Cuộc hòa giải đặc biệt ở làng Tích Tường năm ấy!
(Cadn.com.vn) - Nhân Kỷ niệm 43 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973 – 27-1-2016), chúng tôi đến gặp các sĩ quan trung đoàn 95 (sư đoàn 325) tham gia các trận đánh trước thời khắc lịch sử (27-1-1973) và làm công tác địch vận với sĩ quan, binh sĩ lữ đoàn 3 dù (Quân lực VNCH) tại mặt trận Tích Tường, Như Lệ (Quảng Trị). Qua đó, các nhân chứng đã kể lại những câu chuyện cảm động, đầy nhân văn sâu sắc giữa ta với đối phương sau ngày ký kết hiệp định.
Hạ tuần tháng 1-1973, trung úy Trần Minh Hùng, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95 (nay là Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5) nhận lệnh luồn sâu, đánh hiểm vào Sở chỉ huy tiểu đoàn dù (quân lực VNCH) tại Ngã ba Phước Môn, cách bờ Nam sông Thạch Hãn 5km. Đêm 26-1, tiểu đoàn bí mật tạo thế bao vây, chuẩn bị phát lệnh tấn công thì nhận được lệnh của cấp trên “Chuyển hướng tiến quân về làng Tích Tường để kịp cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng (DTGP) miền Nam Việt Nam vào 5 giờ ngày 27-1-1973”.
Nhận lệnh, Tiểu đoàn trưởng Hùng và Chính trị viên (CTV) tiểu đoàn như ngồi trên đống lửa, tìm cách, tính kế làm thế nào cho kịp thời gian, trong khi đó về Tích Tường phải vượt 2 lần sông trên 5km đường núi, rừng phức tạp. Rất may, tổ du kích xã Triệu Thượng kịp thời có mặt giúp dẫn đường và được chỉ huy tiểu đoàn hình thành 3 mũi “mạo hiểm” luồn lách qua địa hình có địch. Đúng 4 giờ 30 phút, tiểu đoàn đã bao vây làng Tích Tường, các du kích chuẩn bị cờ giải phóng và phương tiện địch vận. Đúng 5 giờ quân ta đồng loạt tấn công, đánh thiệt hại nặng đại đội dù, số còn lại chạy tán loạn và bị bắt, tiểu đoàn 5 làm chủ trận địa.
Thiếu tướng Trần Minh Hùng (bên phải) và Đại tá Nguyễn Đức Hiền. |
Sau Hiệp định Pari ký kết, Lệnh ngừng bắn của Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam đã có hiệu lực, tiểu đoàn trưởng Hùng với tên trung úy tâm lý chiến chỉ huy đại đội dù (khác) nơi giáp ranh cùng đi kiểm tra những nơi quân ta và lính ngụy đóng quân xen kẽ và trao đổi: “Hiện trạng như thế nào ở nguyên như thế, không bên nào vi phạm những điều đã thỏa thuận trong lệnh ngừng bắn của Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam”. Trong lúc kiểm tra, thấy một trung đội thám báo địch nằm lọt phía sau đội hình của ta (vì đêm hôm trước quân ta luồn sâu, đánh hiểm chia cắt địch, nên sáng 27-1 trung đội địch mới biết số phận), đồng chí Hùng hỏi trung úy dù và nghe trả lời là “trung đội thám báo của trên tăng cường, không thuộc quyền điều binh của tôi”... Trong ngày 27-1, ngoài việc quan tâm ăn, uống, đối xử tử tế với binh lính trung đội thám báo, các cán bộ tiểu đoàn tiến hành công tác tuyên truyền, kêu gọi sĩ quan, binh sĩ dù và trung đội thám báo không nên tiếp tục dấn thân vào cuộc chiến phi nghĩa của chế độ ngụy quyền Sài Gòn để trở về đoàn tụ với gia đình.
Theo đó, tên trung đội trưởng thám báo nói, nếu theo cách mạng, gia đình họ sẽ bị liên lụy với quân lực VNCH. Biết trung đội trưởng trung đội thám báo cùng quê Đà Nẵng, đồng chí Hùng nói: “Tôi cùng quê Đà Nẵng và nếu anh cho biết địa chỉ của gia đình, phía chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ an toàn kể cả binh sĩ trong trung đội”. Tuy vậy, tên trung đội trưởng vẫn còn phân vân chưa có ý định dứt khoát, một số binh lính vẫn ngoan cố chống đối. Thời gian chiến trường không cho phép kéo dài, và quân ta đã kiên trì thuyết phục, cuối cùng tiểu đoàn thực hiện lệnh cấp trên bắt làm “tù binh” 23 sĩ quan, binh sĩ trung đội thám báo. Trong đó, nhiều tên còn ngang ngược phanh ngực thách đố, nhưng bộ đội ta vẫn bình tĩnh đối xử nhân đạo với tù binh.
