Cuộc Tổng tiến công nổi dậy tại Đà Nẵng Tết Mậu Thân 1968

Thứ ba, 12/02/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Căn cứ vào những thắng lợi to lớn của nhân dân ta ở cả 2 miền Nam - Bắc trong 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1966 và 1967, tháng 12-1967, Bộ Chính trị vạch rõ: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả 2 miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa”. Thời gian tiến hành Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa được chọn vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân (1968), trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế.

Thực hiện chỉ thị trên, Thường vụ Khu ủy V quyết định chọn Đà Nẵng làm điểm trọng tâm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn Khu. Để chuẩn bị cho chiến dịch, Đặc Khu ủy Quảng Đà (lúc này Đà Nẵng thuộc Quảng Đà) đã ban hành và triển khai Nghị quyết Quang Trung (với hàm ý thực hiện cuộc hành quân thần tốc của Quang Trung) đến từng cơ sở. Để tạo điều kiện cho lực lượng nổi dậy trong lòng TP Đà Nẵng, Đặc Khu ủy chủ trương đưa một bộ phận cán bộ, đảng viên ở 2 huyện Hòa Vang và Điện Bàn vào TP để xây dựng các cơ sở bên trong. Thời gian này, nhân dân Quảng Đà dù ở vùng bị chiếm hay vùng tự do đều ra sức đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch. Hằng đêm, hàng ngàn thanh niên nam nữ đi lao công tải đạn; các cơ sở bên trong TP vận động nhân dân góp tiền, vàng nhằm mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, xăng dầu... để đưa ra vùng căn cứ phục vụ cho chiến dịch.

Kho xăng An Đồn bị cháy trong Tết Mậu Thân. Ảnh: TƯ LIỆU

Nhiều cơ sở tại Hòa Vang nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ căn cứ vào TP. Bà con giấu súng, đạn vào các bao than củi, bỏ vào ruột bầu bí, giường, tủ... lọt qua các bót gác của Mỹ, ngụy  tại các cửa ngõ TP và đến các vị trí tập kết an toàn. Đặc biệt, các cơ sở nội thành đã có công rất lớn trong việc đưa đón, nuôi giấu, che chở cho các đồng chí lãnh đạo của Đặc Khu ủy Quảng Đà, các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể vào TP  an toàn. Nhờ vậy, từ giữa tháng Chạp đến những ngày giáp Tết, các đồng chí Hồ Nghinh, Trần Thận, Hà Kỳ Ngộ, Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Quang Thái... đều có mặt trong lòng TP, sẵn sàng chỉ đạo các lực lượng nổi dậy. Riêng đồng chí Trương Chí Cương (tức Tư Thuận), được cơ sở đưa đến xã Điện Hòa (vùng phụ cận Đà Nẵng) để tiện việc chỉ đạo chiến dịch.

Gần đến ngày khởi nghĩa, ta tiến hành củng cố đội ngũ đấu tranh chính trị, xây dựng bộ máy chỉ đạo, chỉ huy lực lượng đấu tranh chính trị từ tỉnh xuống xã, thôn. Các Ban chỉ huy cánh triển khai xuống xã, họp chi ủy, chi bộ để phổ biến mệnh lệnh khởi, ghép quần chúng được học tập phát động thành từng đại đội, trung đội, tiểu đội. Theo kế hoạch, lực lượng nổi dậy tại trọng điểm Đà Nẵng gồm lực lượng tại chỗ và từ nông thôn tiến vào, trong đó lực lượng xung kích từ nông thôn được chia làm 3 cánh quân và được phân thành 6 mũi có trang bị súng, dao, mác, gậy vào TP với 3 nhiệm vụ: Khởi nghĩa, binh vận và vũ trang tác chiến trên đường đi.

