Trò “đánh lận con đen” của vợ chồng giám đốc lừa đảo
Lấy danh nghĩa doanh nghiệp để tạo vỏ bọc hợp pháp, vợ chồng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng THT 79 liên tục thực hiện các giao dịch chồng chéo trong việc vay - chuyển nhượng - mua, bán nhà nhằm tạo ra một vòng xoáy tài chính, qua đó chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều người.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 16-8-2022, vợ chồng Hồ Thủy Tiên (1978) và Lê Phước Quý Châu (1972, cùng trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sử dụng nhà đất tại số 89- Nguyễn Trác (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) để thế chấp vay 9,798 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)- Chi nhánh Ngũ Hành Sơn. Khoản vay này đứng tên Công ty THT 79 do Châu làm Giám đốc, được bảo đảm bằng tài sản đứng tên Hồ Thủy Tiên.
Chỉ sau 6 ngày, ngày 22-8-2022, bà Tiên tiếp tục ký hợp đồng ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Tới (1985, trú TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) liên quan đến chính lô đất nói trên. Lý do được bà Tiên đưa ra là để “bảo đảm quyền lợi thu hồi nợ” cho ông Tới, vì ông Tới đã cho bà Tiên vay 2,99 tỷ đồng trước đó. Hành vi này diễn ra trong khi tài sản đang bị thế chấp tại ngân hàng, nghĩa là đã không còn đủ điều kiện pháp lý để tiếp tục giao dịch hay chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào.
Không dừng lại, đến ngày 24-11-2022, khoản nợ với ông Tới vẫn chưa được thanh toán thì vợ chồng Tiên – Châu lại phát sinh thêm khoản vay mới 6,8 tỷ đồng từ bà Nguyễn Thị Bích Chi (1974, trú quận Hải Châu). Trong lúc áp lực tài chính dồn dập, Châu với vai trò chồng và đồng thời là Giám đốc Công ty đã thay vợ viết giấy bàn giao tài sản này cho cả ông Tới và bà Chi, bất chấp việc tài sản đang bị cầm cố và trước đó đã được ủy quyền.
Chỉ vài ngày sau, vào ngày 3-12-2022, vợ chồng Tiên – Châu lại tiếp tục viết giấy cam kết với bà Chi, rằng nếu không trả được nợ, sẽ để bà rút Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ra khỏi ngân hàng để làm thủ tục chuyển nhượng. Một lần nữa, cam kết này phớt lờ thực tế rằng quyền định đoạt tài sản đã được ủy quyền cho ông Tới và bản thân tài sản đang bị thế chấp tại ngân hàng, nghĩa là việc “chuyển nhượng” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Sau các động tác “trấn an” với các chủ nợ, ngày 3-7-2023, vợ chồng Tiên – Châu tiếp tục dựng thêm một kịch bản giao dịch khác, thỏa thuận bán lô đất nói trên cho vợ chồng bà Lê Việt Trinh và ông Bùi Tấn Trọng Trí (1992, cùng trú quận Hải Châu) với giá 11 tỷ đồng. Trong thỏa thuận này, bà Trinh chuyển trực tiếp 9,798 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng để tất toán khoản vay, giải chấp tài sản tại ngân hàng Viettinbank; trước đó Tiên có nợ bà Trinh số tiền 300 triệu đồng, nên giữa Tiên và bà Trinh làm hợp đồng đặt cọc nhà đất nêu trên với số tiền làm tròn là 10,1 tỷ đồng.
Tưởng rằng giao dịch đã hoàn tất, vợ chồng bà Trinh tiến hành các thủ tục công chứng chuyển nhượng thì bất ngờ phát hiện toàn bộ quyền sử dụng lô đất đã được ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Tới từ tháng 8-2022, do đó việc mua bán không thể hoàn tất.
Trong 2 ngày 14 và 15-5, TAND TP Đà Nẵng đã tiến hành xét xử sơ thẩm đối với 2 bị cáo Hồ Thủy Tiên và Lê Phước Quý Châu cùng về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quá trình điều tra và tại phiên toà xét xử cho thấy, vợ chồng Tiên – Châu đã có sự tính toán và phân vai rõ ràng. Bị cáo Hồ Thủy Tiên là người trực tiếp đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng vay ngân hàng, hợp đồng ủy quyền và các giấy bàn giao tài sản. Bị cáo Lê Phước Quý Châu tuy không ký trực tiếp các hợp đồng nhưng lại là người điều hành công ty, cùng vợ lên kế hoạch chiếm đoạt, đứng tên các giao dịch với vai trò đồng phạm tích cực. Các văn bản do bị cáo Châu lập hoặc tham gia ký đều là những tài liệu then chốt giúp thao túng vòng quay tài chính và đánh lừa đối tác.
Theo đại diện Viện KSND TP Đà Nẵng, vợ chồng bị cáo đã cố tình thực hiện hàng loạt giao dịch nhằm “đánh lận con đen” giữa các bên tham gia, biến một tài sản duy nhất thành công cụ để vay vốn, sau đó chiếm đoạt tiền của nhiều cá nhân. Đây là hành vi thể hiện sự gian dối có tổ chức, mang tính chất lừa đảo chuyên nghiệp.
Tại phiên tòa, HĐXX đã tiến hành thẩm tra toàn bộ chứng cứ, đánh giá hành vi ký kết hợp đồng ủy quyền, lập giấy bàn giao tài sản và các thỏa thuận bán nhà là những thủ đoạn có chủ đích nhằm đánh lừa các cá nhân, tổ chức có liên quan. Việc các bị cáo lập liên tiếp 3 văn bản trái luật (hợp đồng thế chấp, ủy quyền, bàn giao và đặt cọc) là chuỗi thủ đoạn xuyên suốt nhằm chiếm đoạt tiền mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Do đó, HĐXX TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo Hồ Thủy Tiên 20 năm tù, bị cáo Lê Phước Quý Châu 16 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
THANH HOA