Cuối năm, bên những tháp Chăm
3 ngọn tháp trên Đồi Trầu. |
“... và ngọn gió thổi qua đêm Hòn Gai / thầm lan tới đỉnh Tháp Bà...”.
Những dòng thơ viết từ 44 năm trước, một ngày cuối năm, trên đường về lại quê nhà để đón mùa xuân đoàn tụ đầu tiên sau khi đất nước không còn tiếng súng bom. Giờ đây, cái làng chài thuở ấy và ngôi làng vừa để lại phía sau vẫn là màu cát xót lòng và những cặp mắt im lặng của những ngư dân nghèo. Và phía trước, không còn màu hoa rực rỡ của thời trẻ tuổi mà là sắc nâu buồn của thời gian đọng lại: tháp Chàm.
Phía tây thành phố Phan Rang dăm cây số là ba ngọn tháp trên Đồi Trầu, dựng xây từ thế kỷ XIII. Tháp chính cao 20,5m thờ vua Pô Klông Girai, trên đỉnh có trụ đá biểu tượng cho Linga. Tháp phía đông khắc chữ Chăm và phù điêu thần Shiva đang múa. Bên trong, ở chính giữa, là một Yoni nằm dưới một Linga khắc chân dung vị vua.
Kiến trúc truyền thống của dân tộc Chăm còn lại đến nay là kiến trúc gỗ và gạch. Nhiều nghiên cứu cho rằng, chất kết dính của những công trình này có thể là hỗn hợp vôi-đất sét hoặc từ xương rồng, dầu rái... Giá trị lịch sử và thẩm mỹ của những tháp Chăm rất độc đáo và đòi hỏi nhiều hơn nữa sự nghiên cứu. Thế nhưng, gió mưa thì vẫn không ngừng bào mòn nhanh hơn!
Đối với người Chăm, vua Pô Klông Girai là vị vua canh tân xứ sở mà công trình lớn nhất là xây dựng hệ thống dẫn nước vào ruộng đồng khô hạn vùng Phan Rang nên được tôn là Thần. Theo lịch Chăm, ngày 1-7 (tháng 10 dương lịch) là ngày hội Kate, lễ lớn nhất của người Chăm. Hàng ngàn người tham dự. Họ cử hành các nghi thức rước trang phục và tắm tượng vua. Quanh tháp, không biết bao nhiêu mâm lễ vật trầu cau hoa quả, thịt rượu dâng cúng, mong cầu bình an hạnh phúc...
Nhưng giờ đây, khi tôi đứng dưới chân tháp, bốn bề vắng lặng, Chỉ có ngọn gió biển lạnh se. Cho được thêm một lần thấm tận niềm phế hưng lịch sử...
Và đêm. Nỗi quạnh quẽ trong tâm hồn được hòa tan giữa những ồn ã phố phường. Giữa nền mây không sáng, đêm tối dần thắp lên những vì sao.
Và, ngày mai, sóng sẽ dẫn tiếp bước chân, về phía bắc của hướng quê nhà...
Thời kỳ vàng son của vương quốc Chămpa kéo dài từ thế kỷ thứ X đến XVI, còn lưu lại nơi những ngọn tháp cổ. Trong hệ thống tháp Chăm ở miền Trung, tháp Dương Long ở Bình Định (gồm ba tháp, tháp giữa cao 36m, hai tháp bên cao 29m, xây dựng vào thế kỷ thứ XII) được xem là tháp đẹp nhất vì kiểu kiến trúc và vì kích cỡ lớn. Còn tháp Bánh Ít, nhìn thấy từ xa, trên đường về Quy Nhơn, là một cụm gồm bốn tháp. Mỗi tháp có kiểu kiến trúc với sắc thái khác nhau nhưng trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Shiva bằng đá. Và những tháp khác như Cánh Tiên, Phu Lốc (tháp Vàng), Bình Lâm, Thủ Thiện... đã làm nên một hệ thống tháp Chăm đa dạng, tạo nên nét đẹp đặc thù trên khu vực này. Để chiều nay, đứng dưới chân tháp mà hình dung lại những tượng chim thần Garuda, trong hun hút thời gian... Cánh chim thần đã mang thời kỳ nghệ thuật Chăm phát triển rực rỡ (thế kỷ thứ XII) bay vào vô tận để giờ đây, du khách đến đây, ngắm nhìn những đường nét khắc chạm tinh tế của nghệ thuật chân chính: ảo và thực hòa trộn tự nhiên như hơi thở của hồn đất-tình người...
Gần đến quê nhà hơn nữa, vẫn còn những tháp Chàm, dấu tích của thời gian-lịch sử. Và tôi đang đứng trước sóng biển Nha Trang. Tiếng sóng chứa đựng những gì sâu xa khiến cho có thể xác tín một điều, về tình yêu. Không phải của riêng hai người, mà rộng lớn hơn: Bếp Lửa Nhân Quần. Và một người nhỏ nhoi, lúc này, nhìn ra phía sóng, nhớ lại màu hoa nở hồng trên con đường này, mấy mươi năm trước... Để đón nhận hơi gió mặn đang thổi khô lưng áo mặn! Đến bao giờ và bằng cách nào, hai vị mặn ấy mới tan vào nhau trong một chung cùng? Ngoài biển kia lại hiện lên câu hỏi của người thi sĩ đất Quảng: “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận / Chẳng biết xa lòng có những ai” (Phạm Hầu).
Ngoài “vô tận” là gì? Và phải chăng, nơi vô cùng ấy đang tượng hình ý xuân đang trở về, theo quy luật tự nhiên của đất trời.
Và, quê nhà cùng những mùa xuân đã qua- đang đến hiện dần lên theo từng cột cây số về gần. Xa và gần, trước mắt, là thánh địa Mỹ Sơn nơi chốn quê nhà. Xa-và-gần, là một khái niệm mới của vật lý học hiện đại; trong phạm trù ấy, không tồn tại không gian-thời gian. Cũng có nghĩa là, quá khứ đồng hiện cùng với hiện tại.
Và, triền miên sóng đập vào eo biển. Ngàn năm vỗ vào bóng tháp thâm u...
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT