Cứu sống nhiều ca bệnh khó

Thứ hai, 24/09/2018 11:10

Nhờ trang thiết bị y tế hiện đại cùng với đội ngũ y bác sỹ trình độ chuyên môn cao, BV Đà Nẵng đã liên tiếp xử lý thành công nhiều ca bệnh khó một cách ngoạn mục, giúp bệnh nhân tưởng chừng "cầm chắc cái chết" trong tay dần ổn định sức khỏe, trở về bên gia đình.

Ê kíp y bác sỹ BV Đà Nẵng thực hiện kỹ thuật ECMO cho bệnh nhân bị ngừng tim.   

Giành sự sống từ tay "tử thần"

Kể đến những ca được cứu sống thần kỳ của đội ngũ y bác sỹ BV Đà Nẵng thời gian qua không thể bỏ qua trường hợp bệnh nhân N.T.B.N (28 tuổi, trú TP Đà Nẵng). Đầu tháng 8-2018, chị N. được đưa vào BV Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng dập đứt phần bụng, mất máu suy hô hấp, cả mạch và huyết áp đều không đo được.

Chị N. va chạm giao thông với xe trộn bê-tông, bị xe cán ngang người và kéo lê trên đường khiến phần thân gần như bị dập nát… Đây là ca đa chấn thương nghiêm trọng, phức tạp, gần đứt nửa thân người, với vết thương lóc dập da cân cơ thành bụng đi từ mặt sau lưng đến gần cột sống. Toàn bộ phần bụng dập nát và lộ ra ngoài. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn mất nhiều máu, kèm với gãy xương cánh tay trái, có chèn ép thần kinh, chấn thương cột sống, gãy gai, gãy cánh chậu... Khi vào viện, bệnh nhân được đánh giá mức độ "báo động đỏ" và phẫu thuật cấp cứu với sự phối hợp tích cực của các liên chuyên Khoa Ngoại bỏng - Tạo hình, Ngoại tiêu hóa, Ngoại lồng ngực, Ngoại chấn thương và Gây mê hồi sức suốt nhiều giờ đồng hồ, truyền liên tục 20 đơn vị máu trong khi phẫu thuật. Các công đoạn cấp cứu được thực hiện hầu như cùng lúc với hồi sức tích cực, phẫu thuật tạo hình lại da cân cơ thành bụng, phục hồi cơ hoành, ruột và các tổn thương khác. Đặc biệt là tạo hình lại da cân cơ thành bụng để có thể đóng kín được tổn thương thành bụng, ngăn ngừa nhiễm trùng, nhiễm độc, tăng khả năng phục hồi của bệnh nhân...

Ths.Bs Phạm Trần Xuân Anh - Phó Giám đốc BV Đà Nẵng cho biết: "Đây là một trường hợp cấp cứu vô cùng hy hữu, vì với tổn thương trên, bệnh nhân có nguy cơ tử vong chỉ trong vòng 30 phút sau tai nạn, hoặc nguy cơ tử vong trong và sau phẫu thuật do mất máu, nhiễm độc, nhiễm trùng. Vậy nhưng, với sự vào cuộc kịp thời, tích cực và đồng bộ của các khoa, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, dần ổn định, đi lại được, các chức năng khác của cơ thể đã phục hồi, có thể sinh hoạt bình thường và xuất viện trở về với gia đình".

 Một trường hợp thoát chết kỳ diệu khác là bệnh nhân N.T.T (53 tuổi, trú Quảng Nam), bị vỡ gốc động mạch chủ ngực, rách van động mạch chủ và tổn thương động mạch vành phải… Theo Ths.Bs Nguyễn Minh Hải - Phó trưởng khoa Khoa Phẫu thuật can thiệp tim mạch, 22 giờ ngày 19-7, bệnh nhân T. được đưa ra BV Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng trụy tim mạch, vật vã kích thích, tím vùng đầu mạch cổ, huyết áp xuống thấp. Các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị đa chấn thương (chấn thương ngực kín, theo dõi chấn thương tim). Lập tức, bệnh nhân T. được đưa vào phòng mổ. Tiến hành phẫu thuật mở ngực và mở van màng tim, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân bị tổn thương vỡ gốc động mạch chủ, rách van động mạch chủ và rách luôn lỗ vào của động mạch vành phải (mạch máu cấp máu nuôi quả tim)…

Bệnh nhân rơi vào tình trạng vô cùng nguy kịch, máu phun ra như vòi xả dù huyết áp đã xuống rất thấp. Trước tình hình đó, buộc các bác sỹ phải dùng ngón tay để bịt lỗ vỡ lại cho cho máu khỏi tuôn ra (bệnh nhân sẽ tử vong ngay trên bàn mổ nếu máu phun liên tục khoảng 15 - 30 giây); đồng thời thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (tim phổi nhân tạo). Khi hệ thống tim phổi nhân tạo được thiết lập, quả tim bệnh nhân tạm thời được ngừng đập hoàn toàn, nằm im một chỗ, các bác sỹ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau 7 giờ làm việc liên tục không ngừng nghỉ, các bác sỹ đã tiến hành thay đoạn gốc động mạch chủ ngực bằng mạch máu nhân tạo, thay van động mạch chủ  và nối lại hai động mạch vành phải - trái... Bệnh nhân dần ổn định, vết mổ khô và được xuất viện.

