“Cứu hộ” rùa biển

Thứ ba, 04/12/2018 15:00

Bờ biển thuộc Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) trước khi trở thành điểm du lịch nổi tiếng đã từng là một bãi ấp tự nhiên của loài rùa biển. Từ đây, hàng ngàn chú rùa con đã ra đời và trở về với lòng biển, tạo ra một hệ sinh thái vô cùng độc đáo cho Cù Lao Chàm, góp phần vào việc biến nơi đây thành khu dự trữ sinh quyển thế giới. Thế nhưng cùng với những biến động của thời tiết và những hoạt động du lịch ồ ạt lên vùng đảo này, Cù Lao Chàm đã không còn là mái nhà yên bình cho loài rùa biển….

Rùa con mới nở được thả về với biển sau khi được chuyển vị từ Côn Đảo.

Rùa biển đang bị tổn thương

10 năm trở lại đây rùa biển dần vắng bóng tại Cù Lao Chàm. Điều đáng nói là, mỗi lần rùa xuất hiện người ta lại thấy loài vật này đang chịu nhiều thương tổn mà con người đã gây ra một cách gián tiếp. Ngày 2-12, các bác sĩ tại Bệnh viện Gia Đình (Đà Nẵng) đã thực hiện thành công ca mổ nội soi cứu sống một cá thể rùa biển ở Cù Lao Chàm bị nhiều dị vật làm tổn thương đường tiêu hóa. Theo đó, cá thể rùa biển này có trọng lượng 8,2kg (khoảng 4- 5 năm tuổi), được nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã Sasa đưa vào bệnh viện trong tình trạng bị tổn thương ở đầu, cổ, 2 chân trước yếu. Tiến hành chụp X-quang, bác sĩ phát hiện nhiều dị vật bên trong đường tiêu hóa khiến rùa bị tổn thương, nguy hiểm đến tính mạng. Điều kinh ngạc nhất đối với các y, bác sĩ và cả đội ngũ cứu hộ rùa đó là phần lớn dị vật bên trong dạ dày rùa đã được lấy ra gồm lưới, nhựa plastic và những miếng xốp nhỏ. Các bác sĩ cho biết vẫn còn một số búi lớn nghi là lưới cắt bị mắc trong đại tràng của rùa vẫn chưa thể lấy ra được và phải tiến hành mổ lần 2 sau khi rùa đủ sức khỏe.

Chuyện rùa biển “ăn” phải những chất thải công nghiệp là điều có thể dự đoán được bởi hiện nay mặc dù Cù Lao Chàm nói không với ni-lông nhưng vẫn có rất nhiều rác thải từ bờ “di cư” đến. Ông Phạm Viết Tích- Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ  tỉnh Quảng Nam đã từng kể trên một hội thảo về du lịch Cù Lao Chàm về trường hợp cụ thể mà ông ghi nhận gần đây đó là rùa biển tại Cù Lao Chàm “không dám” lên bờ để đẻ trứng vì hầu hết các bãi đẻ tự nhiên của rùa trước đây đã trở thành nơi cho con người… nghỉ mát. Rùa chấp nhận đẻ trứng dưới nước sâu đến hơn 10m, là điều không có trong tập tính của loài rùa. “Lần phát hiện trứng rùa đẻ dưới nước này chứng tỏ rùa không có bãi đẻ trên cạn nên buộc phải đẻ trứng dưới nước. Bên cạnh đó, rùa có đặc tính là nở ở đâu thì sau khi sinh trưởng, rùa thường quay lại chính nơi đó để đẻ trứng. Tuy nhiên, nếu phát hiện có dấu vết của con người ở đó thì rùa không đẻ trứng nơi đó nữa. Câu chuyện này đã khẳng định rằng tác động của du lịch đến môi trường sinh thái nơi đây đã đến mức báo động”, ông Tích khẳng định.

Cá thể rùa bị thương... 

Ông Tích cho rằng con số 3.000 khách du lịch mỗi ngày đặt chân đến Cù Lao Chàm không phải là lớn so với các khu du lịch khác nhưng với một địa điểm nhạy cảm, chịu nhiều tổn thương do biến đổi khí hậu như Cù Lao Chàm thì con số này vượt quá ngưỡng chịu đựng. Kèm theo hoạt động du lịch phát triển, rùa biển đang phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng từ con người như hoạt động săn bắt rùa để lấy vỏ làm đồ lưu niệm hay thu thập trứng. Tháng 6 -2018, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng đã tiếp nhận cá thể rùa biển nặng khoảng 80kg đã bị chết do vướng vào một tay lưới của ngư dân. Trước thực tế đó, nếu cứ tiếp tục bàng quan như hiện nay thì không chỉ rùa biển mà có rất nhiều sinh vật khác cũng sẽ trở thành nạn nhân của sự phát triển du lịch.

...và dị vật được lấy ra từ dạ dày.

Những nỗ lực đầu tiên

10 năm nay, rùa biển hầu như vắng bóng tại Cù Lao Chàm. Nhận thấy được thực tế đó, cuối năm 2015, đầu năm 2016, sau khi  Hội An có chủ trương, Ban quản lý Khu sinh quyển và Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm bắt tay xây dựng kế hoạch bảo tồn rùa biển tại Cù Lao Chàm. Từ sự hỗ trợ của Vườn quốc gia Côn Đảo, Hội An đã tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm về hoạt động bảo tồn rùa biển tại hòn Bảy Cạnh- Vườn quốc gia Côn Đảo. Từ đó, Ban quản lý Bảo tồn biển xúc tiến xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và được UBND tỉnh Quảng Nam, Sở KHCN phê duyệt. Nội dung đề tài tập trung thực hiện lần lượt theo 2 phương thức là bảo tồn chuyển vị (vận chuyển trứng rùa từ nơi khác về ấp nở tại Cù Lao Chàm) và lâu dài sẽ là bảo tồn nguyên vị (tạo sinh cảnh, không gian thuận lợi để rùa biển lên bãi đẻ trứng tại Cù Lao Chàm). Theo đó, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã thực hiện tiếp nhận và vận chuyển trứng rùa biển từ Vườn quốc gia Côn Đảo về quản lý ấp nở tại bãi biển bãi bấc Cù Lao Chàm. Hoạt động này được triển khai 2 lần/năm, liên tục trong vòng 3 năm, mỗi đợt vận chuyển 5 tổ trứng với khoảng 450 trứng rùa biển. Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ- Trưởng phòng Nghiên cứu và hợp tác quốc tế (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) - chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn rùa biển quý hiếm tại Cù Lao Chàm” cho biết, trong những lần chuyển vị số trứng còn lại đã nở và thả về biển, tỷ lệ nở đạt trên 90%. Đây là những dấu hiệu rất đáng mừng chứng minh rằng vẫn có thể đưa rùa biển trở lại Cù Lao Chàm một lần nữa. Ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, hiện công tác bảo vệ rùa biển, thực hiện chuyển vị vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Thành công ban đầu có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn rùa biển ở Cù Lao Chàm, từ đó hướng đến bảo tồn biển bền vững hơn nhằm phục hồi, bảo vệ các bãi đẻ cho rùa sau này. “Hiện nay, Cù Lao Chàm được ghi nhận là nơi đầu tiên trên cả nước thực hiện thành công phương pháp chuyển vị trứng rùa biển. Chặng đường để Cù Lao Chàm trở lại thành bãi đẻ của rùa như vài mươi năm trước đây vẫn còn rất dài với bao thử thách đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ các nhà khoa học mà còn là các ngành có liên quan. Để chuẩn bị một môi trường tốt cho rùa sinh sống, sau “nói không với túi ni-lông”, tới đây người dân đảo sẽ “nói không với ống hút nhựa” để hướng tới mục tiêu Vì một Cù Lao Chàm không có rác thải nhựa”.

Loài rùa biển có đặc tính luôn ghi nhớ nơi mình đã sinh ra. Liệu 30 năm nữa thế hệ rùa  được thả về biển ngày hôm nay có vượt hiểm nguy để trở về vùng đất nơi mình đã ra đời? Liệu 30 năm nữa Cù Lao Chàm có còn là mái nhà chung an toàn cho loài rùa biển, đó là câu hỏi mà tất cả chúng ta, những con người ngày hôm nay phải tự tìm câu trả lời.

ĐỒNG DAO