Cựu vụ phó Bộ Công Thương Nguyễn Lộc An tiếp tục hầu tòa trong vụ 'vòi tiền” mua biệt thự
Hôm nay (28-5), TAND Hà Nội tiến hành xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Bách Khoa Việt và các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đối với các bị cáo: Nguyễn Lộc An (cựu vụ phó Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) về tội: “Nhận hối lộ”; Nguyễn Tuấn Quỳnh (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng) về tội: “Đưa hối lộ” và Trần Trác Việt Đức (Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt); bà Đỗ Thị Tuyết Nga (kế toán trưởng) cùng về tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Đây là lần thứ 2 cựu vụ phó Bộ Công Thương Nguyễn Lộc An bị xét xử về tội: “Nhận hối lộ”. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Lộc An bị cáo buộc gợi ý doanh nghiệp đưa hơn 14 tỷ đồng để mua biệt thự.
Trước đó, ngày 12-5, cựu vụ phó Bộ Công Thương Nguyễn Lộc An bị bị TAND cấp cao tại TP HCM phạt 4 năm tù về tội: “Nhận hối lộ” trong vụ án Xuyên Việt Oil. Cụ thể, trong vụ án Xuyên Việt Oil, cựu vụ phó Nguyễn Lộc An đã nhận hối lộ 400 triệu đồng và đồng hồ Patek Philippe.
Trong vụ án xảy ra tại Công ty Bách Khoa Việt, cáo trạng của Viện KSND Tối cao cáo buộc cựu vụ phó Nguyễn Lộc An gợi ý với bà Trần Thị Loan Phương (Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt) nếu muốn kinh doanh xăng dầu thì sẽ giúp.
Đầu năm 2013, bà Phương gọi điện thoại nhờ, Nguyễn Lộc An hướng dẫn thuê cây xăng có sẵn để kinh doanh nhỏ lẻ trước. Bà Phương làm theo. Đầu năm 2015, Cty Bách Khoa Việt có văn bản đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu. Cựu vụ phó Nguyễn Lộc An được Bộ Công Thương giao làm Trưởng Đoàn kiểm tra điều kiện cấp giấy phép của Công ty này.
Biết có Đoàn kiểm tra, bà Phương đến gặp Nguyễn Lộc An đưa 200 triệu đồng nhờ giúp công ty được cấp giấy phép. Đầu tháng 2-2015, Công ty Bách Khoa Việt được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.
Khoảng nửa năm sau, bà Phương đến nhà ông An nhờ giúp công ty được làm thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Nguyễn Lộc An đồng ý sẽ giúp bà Phương, đồng thời cũng “tâm sự" đang định mua một căn nhà to hơn nhưng không đủ tiền nên gợi ý bà Phương "hỗ trợ".
Thấy ông An nói vậy, bà Phương hiểu công ty phải được Nguyễn Lộc An giúp đỡ mới có thể được nâng cấp lên làm thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu nên đồng ý "hỗ trợ" tiền mua nhà. Đầu tháng 9-2015, Nguyễn Lộc An chủ động gọi điện thoại đề nghị bà Phương "hỗ trợ" 9 tỷ đồng mua nhà, dặn chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của vợ.
Sau khi chuyển tiền cho Nguyễn Lộc An, tháng 4-2016, Bách Khoa Việt có văn bản đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.
Khi kiểm tra hồ sơ, Nguyễn Lộc An biết rõ doanh nghiệp này chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định như: kho xăng dầu, cầu cảng chuyên dụng, phương tiện vận tải xăng dầu, hệ thống tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu đều chưa phù hợp quy định. Do đó, Nguyễn Lộc An "chủ động hướng dẫn" bà Phương hợp thức các điều kiện, như: thuê kho, bồn chứa cùng hệ thống cầu cảng, công nghệ đồng bộ để hợp thức đủ hồ sơ và gửi lại hồ sơ lên Bộ Công Thương.
Tháng 5-2016, Nguyễn Lộc An được Bộ Công Thương phân làm trưởng Đoàn kiểm tra điều kiện cấp Giấy phép của Công ty Bách Khoa Việt. Tuy nhiên, Nguyễn Lộc An chỉ đạo các thành viên Đoàn kiểm tra không kiểm tra hết mà chỉ kiểm tra 6/10 cửa hàng, 21/42 đại lý; không kiểm tra thực tế tại kho tiếp nhận xăng dầu và cầu cảng. Đoàn kiểm tra sau đó vẫn kết luận công ty "đáp ứng đủ các điều kiện".
T.H