Cưới vợ ở tuổi 83
(Cadn.com.vn) - Những ngày gần đây, người dân xã Thăng Phước (H. Hiệp Đức, Quảng Nam) xôn xao bởi một đám cưới của ông lão 83 tuổi với cô dâu 62 tuổi sau khi có 9 người con, 25 người cháu và 3 chắt...
Đám cưới “lạ” ở miền quê
Chú rể là cụ ông Trần Ngọc Huân (1930), trú thôn Nhị Phú, xã Thăng Phước. Cô dâu là bà Nguyễn Thị Nhân (1951), trú cùng thôn chú rể. Dù không đủ mâm cao cỗ đầy nhưng đám cưới của 2 cụ cũng có màn rước dâu từ nhà gái về nhà trai, màn thưa hai họ cùng các con cháu chắt rất “bài bản” và cảm động. Tiệc cưới vỏn vẹn có 3 mâm nhưng thực khách chẳng ai thiết đến việc ăn uống mà tranh nhau chuyện trò, chúc phúc cho cô dâu, chú rể.
Chú rể vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình duyên: Trước khi đến với bà Nhân, ông đã có người vợ cả Nguyễn Thị Nhị. Ông bà có với nhau 4 mặt con (2 trai, 2 gái) rồi bà mất trong chiến tranh đạn lạc. Sau đó, ông được một cô gái tên H. để ý nhớ thương. Nhưng rồi phần vì công việc chi phối, phần vì con, ông từ chối cuộc hôn nhân này. Nhưng bà H. vẫn không quên được ông, bà nhất quyết không có chồng. Thời gian trôi đi, bà cũng trở nên quá lứa lỡ thì. Một ngày kia, bà bạo gan xin ông một đứa con để có người chăm sóc tuổi già. Thương bà, ông Huân đồng ý. Dù không đăng ký kết hôn và sống chung với nhau, nhưng giữa họ vẫn nặng nghĩa vợ chồng. Và đến nay, đứa con trai của ông Huân với bà H. vẫn thường xuyên về thăm bố.
Ông Trần Ngọc Huân và bà Nguyễn Thị Nhân hạnh phúc bên nhau. |
Trong những năm chiến tranh, ông Huân được giao nhiệm vụ phụ trách CAX xã Kỳ Anh (Tam Kỳ cũ), rồi được chuyển về Hiệp Đức và gắn bó với Hiệp Đức đến giờ. Tại Hiệp Đức, ông Huân kết hôn với bà Huỳnh Thị Liễu. Bà sinh cho ông liền 4 cô con gái. Ông với bà sống với nhau khá hạnh phúc. Năm 2003, người con trai của vợ đầu đưa ông vào Tây Nguyên để chăm nom. Lúc này, bà Liễu ở nhà cũng đổ bệnh nan y. Nghe tin bà bệnh, ông tức tốc về, trút hết số tiền con cái biếu và tiền ông dành dụm bao năm xây nhà cho bà. Nhà xây ở chưa đến 1 năm thì năm 2005 bà Liễu mất, con cháu trưởng thành và có cuộc sống riêng, để lại ông đơn côi với tuổi 75...
Chuyện tình ông cụ bà lão
Cô dâu Nguyễn Thị Nhân lại kể cho chúng tôi nghe chuyện tình muộn của bà và ông Huân. Bà vốn là người thôn 2 (xã Thăng Phước). Khi đến tuổi “cập kê”, bà nên duyên vợ chồng với một người đàn ông cùng xã, nhưng chiến tranh đã cướp mất người chồng khi bà mới bước sang tuổi 21. Là chị gái đầu, bà quyết định không đi bước nữa mà cùng cha mẹ làm quần quật nuôi các em ăn học. Cứ thế, hết xuống đồng lại lên núi, bà miệt mài với gánh nặng gia đình. Đến năm 38 tuổi, bà rời quê vào Nam mưu sinh, làm công nhân, bán vé số, rong ruổi khắp các nẻo đường Sài Gòn, Bảo Lộc (Lâm Đồng) rồi Biên Hòa (Đồng Nai). Tiền làm ra, một phần bà trang trải cuộc sống, một phần gửi về phụ giúp gia đình.