Đúng 2 giờ 20 ngày 31-1-1968, chiến dịch Tết Mậu Thân tại TP Đà Nẵng mở màn: Quân ta đồng loạt pháo kích vào các cứ điểm của địch: Sân bay Nước Mặn, Sân bay Đà Nẵng, trận địa pháo Thanh Vinh, Tổng kho hậu cần Bàu Mạc, kho xăng Liên Chiểu, chiếm một trong 3 cao điểm của Mỹ ở trên núi Phước Tường đánh nát khu ra-đa, khu thông tin, làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc của Mỹ phía tây Đà Nẵng, lực lượng chủ lực tại đèo Hải Vân, Tiểu đoàn đặc công 87 hợp đồng tiến đánh Đồn Nhất và các vị trí của địch trên đường đèo Hải Vân, diệt 2 đại đội Mỹ, ngụy, phá hủy 6 giàn tên lửa, làm chủ 1 ngày đêm đường đèo. Sau đó, lực lượng này pháo kích 2 lần vào sân bay Xuân Thiều phá hủy 11 trực thăng và nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ...

Đặc biệt, Trung đội 1 thuộc Đại đội 1 của R20 và một Trung đội của Khu III - Hòa Vang đã vượt sông Cẩm Lệ, đánh thẳng vào trụ sở Quân đoàn I của địch, tiêu diệt một số binh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Tuy nhiên, khi địch điều hai Tiểu đoàn 21 và 59 biệt động quân, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 57 cùng 4 xe tăng tổ chức phản kích chiếm lại sở chỉ huy Quân đoàn I, tất cả 57 chiến sĩ của ta đánh trả quyết liệt, diệt nhiều tên địch và cuối cùng hầu hết đã anh dũng hy sinh. Trong khi đó, phối hợp với mũi tiến công quân sự, với quyết tâm: “Thiệu - Kỳ không đổ, không giỗ, không Tết”, các cánh quân khởi nghĩa vùng cát Hòa Vang - Điện  Bàn, Khu I, Khu II và Khu III - Hòa Vang, vùng A và B của H. Điện Bàn đã tiến vào Đà Nẵng theo các hướng đã phân công song đều bị địch phát hiện và chặn lại.

...Với Chiến dịch Xuân Mậu Thân, quân và dân ta tại chiến trường Quảng Đà đã loại khỏi vòng chiến đấu 5.531 tên địch, trong đó có 1.849 tên Mỹ và 438 tên lính đánh thuê Đại Hàn, phá hủy và bắn rơi 192 máy bay các loại, đánh cháy 40 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 49 khẩu pháo và kho hàng của địch... Tiếp đó, thực hiện chỉ đạo của T.Ư, sau Tết Mậu Thân, quân dân Quảng Đà tiến hành 2 chiến dịch lớn X1 và X2, đánh nhiều trận lớn, làm rúng động dư luận trong nước. Đặc biệt là trận tiến công của quân dân ta vào quận lỵ Hòa Vang và Đà Nẵng vào ngày 23-8-1968 đã làm cho Mỹ, ngụy phải kinh hồn bạt vía.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968 tại Đà Nẵng là một đòn đánh bất ngờ của quân và dân ta đã gây một tác động rất lớn đến đế quốc Mỹ và tay sai của chúng, là một “Trân Châu cảng” cho quân Mỹ tại Việt Nam, báo hiệu sự sụp đổ không tránh khỏi của quân Mỹ tại miền Nam Việt Nam, làm cho nội bộ chính quyền Mỹ thêm lủng củng và phân rẽ. Vì lẽ đó, ý nghĩa của sự kiện Tết Mậu Thân tại Đà Nẵng là một thắng lợi không thể phủ nhận được, đúng như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định với báo chí Mỹ sau này: “Tôi cho rằng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là bước ngoặc của cuộc chiến tranh. Nó là một chiến thắng to lớn và vang dội của quân và dân chúng tôi, nhất là về chính trị và tâm lý. Nó đánh dấu sự thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ và bắt đầu cho quá trình rút ra khỏi miền Nam Việt Nam”.

Lưu Hoàng Giang