Cựu giáo viên Nhật xuất bản sách về nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Thứ sáu, 10/01/2014 14:19

(Cadn.com.vn) - “Có thời điểm tôi thường xuyên ăn cơm bụi, ở nhà trọ bình dân, đi xe đò, xe ôm. Tôi đã tiêu hết một nửa số tiền nhận được từ lúc về hưu, nhưng lại có được một tài sản quý báu. Đó là cuốn sách dày gần 1.000 trang sắp xuất bản bằng 4 thứ tiếng, nói về hậu quả của chất độc da cam tại Việt Nam”, ông Nishimura Yoichi nói bằng tiếng Việt.

Ông Nishimura Yoichi trao đổi thông tin với bà Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Hội Nạn nhân
chất độc da cam TP Đà Nẵng. Ảnh: C.K

Ngày 9-1, ông Nishimura Yoichi (73 tuổi), một giáo viên về hưu người Nhật Bản-trong hành trình xuyên Việt của mình đã dừng chân tại Đà Nẵng để thu thập thêm thông tin, hình ảnh cho cuốn sách sắp xuất bản về chủ đề hậu quả chất độc da cam đối với người Việt Nam. Ông Nishimura Yoichi, ngụ thành phố Sumoto, Nhật Bản đã cùng vợ bắt đầu hành trình tìm hiểu hậu quả của dioxin tại Việt Nam từ khi nghỉ hưu cách đây hơn 10 năm. Với khoản tiền nghỉ hưu và trợ cấp tương đương 10 tỷ đồng Việt Nam, ông đã dành cho việc trang trải các chi phí để thực hiện các chuyến đi về những điểm nóng của chất độc da cam tại mọi vùng quê của Việt Nam ghi lại những hình ảnh, lấy thông tin về sức tàn phá hủy diệt của thứ chất độc này đối với con người và môi trường.

Ông kể, cách đây hàng chục năm, những thông tin ít ỏi về hậu quả của chiến tranh tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện trên các kênh thông tin của Nhật Bản. Đặc biệt vào năm 2008, sự kiện 104 nạn nhân sống sót sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (8-1945) gặp gỡ và giao lưu với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trên tàu Hòa Bình đã được phát rộng rãi, thông tin sâu đậm tại đất nước mình đã giúp những người như ông hiểu hơn về sự hủy hoại của thứ chất độc hóa học này đối với con người. Từ đó, ý tưởng về việc ra đời những cuốn sách hay những bộ phim về chủ đề này là rất cần thiết, để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn, đúng hơn về hậu quả của vũ khí nguyên tử tại Nhật cũng như dioxin tại Việt Nam.

“Mỗi năm tôi ở Nhật khoảng 6 tháng và qua Việt Nam 6 tháng, khi thì dẫn theo vợ, khi thì đi một mình. Có thời điểm tôi thường xuyên ăn cơm bụi, ở nhà trọ bình dân, đi xe đò, xe ôm. Tôi đã tiêu hết một nửa số tiền nhận được từ lúc về hưu, nhưng lại có được một tài sản quý báu. Đó là cuốn sách dày gần 1.000 trang sắp xuất bản bằng 4 thứ tiếng”, ông Nishimura Yoichi nói. Ngoài phần tiếng Việt và tiếng Nhật chủ yếu do ông đảm nhận, cuốn sách mang tên “Lời cầu nguyện cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” dự kiến ra mắt vào tháng 7-2014 sẽ được dịch ra tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh, đồng thời xin giấy phép phát hành ở những nước này.

Bản thảo cuốn sách “Lời cầu nguyện cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Ảnh: C.K

Bà Nguyễn Thị Hiền–Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng cho biết, trong những chuyến đi xuyên Việt của mình, ông Nishimura Yoichi đã nhiều lần dừng chân ở Đà Nẵng thăm và tặng quà cho một số nạn nhân đồng thời ghi chép, chụp ảnh rất tỉ mẩn. Trong bản thảo cuốn sách dày có một phần rất lớn thông tin về Đà Nẵng. “Tôi thật bất ngờ vì trong hàng nghìn bức ảnh này, ông có thể nói rõ lai lịch của chúng, địa điểm, thời gian, con người... mà không cần phải suy nghĩ. Nếu cuốn sách này được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành rộng rãi thì đó sẽ là một kênh thông tin quan trọng để thế giới hiểu hơn về hậu quả của chất độc da cam tại Việt Nam”, bà Hiền nói.

Ông Nishimura Yoichi tâm sự, với những gì đã chứng kiến ở Nhật Bản, ông rất đồng cảm khi sống và làm việc tại Việt Nam. “Hiện tôi là hội viên danh dự của Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Hồ Chí Minh. Tôi sẽ làm hết sức vì các nạn nhân, không chỉ vì là hội viên, mà vì tôi là thầy giáo, là người dân Nhật cũng đã chứng kiến những đau thương trên đất nước mình. Và tôi mong muốn mọi người đều biết và chia sẻ điều đó”.

Công Khanh