Cựu binh xây nhà tưởng niệm Bác Hồ

Thứ năm, 08/12/2016 10:15

(Cadn.com.vn) - Với ý nguyện là để người dân trong tỉnh cũng như những địa phương nơi khúc ruột miền Trung đến thắp nén nhang thành kính báo công dâng Người,  ông đã quyết định dành hết số tiền tích cóp một đời, bán toàn bộ gia tài để xây dựng ngôi đền thờ Bác Hồ. Ông cũng mong, con cháu sau này hiểu và trân trọng những việc làm của ông, từ đó viết tiếp ngọn lửa truyền thống yêu nước cho nhiều thế hệ sau này... Ông là Bùi Xuân Phước, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Ông Phước cùng tác giả bên khu nhà lưu niệm Bác Hồ.

Bác Hồ trong trái tim tôi!

Sinh ra trên vùng đất anh hùng Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, thời niên thiếu, ông Phước tham gia hoạt động cách mạng, tuyên truyền cho bà con đồng bào đi theo cách mạng, đánh đuổi Mỹ-ngụy, giải phóng quê hương. Hòa bình lập lại, ông theo học ngành bảo tàng rồi lập nghiệp tại thôn Phước Điền, xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Từng là Phó Giám đốc Bảo tàng Quốc Khánh (Khánh Hòa), mỗi lần được đặt chân đến làng Sen, ra viếng Lăng Bác, ông Phước càng thấu hiểu hơn lòng thủy chung son sắc với Đảng, với Bác Hồ kính yêu và những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì sự độc lập tự do cho Tổ quốc. Từ lòng cảm phục sâu sắc ấy, suốt thời gian trong nghề và 20 năm từ khi về hưu năm 1994 đến nay, ông đã lặn lội khắp đất nước thu thập hiện vật, hình ảnh, tư liệu về Bác, tự xây dựng nên một bảo tàng tại tư gia của mình. Được sự giúp sức của nhiều đồng nghiệp, đồng đội, nhất là người vợ hiền–bà Ngô Thị Mau (đã mất năm 2004), hễ nghe nơi đâu có kỷ vật, tài liệu về Bác là ông tìm đến đặt vấn đề mua lại hoặc xin sao chép. Quãng thời gian thực hiện tâm nguyện, ông từng thực hiện 6 chuyến xuyên Việt bằng xe máy. Đi đến đâu, nghe ông kể chuyện xây nhà tưởng niệm báo công dâng Bác, đồng nghiệp, bạn bè, kể cả những người chưa từng quen biết đều ủng hộ...

Ông Phước kể, để thực hiện ước mơ, thời gian đầu ông bán chiếc xe máy City được 4,5 cây vàng, mượn thêm bạn bè ở Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng được hơn 50 triệu đồng. Nhưng nhẩm tính, số tiền ấy cũng chỉ đủ xây dựng 1/10 công trình đã thuê người thiết kế. Thế là, ông bán luôn căn nhà số 31 Trương Định, TP Nha Trang lấy 50 cây vàng và động viên con gái nhường lại miếng đất ông đã cho để bán nốt. “Khi đó, có người bảo tôi hâm, là gã “khùng”, bởi tuổi cao rồi để tiền hưu dưỡng già, nhưng tôi quyết bỏ ngoài tai. Với tôi, hình ảnh Bác luôn ở trong tim, nên tâm nguyện nung nấu một đời tôi nhất định không từ bỏ. May mắn, vợ và con luôn ủng hộ tôi thực hiện tâm nguyện với Bác. Những bài học về tấm gương Bác luôn tỏa sáng trong tâm hồn mỗi người thân, con cháu tôi. Và tôi luôn mong mỏi tinh thần ấy tỏa sáng đến nhiều người nữa” – ông Phước nói. Thế là, năm 1997, ông bắt đầu khởi công công trình tại thôn Phước Điền với tổng diện tích hơn 2.500m2 và hoàn thành hạng mục khu đền thờ Bác sau 3 năm. Tiếp đến, năm 2010, nhà trưng bày về Bác cũng chính thức hoàn tất. Ngoài khu đền thờ, nhà trưng bày còn có cả khu vực tượng đài chiến sĩ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng râm bụt, vườn sen, ao cá... Trong gần 200 bức ảnh, hiện vật về Bác sưu tầm được, đáng chú ý có bức ảnh về thời khắc Bác lâm chung. Bức ảnh có khổ gốc 18x24 cm, được vợ của một cán bộ từng ở bên Bác lúc lâm chung mang tới tận nhà tặng khi biết ông đang bán hết tài sản để xây nhà trưng bày. Hôm tôi đến thăm, đi giữa hai hàng râm bụt xanh mát, tôi bỗng nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài Cõi Bác xưa: “Có rào râm bụt đỏ hoa quê/Như cổng nhà xưa Bác trở về”. Ngoài những công trình xây dựng, ông Phước còn sưu tầm, biên soạn 1 tập sách dày 150 trang, khổ A3. Trong bộ sách, cùng với nhiều hình ảnh về cá nhân, tư liệu về Bác, còn có hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm tỉnh Khánh Hòa, trong đó có khu nhà tưởng niệm của ông...

