Cuối năm của mẹ
Tôi rên rẩm khi mới ăn tối xong, lại phải mở bài văn của học trò ra đọc và sửa. Mười một giờ đêm, chồng nhăn nhó: Thứ bảy mà, tắt điện đi ngủ thôi. Ôi trời, ngủ đâu được mà ngủ. Phải xong việc cho thứ hai ngủ mới an lận. Kiểu phải nhặt cho xong thóc ra thóc đậu ra đậu mới thảnh thơi đi trẩy hội vậy. À, không phải đi trẩy hội mà đi về mẹ. Hai tuần rồi không về được, dù con gái chỉ cách nhà mẹ hơn năm cây số. Cứ đổ thừa công việc, hẹn, rồi dềnh dàng, vậy là sắp hết tuần thứ ba. Để mẹ phải gọi điện nhắc giỗ bà nội trúng chủ nhật, cả nhà ráng thu xếp về nghen. Tôi "dạ" rồi giật mình. Như mọi năm, trước ngày giỗ nội tôi đều te te chạy về phụ mẹ chuẩn bị chén bát, bánh trái, có đâu như năm nay, quên lửng lừng lưng. Cũng không phải quên mà kỳ lạ làm sao, trong đầu cứ nghĩ phải cuối năm mới giỗ nội lận. Ai ngờ cuối năm đã tới từ hồi nảo mà mình chẳng biết.
Thời gian vun vút như tên, mới ăn Tết xong, ngoảnh lại đã thấy cuối năm nữa. Cuối năm, mẹ lo giỗ chạp liên tục. Cũng tại mẹ mồ côi, về sống với bà nội từ nhỏ. Rồi gặp bố tôi, cũng mồ côi, được ông nội thứ cưu mang. Cả hai đều là con một. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên không giải thích nổi, những người thân của ba mẹ đều rời bỏ cõi tạm vào những ngày cuối năm. Chỉ riêng tháng mười một âm lịch và tháng chạp đã tổng cộng năm lần giỗ. Tội nghiệp. Mẹ thành tâm lo giỗ, chỉ mong các con có mặt đủ đầy để cầu sự ấm cúng. Lần nào vợ chồng tôi về nhưng cháu trai không về được thì mẹ bảo đem về cho ông bà thấy mặt chắt. Mẹ tôi cực nhọc, khổ cả một đời rồi, giờ đã ở tuổi bảy lăm mà công chuyện ngoài đời vẫn làm, trong nhà thì giỗ lớn giỗ bé không bỏ cái nào (Mẹ sinh mười lần nhưng sơ xẩy hết năm. Tới ngày kỵ của anh chị, mẹ đều làm mâm cơm chay tưởng nhớ). Có lần tôi thủ thỉ, bảo mẹ hãy làm những cái giỗ lớn của ông bà, cha mẹ thôi. Còn những ngày kỵ kia, mẹ chỉ cần thắp nén nhang, mua hoa quả bánh trái là được. "Mẹ cũng chỉ xúi xẩm mâm cơm thôi mà. Ông bà con cháu chắc cũng thông cảm, tại mình nghèo"- mẹ cười, phân trần…
Thiệt không biết sao để nói với mẹ về chuyện tế nhị này. Tới ngày giỗ, dù chỉ hai bàn cho con cháu tề tựu thì mẹ đã lo gói bánh, sửa soạn từ ngày hôm qua. Đến ngày giỗ, con cháu cũng tranh thủ chạy về, ngồi chưa kịp nóng đít đã lật đật ra xe rồi. Mà có phải đứa nào cũng thu xếp được. Không về lại áy náy chuyện ba mẹ ngó chừng, mà về thì lỡ công lỡ chuyện. Mẹ còn móc sẵn trước giỏ xe từng đứa bánh trái thịt thà. Vậy đấy, lo từng chút để con cháu về chơi một bữa, ai ngờ chúng về ít phút rồi sải đẹp. Mẹ lại cặm cụi dọn dẹp. Và cả lo hâm đồ ăn. Ba tôi bảo, lần nào sau giỗ cũng được ăn xà bần (đồ ăn cũ hâm đi hâm lại) mấy ngày. Mẹ giải thích: cứ sợ làm ít, con cháu về không có cái gì gắp. Mẹ khéo lo bò trắng răng, tụi nhỏ bây giờ có thiếu cái gì đâu. Biết vậy mà hổng lo là hổng chịu được - mẹ nói.
Về mẹ dự giỗ bà nội, lúc nào cũng thấy vạn thọ được ba trồng bốn góc sân. Chị em tôi bảo thấy sân nhà mẹ là thấy Tết. Mẹ nói, ừ, sắp Tết giỗ chạp mà bây tranh thủ về được, mẹ mừng ghê. Rồi mẹ lẩm bẩm: Còn làm ba cái giỗ nữa là được ăn Tết…". Nghe thương đến đắng đót…
Nguyễn Thị Bích Nhàn