trong khu vực ASEAN giảm về 0% kể từ ngày 1-1-2018.
Doanh số ô-tô giảm mạnh
Cuộc đua giảm giá xe bắt đầu từ cuối năm 2016 và bắt đầu “nóng” kể từ đầu tháng 4-2017, khi doanh số bán hàng của các hãng bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm mạnh do tâm lý chờ đợi thời điểm chính thức áp dụng mức thuế nhập khẩu ô-tô mới từ ngày 1-1-2018 ngày càng đến gần. Điển hình, ngay đầu tháng 5 thương hiệu xe Ford Việt Nam đã tung ra đợt giảm giá mạnh chưa từng có. Cụ thể, mẫu Ford Everest có mức giảm từ 46-134 triệu đồng, tùy từng phiên bản. Trong đó, phiên bản Everest Trend 2.2L giảm giá lên đến 134 triệu đồng, Ford Everest phiên bản 2.2L Titanium giảm 109 triệu đồng và phiên bản Everest 3.2 Titanium giảm 46 triệu đồng. Bên cạnh đó, mẫu Ford Focus cũng được điều chỉnh giảm từ 88 – 89 triệu đồng, tùy phiên bản. Mẫu xe bán tải Ranger giảm 25 – 70 triệu đồng/chiếc; Ford Ecosport giảm từ 40-68 triệu đồng, tùy từng phiên bản...
Không chịu kém cạnh, tháng 5 này cũng ghi nhận sự giảm giá mạnh các dòng xe của Nissan Việt Nam. Cụ thể, Nissan vừa chính thức công bố mức giá mới cho mẫu SUV X-Trail cao cấp tại Việt Nam với giá chỉ từ 933 triệu đồng đến 1,11 tỷ đồng, giảm từ 49 đến 85 triệu đồng so với mức giá tháng 4. Đây là đợt giảm giá thứ 2 chỉ sau 2 tháng của hãng này. Động thái này cho thấy, Nissan quyết tâm cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc như Mazda CX-5 hay Honda CR-V, Hyundai Tucson đang được khách hàng ưa chuộng để giành thị phần. Ngoài ra, một số dòng xe khác của Nissan như Sunny, Navara, Teana cũng được áp dụng chương trình khuyến mãi tặng phụ kiện hoặc tiền mặt trực tiếp từ 10 đến 30 triệu đồng.
Đặc biệt, trong tháng 5 hãng Honda cũng tung ra chương trình giảm giá tới 110 triệu đồng cho khách hàng mua Honda CR-V, hiện giá bán thực tế của CR-V chỉ còn ở mức khoảng 950 triệu đồng. Đây là mức giá thấp kỷ lục của mẫu ô-tô này kể từ khi được ra mắt tại thị trường Việt Nam.
Đối với thương hiệu Toyota rất ít khi có những chương trình khuyến mãi, giảm giá. Tuy nhiên, trước làn sóng cạnh tranh hạ giá và trong điều kiện thị trường khá ảm đạm như hiện nay, mới đây Toyota cũng đã có những động thái giảm giá xe chưa từng có trong lịch sử hãng này trên thị trường Việt Nam. Giảm giá mạnh nhất là Toyota Camry giảm sâu đến hơn 100 triệu đồng/chiếc. Bên cạnh đó, các mẫu xe khác của Toyota cũng liên tục được giảm giá như Vios khoảng 30 triệu đồng, Altis 30-40 triệu đồng, Innova 45 triệu đồng.
Trong “vòng xoáy” khuyến mãi, giảm giá xe, dòng xe Chevrolet cũng không thể đứng ngoài. Ngay đầu tháng 5-2017, hãng xe này giảm giá cho dòng xe Chevrolet Cruze với mức giảm 50 - 60 triệu đồng, Chevrolet Aveo giảm 30 triệu đồng, Captiva giảm 24 triệu đồng, Colorado 50 triệu đồng,... Có thể thấy, chưa bao giờ, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến một cuộc giảm giá mạnh tay và liên tục nhằm lôi kéo người tiêu dùng của nhiều hãng xe như hiện nay và đây là đợt giảm giá thứ 3 kể từ đầu năm 2017 đến nay của các hãng xe ô-tô.
