Cuộc hành hương từ thiên sứ mùa Xuân

Thứ tư, 09/02/2022 15:58

Mẹ ơi, con nhớ nhà!

Đã rất nhiều mùa Tết qua đi. Tôi vẫn cứ thấm mãi câu ấy. Đó, chừng như cũng là mong ước của rất nhiều người trong khoảnh khắc này. Khi mùa xuân đang lặng yên tràn về. Với mỗi người, được về nhà sum vầy dăm ba ngày Tết, là mơ ước chưa lúc nào cạn vơi. 

Đôi mắt đỏ hoe trên hành trình hành hương vạn dặm, ảnh chụp trên đèo Hải Vân tháng 9-2021. Ảnh: HỒ GIÁP

Có nhiều cách để người ta chọn về hạnh phúc. Có nhiều cách để người ta rơi nước mắt trong mùa xuân. Dẫu, có đôi khi nỗi đau kịch liệt, tận cùng hơn hạnh phúc. Mỏng và rất mỏng để có thể lướt qua. Rồi dừng lại cảm nhận. Đó là cuộc hành hương từ thiên sứ mùa Xuân. Mùa xuân, lòng khựng lại với hình ảnh đã vừa mới đây thôi, trở thành nỗi ám ảnh tận cùng. Đó là những dòng người hồi hương. Đêm. Trên đèo Hải Vân. Đã không ít lần tim tôi thắt lại. Dòng người. Chưa bao giờ dòng người lại đông và dài đến thế. Mưa chan nước mắt. Mưa chan nỗi đau và trên vệt dài đường trường thiên lý. Nơi trở về đã thiếu đi hơi ấm quê hương tự lâu lắm và nơi ngoảnh mặt lại. Phía ấy còn nhiều khó khăn hơn.

Đã bao lâu rồi bạn không có một bữa cơm tất niên với gia đình?

Có phải khi tuổi càng dày lên trên mái tóc, trên những vệt đồi mồi quá vãng. Mang câu hỏi đó trước mùa xuân, chợt thấy lòng dịu lại. Ừ thì, cuộc hành hương từ thiên sứ mùa xuân rồi sẽ mang mọi người về nguồn cội. Để không còn dòng người như tha nhân, dặm trường về quê cuộn tràn mưa gió, nước mắt và cơn đói.

Hồi hương, hai tiếng chừng như muốn ngã giá cả những phận người bé nhỏ trong thác dữ của đại dịch. Lực cạn, sức mòn, dòng người đó buộc phải hồi hương. Bằng cách vượt đường bộ, dòng người những ngày này dài như thác, đi qua rất nhiều địa phương, để rồi có thể đặt chân về tới quê nhà với bao nỗi lo toan chồng chất. Tận cùng đường về nhà, là quê hương, nơi họ sinh ra và lớn lên, sẽ mãi là chốn bình yên dang rộng vòng tay đón họ trở về. Và tấm lòng bao dung của người thân trong gia đình, dòng họ, có lẽ nào bỏ mặc máu mủ, tình thân? Ai rồi cũng phải học cách yêu thương. Ai rồi cũng phải học cách sống làm người tử tế. Bằng một năng lượng nào đó, bằng một cách truyền tải nào đó, để trái tim đi đến trái tim và tình yêu thương luôn được phía cần chở che đón nhận. Cái đói khấp khởi ngay trên mâm cơm và ranh giới sống - chết chỉ còn là mong manh gang tấc. Giờ ngồi lại lặng yên nghĩ về những đôi mắt đỏ hoe, những em bé còn chưa kịp lành vết đau nơi cuống rốn… mà tôi đã gặp trong hành trình thiên lý Nam - Bắc của dòng người cuộn xiết. Không đủ sức để có thể làm được điều gì đó to tát, thì phải có được chút tấm lòng để che chở cho chính trái tim của mình. Mà biết đâu khi đã tự chữa lành vết thương lòng, người ta mới có thề làm điều gì đó, lớn hơn, uy lực hơn và đời hơn. Để sống bằng hạnh phúc chắt chiu.

Tết đoàn viên. Niềm mong mỏi ấy bây giờ không dễ thực hiện. Mọi sự kết nối bỗng một ngày người ta lại “cậy nhờ” hết vào thế giới mạng. Tuy gần, tuy nhìn thấy người thân yêu đó, nhưng xa vạn ngàn xa. Sự hiện diện, chưa khi nào mỗi chúng ta cần hơn sự hiện diện trong ngôi nhà còn hơi ấm mẹ cha, còn tiếng nói cười thăm hỏi của anh em chòm xóm lúc tết đến xuân về. Cái không khí ấy, sao mà quý, mà thương đến thế. Trong hành trình vạn dặm của mùa xuân, đôi hài bé nhỏ của thiên sứ sẽ mang nắng ấm đến những ngôi nhà bỏ ngỏ, sẽ thăm những phận người quạnh hiu ở một góc nào đó. Ở một quê hương nào đó, trên trái đất này. Và trên chính đôi tay ta, hay trên dòng nước mắt đã không ít lần lặng yên rơi trong đêm vắng. Một mình lặng yên đón nhận tất cả những gì cuộc đời này ban phát hay lấy đi. Cái quy luật như bốn mùa một năm ấy, bất biến, khi lòng người muốn dừng lại. Thấu cảm trước mùa xuân bằng đôi tai muốn nghe tiếng mưa xuân rơi tí tách, muốn lắng nghe tiếng hát của tình yêu thương đồng loại bật lên trên những nụ mầm. Chuyện hồi hương sau những bất trắc xứ người là những ngày trượt dài trên dặm trường hàng ngàn ki-lô-mét để về quê.

Dòng người hồi hương mang thiên sứ… Ảnh: HỒ GIÁP

Để được chạm vào bậc cửa hiên nhà, được tá túc, nương nhờ những người thân yêu cùng máu mủ. Tha hương và hồi hương, những khái niệm nó có thể thay đổi biến thiên trong cuộc sống quay cuồng của đại dịch tàn khốc nhất lịch sử. Chưa bao giờ nước mắt người Việt lại chảy ngược vào tim như trong đại dịch này. Thời gian, cứ như một vết dao cứa sát vào đời sống thường nhật của bao người. Đến lúc mà những mong ước bé nhỏ nhất cũng không thể có tiền mà mua được, thì, con người buộc phải thay đổi thái độ sống. Thái độ đón nhận rất cả bằng những cảm nhận lặng yên và tự sưởi ấm tâm hồn, trái tim mình. Về trong bình yên, dẫu cuộc hành hương về lại nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mà nhiều người đã từng buộc mình phải chọn lựa, phải dứt áo ra đi để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, mưu sinh ở vùng đất khác.

Ai trên cuộc đời cũng có những chọn lựa, có những quyết định. Đi hay ở, về hay đi? Nhưng, có một điều chừng như bất biến là hai tiếng Quê hương, mãi là nơi ấm áp nhất để quay về mà ở đó có đôi khi, lúc trở về đã vắng bóng tất cả người thương thân yêu nhất.

Những trái tim vẫn hát lời yêu thương vô bờ bến. Khi mùa xuân đi cùng thiên sứ với mong ước mang nắng ấm soi rọi mỗi căn nhà. Ánh sáng bật lên xua tan đi nhiều đám mây mù và những cơn mưa trái mùa mang theo rét mướt. Nơi mà ngưng đọng ở bên mỗi người, trong thời khắc này, là nhắm mắt lại để cảm nhận hết cuộc hành hương của thiên sứ mùa xuân. Ngay lúc này, khi ngày xuân đang khai mở phía ánh sáng cuối cuộc hành trình!

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO