Cuốn hồi ký dang dở...

Thứ năm, 02/03/2017 10:28

(Cadn.com.vn) - Ở tuổi ngoài 80 lại mới vừa qua cơn tai biến phải nằm viện hơn 8 tháng nên sức khỏe ông Phan Đấu giảm sút nhiều. Tuy nhiên khi tôi hỏi về những tháng ngày làm thư ký của bác Võ Chí Công, ông trở nên tươi tắn, chuyện trò hoạt bát hẳn. Ông nói: "Nhiều đồng chí bảo viết hồi ký nhưng mình đắn đo mãi, nên hay không nên viết vì công tích bản thân có gì đâu so với nhiều đồng chí khác. Song có một đồng chí bảo: "Anh là người gần gũi đồng chí Võ Chí Công nhất, viết hồi ký cũng là làm rõ thêm những khía cạnh về đức, tài của người lãnh đạo cao nhất quân khu để nêu gương cho anh em sau này. Vì vậy, anh viết vì trách nhiệm chứ không phải vì vinh danh cá nhân". Thế là mình viết, nhưng nửa chừng thì bị ốm liệt giường". Dưới đây là 2 mẩu chuyện mà ông bảo mình không thể nào quên.

Từ phải sang trái là Tổng Bí thư Lê Duẩn, Phan Đấu, Chu Huy Mân, Võ Chí Công.
Ảnh chụp năm 1976 tại Đà Nẵng.

1. Giữa năm 1962, Khu ủy Khu V họp phiên mở rộng, có các đồng chí từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc), đại diện các ban, ngành của Khu V về dự. Nội dung chủ yếu là bàn biện pháp đánh bại kế hoạch Stalây - Taylo (tên hai viên tướng Mỹ). Kết thúc hội nghị, tôi được giao nhiệm vụ báo cáo tổng hợp tinh thần của hội nghị gửi cho các tỉnh và trực tiếp ra Trung ương báo cáo với Tổng Bí thư Lê Duẩn. Theo đường Hồ Chí Minh ra miền Bắc, đến đoạn Sê Pôn thì tôi gặp đoàn nhà văn từ Bắc vào Nam đi thực tế sáng tác. Trong đoàn nhà văn, tình cờ gặp được người bạn cũ từng học phổ thông ở Hội An là anh Nguyễn Ngọc Báu (nhà văn Nguyên Ngọc). Sau khi trò chuyện, Nguyên Ngọc đề nghị tôi nói chuyện "tình hình" cho anh em nhà văn nghe. Chưa từng nói chuyện trước đông người đặc biệt lại là nhà văn, trong đó có những tên tuổi mà tôi đã biết như Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Ngọc Tấn (nhà văn Nguyễn Thi) nên tôi có phần ái ngại. Nhưng rồi những câu chuyện của tôi đã cuốn hút các nhà văn; có lẽ do qua những câu chuyện của tôi, các nhà văn thấy thực tế chiến trường ác liệt quá, trước đây các anh chưa thể hình dung hết...

Sau khi nghe tôi nói chuyện, nhà văn Nguyễn Thi tâm sự: "Vào Nam làm việc gì cũng được, bất cứ việc gì có ích dù nhỏ nhất, mình chỉ trở lại cầm bút khi nào cầm bút thật sự cần thiết và có ích như cầm súng hoặc hơn thế". Sau này, điều nhà văn Nguyễn Thi nói khiến tôi suy nghĩ thật nhiều về những người cầm bút trong chiến tranh. Một Chu Cẩm Phong đến bây giờ mới được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... dẫu có muộn nhưng hết sức xứng đáng. Trong chiến tranh đã có biết bao người như tác giả của "Người mẹ cầm súng", "Nhật ký chiến tranh" đã anh dũng hy sinh, họ chính là những chiến sĩ như bao chiến sĩ khác trên mặt trận chống quân thù.

2.  Sau khi Mỹ đổ bộ vào miền Nam (năm 1965) và xây dựng 2 căn cứ quân sự lớn là Chu Lai và Đà Nẵng, năm 1966 đồng chí Võ Chí Công (thường gọi thân mật là anh Năm Công) được mời ra Trung ương báo cáo tình hình chiến trường. Đồng chí Võ Chí Công đến Hà Nội nghỉ tại Hồ Tây thì Văn phòng Trung ương Đảng điện thoại thông báo: sáng nay Bác hẹn gặp. Anh bảo tôi và cháu Luyện (Đoàn Văn Luyện, 14 tuổi, dũng sĩ diệt Mỹ trên vành đai Chu Lai, được cho ra Bắc học tập) cùng đi. Vừa đến Phủ Chủ tịch, Bác đã ra bắt tay và hỏi: "Chú Năm có khỏe không?". Anh Năm Công thưa: "Dạ, thưa Bác, cháu khỏe". Rồi anh Năm Công nói: "Thưa Bác, đây là đồng chí Đấu, thư ký làm việc với tôi; còn đây là cháu Luyện, dũng sĩ diệt Mỹ trên vành đai Chu Lai". Bác nắm tay tôi và âu yếm xoa đầu cháu Luyện. Bác nhìn kỹ chúng tôi và hỏi: "Các cháu ốm đau thế nào mà nước da vàng vọt, môi tím đen?". Anh Năm Công thưa: "Cháu bị sốt rét, đau đại tràng. Đồng chí Đấu cũng bị sốt rét và viêm đại tràng". Sau giây phút trầm lắng, Bác khẽ khàng bảo: "Các chú làm việc kết hợp chữa bệnh cho tốt!". Chúng tôi đều xúc động trước sự quan tâm của Bác.

Hôm ấy có phiên họp Bộ Chính trị; hết giờ, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương... đến chào anh Năm Công. Riêng đồng chí Phạm Văn Đồng rời phòng họp và đến gặp anh Năm Công sau cùng. Bác nói: "Hôm nay tôi có 3 khách, chú Tô (tên gọi thân mật của Thủ tướng Phạm Văn Đồng) cùng với tôi mời khách quý". Trong bữa cơm Bác hỏi anh Năm Công, "Chú ở tỉnh nào miền Trung?". Anh Năm Công lễ phép trả lời: "Chúng cháu ở Quảng Nam ạ". "Thế các chú có biết, Quảng Nam là đất Ngũ phụng tề phi?". "Thưa Bác, dạ có biết" - anh Năm Công thưa. "Các chú có hiểu tại sao Quảng Nam hay cãi?". Anh Năm Công đứng nghiêm thưa: "Người dân Quảng Nam thường hay nói, "hay cãi" nghĩa là chống lại chế độ phong kiến, không cam chịu áp bức, "hay cãi" cũng là hay tranh luận". Bác vừa cười vừa nói: "Chú cũng đang cãi đó!". Cả bàn cùng cười vui vẻ. Lúc ấy, trong tôi dâng trào niềm hạnh phúc vô bờ. Mơ ước được gặp Bác ấp ủ bao lâu nay, bây giờ đã thành hiện thực. Song, cũng lúc ấy, trong sâu thẳm lòng mình, tôi nghe nhói đau khi nghĩ về những đồng bào, đồng chí ở quê nhà, ở miền Nam ruột thịt đang ngày đêm hướng về Bác để có thêm sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược... nhưng mấy ai được gặp Bác. Ngày nước nhà thống nhất Bác đã vĩnh viễn đi xa - ông Đấu ngậm ngùi nói khi gấp lại cuốn hồi ký còn đang viết dở.

Võ Văn Trường