Các hãng ô-tô trong nước đang nỗ lực cắt giảm chi phí hạ giá thành |
Tiếp tục giảm giá?
Thời gian qua mặc dù các hãng xe liên tục tung ra chương trình khuyến mãi giảm giá nhưng số lượng tiêu thụ vẫn không tăng mà còn giảm mạnh. Ông Trương Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hyundai Sông Hàn cho biết, kể từ tháng 4 đến nay, Hyundai đã giảm giá mạnh các dòng xe như Hyundai Santafe giảm từ 50 – 70 triệu đồng, Hyundai Tucson giảm 50 triệu đồng,... nhưng số lượng tiêu thụ vẫn giảm từ 10 đến 20% so cùng kỳ và so với những tháng đầu năm. Cũng theo ông Sơn, thị trường ô-tô trong nước liên tục giảm giá trong thời gian qua là nhờ vào Hiệp định Thương mại nội khối ASEAN (AFTA) sắp có hiệu lực. Một số mẫu ô-tô được nhập khẩu trực tiếp từ các thị trường trong khối ASEAN như Thái Lan hay Indonesia, Malaysia,... sẽ được giảm thuế nhập khẩu từ 30% như hiện nay xuống 0% vào ngày 1-1-2018. Điều này, gây sức ép lên các hãng xe trong nước buộc phải giảm giá để đón đầu. Riêng hãng Hyundai chuẩn bị đưa ra thị trường các dòng xe lắp ráp trong nước nhưng nhập khẩu 100% linh kiện nên giá thành có thể tiếp tục giảm từ 5 – 10% (tùy loại xe) so với hiện nay.
Phải chăng do giá xe liên tục giảm khiến nhiều khách hàng có tâm lý chờ đợi giảm thêm rồi mới mua. Theo nhận định của nhiều khách hàng “cuộc đua” giảm giá ô-tô hiện vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc khi sắp tới, các hãng ô-tô lại tiếp tục tung ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi, tặng quà cho khách hàng mua xe. Đang có ý định mua chiếc xe tầm trên dưới 1 tỷ đồng, ông Thạch (trú Q. Hải Châu) cho biết, kể từ đầu năm đến nay, giá xe đã giảm hơn 100 triệu đồng/chiếc định xuống tiền mua nhưng dự đoán trong thời gian tới giá xe còn tiếp tục giảm nên tôi quyết định chờ đến gần cuối năm mua luôn.
Ông Nguyễn Đình Thuận, Phó Tổng Giám đốc Cty Tan Chong Đà Nẵng (chuyên lắp ráp các dòng xe Nissan) cho rằng, chưa bao giờ thị trường ô-tô trong nước lại chứng kiến cảnh chạy đua giảm giá mạnh như bây giờ. Cứ hãng này vừa tung ra chương trình giảm giá lập tức hãng khác lại chạy theo như một cuộc đua chưa có đích để giữ chân và lôi kéo khách hàng. Do đó, bắt buộc các hãng phải cắt giảm tối đa chi phí để hạ giá thành và cạnh tranh với các dòng xe nhập khẩu vừa hỗ trợ tốt nhất cho người tiêu dùng. Với mức thuế nhập khẩu giảm từ 30% về 0% vào đầu 2018, tính ra giá xe nhập sẽ giảm đáng kể, rất nhiều khách hàng chờ đợi một mức giá hấp dẫn hơn trong thời gian tới.
Xuân Đương
Theo số liệu của Hiệp hội Ô-tô Việt Nam (Vama) trong tháng 4, mặc dù các hãng ô tô tung ra nhiều chương trình giảm giá nhưng số lượng tiêu thụ trong nước vẫn giảm mạnh với 21.492 xe, trong đó 10.705 xe du lịch, giảm 36% so với tháng trước; 9562 xe thương mại, giảm 15% so với tháng trước và 1.675 xe chuyên dụng, giảm 6% so với tháng trước. Sản lượng xe lắp ráp trong nước 16.453 xe, giảm 10% so với tháng trước; 5.489 xe nhập khẩu nguyên chiếc, giảm 35% so với tháng 3. |