Sáng 27-1-1973, Đại tá Nguyễn Đức Hiền, nguyên Sư đoàn phó Chính trị Sư đoàn 2 (Quân khu 5), lúc đó giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 95, trao đổi: cán bộ chính trị được cấp trên cử xuống tiểu đoàn 4 nắm tình hình, kết hợp làm công tác hòa giải với đơn vị tại làng Tích Tường. Tại đây, quân ta dựng lên một nhà bằng vải bạt (làm Nhà Hòa hợp), trang trí ảnh Bác Hồ, Cờ giải phóng, khẩu hiệu, có thuốc lá, lương khô, nước uống. Tiếp đó, đồng chí Hiền và Chính trị viên (CTV) Tiểu đoàn 4 cùng với 6 chiến sỹ (Tổ Hòa giải) sang gặp đại úy tiểu đoàn dù (gọi tắt đại úy dù) đến Nhà hòa hợp để tiến hành công tác hòa giải, cùng đi với đại úy dù có khoảng 15 tay súng. Tại đây, chỉ huy 2 bên đã đề cập đến việc chấp hành nghiêm lệnh ngừng bắn của mặt trận.
Đại úy dù nói: “Tôi thấy cuộc chiến đã chấm dứt theo Hiệp định nhưng thượng cấp của chúng tôi vẫn có lệnh đánh chiếm các phần đất đã mất, nếu tiến đánh thì vi phạm hiệp định”. Giải quyết vấn đề này, các chỉ huy của ta bàn bạc với đại úy dù là tổ chức trận đánh giả với hình thức, 2 bên cùng nổ súng nhưng bắn lên trời để gây tiếng nổ không gây thương tích (đồng chí Hiền xin ý kiến cấp trên và được đồng ý). Đại úy dù nói, nhưng đánh nhau súng nổ đùng đoàng không có thương vong là điều vô lý, nên đã nghĩ ra cách “tự sát thương”. Việc này, đại úy dù còn phân vân là sát thương bằng súng, bắn ở tư thế gần sẽ có khói và mùi thuốc súng tại vết thương, nếu cấp trên vô tình kiểm tra sẽ biết “tự sát”. Để tránh sự phát hiện của cấp trên, đồng chí Hiền và đại úy dù đã nghĩ ra cách cuốn vải vào đầu nòng súng bắn để ngăn cản khói và mùi thuốc súng tác động vào vết thương...
Tiến hành công tác hòa giải được quân ta chọn những đồng chí nói giọng miền Nam, trong đó có đồng chí Hiền (quê Quảng Nam), đồng chí Nghị, đại đội 11, (quê Đồng Tháp) tiếp cận các binh sĩ địch. Qua gặp gỡ, đồng chí Hiền nói: “Hình như các chú quê Quảng Nam và trao đổi, hòa bình đã lập lại ở Việt Nam, các chú nên tỉnh táo và lợi dụng cơ hội này ra vùng giải phóng để hưởng chính sách khoan hồng của cách mạng”. Bước đầu, một số lính dù lo sợ, nhưng qua phân tích của cán bộ ta, 8 binh sĩ dù đồng ý. Kế hoạch cho các binh sĩ “hàng binh” được quân ta cho bộ đội trinh sát tháo gỡ mìn, chống hàng rào cao lên và hẹn với binh sĩ địch khoảng 12 giờ tối khi có đèn tín hiệu thì vượt qua, quân ta sẽ đón. Trong số 8 có 5 binh sĩ dù vượt sang vùng giải phóng còn 3 sợ bị trả thù nên quay lại...
Điều thú vị là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Hiền về thăm lại quê hương Điện Tiến, Điện Bàn (Quảng Nam), được biết Đỗ Văn Yên là 1 trong số 5 binh sĩ dù được vận động về với cách mạng tại làng Tích Tường năm 1973 cùng quê Điện Tiến. Hiện nay ông Yên cư ngụ tại Đà Lạt chuyên nghề trồng hoa, còn 4 trong số 5 hàng binh đều có cuộc sống ổn định, vợ con sum vầy, hạnh phúc.
Nguyễn Nhân Mùi