Ông Phước giới thiệu ảnh sưu tầm về Bác cho các cựu chiến binh  đến tham quan.

Bài học uống nước nhớ nguồn

Ngày đến thăm khu tưởng niệm, tôi gặp đoàn cựu chiến binh của đơn vị dù đặc công sư đoàn 305 tề tựu về đây dâng hương, tưởng nhớ Bác. Ông Phước cho biết, đây là đơn vị ông từng có thời gian ngắn công tác trước khi về làm việc ngành bảo tàng. Họ thăm nhà thờ, thành kính thắp nhang lên bàn thờ Bác, xúc động không ai nói nên lời. Trong nhà trưng bày, mỗi hiện vật, hình ảnh về Bác mà ông Phước sưu tầm về đây đều nhắc nhớ mọi người hiểu rõ công ơn trời biển của Bác đối với đất nước, là di sản quý giá của ông muốn để lại cho các thế hệ con cháu hôm nay. Không chỉ trở thành điểm sinh hoạt, văn hóa tinh thần cho những đồng chí, đồng đội một thời đạn bom ác liệt, khu nhà tưởng niệm còn là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho thanh thiếu niên và học sinh tại địa phương. Tuy chưa được như những bảo tàng lớn mang tầm quốc gia, song tại đây cũng đủ những hình ảnh, hiện vật khái quát lại đầy đủ cuộc đời, hoạt động cách mạng của Bác qua các thời kỳ. Từ đôi dép cao su, túi xách, chiếc áo Bác mặc hàng ngày; ngôi nhà sàn, vườn sen, ao cá đến biểu tượng bến nhà Rồng, con tàu nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước và những tấm ảnh về cuộc gặp gỡ, trao đổi nhiệm vụ với người đồng chí, đồng đội, các cuộc đàm phán, ký kết hiệp định... “Điều tôi mừng nhất khi hoàn thành khu tưởng niệm này là đã giúp cho bao thế hệ cựu chiến binh, thiếu nhi, những lớp người chưa có điều kiện ra thăm lăng Bác, chưa hiểu sâu sắc về cuộc đời, hoạt động cách mạng của Người có cơ hội đến thăm. Cứ đến ngày lễ, Tết, những ngày trọng đại của đất nước, họ lại về đây, báo công dâng Người–ông Phước tâm đắc.

Nay tuy tuổi đã cao nhưng khi có đoàn khách nào tới thăm, ông lại kiêm luôn thuyết minh viên giới thiệu cho mọi người trong thời gian thăm viếng. Những khi rảnh rỗi, ông tiếp tục lặn lội khắp nơi, thăm các bảo tàng lịch sử để xin sao chép nguyên bản thêm những hiện vật về Bác bổ sung cho khu trưng bày. Nghe tôi nói, ở H. Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cũng có một cựu chiến binh xây dựng tượng đài và khu tưởng niệm Bác Hồ, ông mừng rỡ hỏi dồn dập về địa chỉ, số điện thoại rồi bảo qua Tết Đinh Dậu này nhất định sẽ ra tham quan, học hỏi và ngỏ lời xin sao chép những hiện vật về Bác. Tôi mong ông sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn cho “địa chỉ đỏ” một đời tâm huyết gây dựng, để lại cho thế hệ mai sau. Nơi ấy, chắc chắn sẽ góp phần nhắc nhở, răn dạy con cháu đời đời luôn tiếp bước truyền thống, góp sức mình xây dựng quê hương đất nước đẹp giàu.

Công Hạnh