Cựu Thủ tướng Najib Razak và bê bối 1MDB (Kỳ 1: Kế nghiệp chính trị)
Hôm nay (12-2), cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak sẽ xuất hiện tại tòa án, và nguy cơ phải ngồi tù nhiều năm nếu bị kết án về tội tham nhũng, điều mà cách đây chưa đầy một năm dường như không thể xảy ra. Là con trai và cháu trai của các cựu thủ tướng, ông Najib nổi tiếng trong giới thượng lưu Malaysia và người đứng đầu chính đảng Tổ chức Dân tộc Malay Thống nhất (UMNO) đã thống trị nền chính trị Malaysia kể từ khi nước này giành được độc lập. Do vậy, sự sụp đổ của ông Najib thật sự gây chấn động nước này, nhất là quy mô của những cáo buộc tham nhũng mà ông đang đối mặt.
Cựu Thủ tướng Najib Razak đến tòa hồi tháng 7-2018. Ảnh: Reuters |
1MDB
Ông Najib lớn lên với đặc quyền và quyền lực vây quanh. Là con trai của cựu Thủ tướng Abdul Razak Hussein, ông theo học trường Cao đẳng Malvern ưu tú ở Anh từ 15 đến 18 tuổi trước khi tiếp tục học kinh tế tại Đại học Nottingham, một nền giáo dục giúp ông nói tiếng Anh như người bản xứ.
Sau thời gian ngắn làm Giám đốc điều hành tại Cty dầu mỏ Petronas, ông Najib bước vào chính trường khi mới 23 tuổi, tiếp quản ghế nghị sĩ Pekan mà cha ông nắm giữ sau cái chết của ông nội vào năm 1976. Ông nhanh chóng đứng vào hàng ngũ của UMNO, đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền Barisan Nasional (BN) do ông Abdul thành lập. Từ năm 1976-1999, ông Najib đã nắm giữ chức vụ lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực tài chính, văn hóa, giáo dục và đặc biệt là quốc phòng, yếu tố khiến sau này ông Najib ưu tiên đầu tư đáng kể vào việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Malaysia.
Ông Najib đã chứng minh bản thân là nhà điều hành bầu cử lão luyện, chiến thắng đa số trong năm 2004 và 2008 với số phiếu bầu cao nhất trong lịch sử Malaysia. Năm 2009, ông kế nhiệm ông Abdullah Ahmad Badawi với tư cách là chủ tịch UMNO kiêm thủ tướng. Trong khi UMNO trước đây đã thành công trong việc thống nhất các dân tộc Malay, với đa số cử tri là người Hoa và Ấn, ông Najib tiếp tục nhấn mạnh một quốc gia "đa chủng tộc, đa tôn giáo" dưới biểu tượng 1Malaysia. Một phần quan trọng của phương pháp này là Quỹ Đầu tư Nhà nước 1Malaysia (1MDB), mà ông Najib cho rằng sẽ là công cụ "thúc đẩy Malaysia hướng tới việc trở thành một quốc gia phát triển".
Tuy nhiên, theo các công tố viên ở Malaysia, Mỹ và Singapore, 1MDB đã trở thành công cụ để ông Najib sử dụng chi trả cho lối sống ngày càng ngông cuồng của vợ ông cũng như cho các dự án mua phiếu bầu ở nhiều vùng của đất nước, nơi UMNO không nhận được sự ủng hộ.
Bê bối nổ ra
Đầu năm 2015, tờ Sarawak Report và Wall Street Journal đăng bài viết cho thấy, hàng triệu USD đã bị rút khỏi quỹ 1MDB nhờ một loạt các tài liệu bị rò rỉ.
Lúc đầu, có vẻ như vụ bê bối có thể đánh dấu sự kết thúc của ông Najib, vì các đối thủ, và thậm chí một số người trong đảng của ông, đã yêu cầu một mở cuộc điều tra và kêu gọi ông từ chức. Đằng sau hậu trường, đã có nhiều nỗ lực để che giấu vụ bê bối. Xavier Justo, một cựu nhân viên của Tập đoàn PetroSaudi có liên kết 1MDB, người được cho là đã cố gắng tống tiền Cty bằng các tài liệu đánh cắp trước khi đưa chúng cho các nhà báo, đã bị bắt ở Thái Lan. Đối mặt với nhiều năm tù tại Thái Lan, Justo bị cáo buộc gây áp lực khi yêu cầu tờ Sarawak Report và tờ The Edge, một tờ báo Malaysia đang dẫn dắt câu chuyện trong nước, công bố các tài liệu bị rò rỉ. Ngay cả khi ông Najib phủ nhận mọi hành vi sai trái, hàng loạt câu chuyện tiêu cực vẫn tiếp tục, và vào tháng 7 năm đó, ông đã lên facebook để tự vệ.
"Hãy để tôi rất rõ ràng: Tôi chưa bao giờ lấy tiền cho lợi ích cá nhân như cáo buộc của các đối thủ chính trị - cho dù từ 1MDB, SRC International hoặc các thực thể khác, như các công ty này đã xác nhận", ông viết. "Hiện giờ, rõ ràng những cáo buộc sai trái như vậy là một phần của chiến dịch phá hoại chính trị được phối hợp để lật đổ một Thủ tướng được bầu cử dân chủ", ông viết thêm. Nhà báo Clare Rewcastle-Brown của tờ Sarawak Report cho biết Malaysia đã đấu tranh trong nhiều thập kỷ với nạn tham nhũng và đặc quyền cố thủ, nhưng tất cả đều bị cho là "vượt khỏi tầm kiểm soát dưới thời ông Najib".
AN BÌNH
(còn nữa)