Trong hành trình mưu sinh, cũng có dăm ba bận ông này ông nọ ngỏ ý cưới bà làm vợ, nhưng bà sợ cảnh con chung con riêng nên từ chối, mặc cho tuổi tác ngày một gần đất xa trời. Bà nghĩ, không có con thì có cháu. Và bà còn có công việc của mình. Cứ thế, bà lặng lẽ sống như chiếc đồng hồ tích tắc đếm thời gian. Cho tới ngày 11-7-2013, bà về quê và gặp gỡ ông Huân... Hôm đó, bà Nhân từ Sài Gòn về quê để dự đám mừng nhà mới của người em ruột Nguyễn Hơn (1960, thôn 2). Ông Huân cũng được mời dự. Trong buổi tiệc, mọi người giới thiệu với nhau và cùng à lên khi phát hiện cả bà và ông Huân đều là “trai không vợ, gái chưa chồng”. Thế là mọi người tác hợp cho hai ông bà. Sau đận đó, ông tìm đến nhà bà. Họ kể cho nghe về chuyện gia đình, chuyện công việc... rồi dần dần, hai người cảm thấy thân thương với nhau, muốn được trò chuyện, hỏi han nhau hằng ngày. Các con ông Huân và em bà Nhân thấy thế cũng tạo điều kiện cho “đôi bạn” gặp gỡ và vun vén họ với nhau. Vậy mà khi ông Huân ngỏ lời, bà Nhân nại “già rồi thiên hạ cười cho” để từ chối. Nhưng “chàng trai” Trần Ngọc Huân vẫn quyết tâm cưới cho được “cô gái” Nguyễn Thị Nhân về làm vợ.
Sau nhiều ngày rủ rỉ rù rì, cuối cùng, bà Nhân cũng gật đầu. Khi nghe tin, nhiều người cạn nghĩ bóng gió xa xôi, nhưng cũng không ít người thấu hiểu, nhất là con cháu hai bên gia đình lại nhiệt tình ủng hộ. Ông Hơn, em trai bà Nhân nhớ lại: “Cuộc sống của người già cần nhất là tinh thần. Mà tinh thần thì “con chăm cha không bằng bà chăm ông...”, tụi tui đồng ý cả hai tay”.
Được sự động viên, khích lệ của người thân, ngày 10-8, ông bà nên duyên trước sự chứng kiến của con cháu, họ hàng. Kể về cuộc hôn nhân của mình, bà cười mà nói rằng: “Người ta thì hạnh phúc đến ngày đầu bạc răng long, còn vợ chồng bà ngày đầu bạc răng long mới được gặp nhau”. Nhưng rồi bà bảo, tình nghĩa, hạnh phúc vợ chồng không phải tính bằng thời gian, sống với nhau như thế nào chứ không phải sống với nhau được bao lâu. Nhiều người hỏi, thời gian yêu nhau ngắn vậy, bà có tự tin khi về sống bên ông không. Bà tự tin rằng, bà có tình thương và cảm nhận được ông là người đàn ông tốt và sự lựa chọn của bà là đúng đắn. Hai người cần có nhau để chăm sóc cho nhau lúc xế chiều. Người đàn bà ngoại lục tuần ấy khi nghe chồng dõng dạc khoe với mọi người “hồi trẻ thế nào, giờ cũng thế ấy...”, bà cũng cười bẽn lẽn.
Trao đổi với P.V, “tân lang và tân nương” cho biết, hiện nay họ vẫn chưa đăng ký kết hôn được. Lý do bà Nhân không có hộ khẩu tại địa phương. Hiện ông Huân đã làm đơn đề nghị chính quyền địa phương nhập hộ khẩu cho bà Nhân vào hộ mình để hôn nhân của họ được pháp luật công nhận...
Có người bảo với bà Nhân rằng, già rồi, sống với nhau đâu bao nhiêu nữa mà đăng ký kết hôn làm gì, bà Nhân lại cười: “Dù chồng đã 83 tuổi, không biết bao năm nữa về trời, nhưng làm vợ ông một ngày tui cũng muốn danh chính ngôn thuận...”.
Trần Tân