"Trường hợp của bệnh nhân T. được xem là một dạng tổn thương cực kỳ phức tạp, hiếm gặp, ít nghe nói trong y khoa và đây là lần đầu tiên các bác sỹ BV Đà Nẵng gặp phải. Thực ra khi tiến hành phẫu thuật, ê kip các bác sỹ có nghĩ khả năng thành công sẽ không cao vì lúc mới vào việc bệnh nhân đã rất nguy kịch, gần như đang ở cửa tử và khi phẫu thuật mở màng tim thì máu phun ra như vòi xả. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và xử lý kịp thời của ekíp y bác sỹ, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, dần ổn định sức khỏe mà không để lại biến chứng gì", Ths.Bs Hải chia sẻ.

 Lấy lại nhịp tim cho bệnh nhân

Ngoài tích cực chạy đua để giành lấy bệnh nhân từ tay "tử thần", các y bác sỹ BV Đà Nẵng còn nỗ lực ứng dụng những kỹ thuật cao cấp để "lấy lại" từng nhịp tim cho bệnh nhân. Điển hình, tháng 5-2018, BV Đà Nẵng đã kịp thời cứu sống nam bệnh nhân bị ngừng tim hơn 1 giờ đồng hồ bằng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Bs.Ck2 Hà Sơn Bình - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, bệnh nhân T.H.V (36 tuổi, trú Quảng Ngãi) được chuyển ra BV Đà Nẵng trong tình trạng hoại tử ruột, suy hô hấp do nhiễm trùng nặng. Trước đó, bệnh nhân V. được một BV ở Quảng Ngãi phẫu thuật điều trị tiêu hóa nhưng gặp "sự cố" nên chuyển ra BV Đà Nẵng để điều trị. Chỉ sau 12 giờ nhập viện, bệnh nhân  V. đã bị suy hô hấp cấp độ 2, các động mạch phổi bị tắc dẫn đến suy tuần hoàn và ngưng tim. Do biểu hiện của bệnh nhân sau khi đã phẫu thuật tiêu hóa nên rất khó chẩn đoán. Các bác sĩ nghi bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp và các nhánh nhỏ cũng bị bít. Bệnh nhân tiếp tục có biểu hiện suy tuần hoàn và ngưng tim 1 giờ đồng hồ.  Nhiều ê kíp bác sĩ của các chuyên khoa đã nhanh chóng vừa tiến hành nhồi tim, vừa khởi động ECMO - một kỹ thuật cao cấp, tiến bộ của y học thế giới với chức năng thay thế cho hoạt động tim, phổi, tổ chức lọc, oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể. Sau 10 ngày áp dụng kỹ thuật ECMO khôi phục lại hoạt động của hệ tuần hoàn và hô hấp, bệnh nhân V. đã hoàn toàn khỏe mạnh và được các bác sĩ cho xuất viện về nhà nghỉ dưỡng…

Theo Bs Hà Sơn Bình, cùng thời điểm này, bệnh nhân P.T.Z (42 tuổi, trú TP Đà Nẵng) cũng được đưa vào BV Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng "phổi câm", hệ hô hấp đã không còn hoạt động. Mặc dù được các bác sĩ cho thở máy hỗ trợ hô hấp nhưng không đáp ứng được nhu cầu khiến bệnh nhân bị suy hô hấp dẫn đến suy tuần hoàn. Sau 4  ngày điều trị bằng phương pháp ECMO, bệnh nhân D. đã hoàn toàn khỏe mạnh, được các bác sĩ cho xuất viện.

Ts.Bs Lê Đức Nhân - Giám đốc BV Đà Nẵng cho biết, ECMO là phương pháp điều trị cuối cùng, được áp dụng cho những bệnh nhân có khả năng sống sót rất thấp. Kỹ thuật ECMO hiện ngoài Hà Nội và TP.HCM thì Đà Nẵng là trung tâm thứ 3 của cả nước được triển khai từ năm 2015 cứu sống rất nhiều người. Đây là một kỹ thuật cao của y tế. Sau khi thực hiện thành công 2 ca trên, BV Đà Nẵng được đánh giá là 1 trong 675 trung tâm ECMO của thế giới.

LÊ HÙNG