Đa dạng phong trào phụ nữ khởi nghiệp
Sau gần hai năm thực hiện Ðề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" của Thủ tướng Chính phủ (Ðề án 939), các cấp hội phụ nữ tỉnh Nghệ An đã chủ động, sáng tạo triển khai những mô hình, việc làm phù hợp, giúp đỡ hội viên, phụ nữ tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Ngoài giúp nhau làm giàu, phụ nữ Nghệ An còn thường xuyên phối hợp thực hiện các chương trình hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn. |
Phụ nữ liên doanh, liên kết
Trước đây, bản Nưa (xã Yên Khê, H. Con Cuông, tỉnh Nghệ An) được biết đến là điểm du lịch cộng đồng với quy mô nhỏ của một vài hộ gia đình và khó đáp đứng được hết nhu cầu cho du khách tham quan. Phải đến năm 2017, mô hình này mới phát triển một cách bài bản hơn sau khi Tổ hợp tác du lịch cộng đồng đi vào hoạt động. Trong đó, người khởi xướng là chị Vy Thị Hoa - một người con trong bản và cũng là hội viên Hội liên hiệp phụ nữ H. Con Cuông.
Tổ hợp tác du lịch cộng đồng gồm 33 thành viên, hoạt động trên tinh thần cùng tương trợ lẫn nhau. Nhiệm vụ chính của các thành viên là cùng nhau quảng bá, kết nối để thu hút khách du lịch về với bản Nưa. Song song đó, các thành viên cùng xây dựng các chương trình để phục vụ khách du lịch với một quy trình khép kín từ xây dựng kịch bản, phục vụ các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, giới thiệu và quảng bá cho du khách những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái... Chị Hoa cho biết, trước đây khi còn theo mô hình hộ gia đình nên "mạnh ai nấy làm", sản phẩm khá đơn điệu, khách đến chủ yếu chỉ ăn và nghỉ. Nhưng từ ngày thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng, được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An giới thiệu, nhận sự hỗ trợ từ dự án Jica - Nhật Bản, các chị không chỉ được đào tạo về nấu ăn, còn được đi thực tế, tham quan học tập tại Nhật Bản. Hiện, lượng khách đến với bản Nưa ngày càng nhiều bởi sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng ngày càng đa dạng hơn, có màu sắc riêng. Khách du lịch đến đây cũng hài lòng vì việc phục vụ vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, vừa giữ được những nét đẹp truyền thống. Nhờ đó, mỗi thành viên của Tổ hợp tác đã có thu nhập ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Một số chị còn đảm nhận việc cung ứng thực phẩm cho các chương trình du lịch từ chính những sản phẩm cây nhà lá vườn.
Tại xã Tri Lễ (H. Quế Phong), Hợp tác xã dịch vụ và dược liệu Tâm My cũng là một mô hình khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hợp tác xã dịch vụ và dược liệu Tâm My ra đời nhằm mục đích cùng giới thiệu, bán sản phẩm tại gia đình như các loại: Rau củ quả, gạo chất lượng cao và nếp nương của vùng cao Tri Lễ. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn giới thiệu và phát triển các loại cây thuốc Nam của người dân tộc thiểu số để chữa các bệnh về xương khớp, đau dạ dày, thuốc ho, lợi sữa... Hiện, Hợp tác xã giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động và thường xuyên thu mua các nông sản sạch của hội viên phụ nữ tại địa phương. Sản phẩm của Hợp tác xã không chỉ bán cho người dân địa phương, đã được quảng bá, tiêu thụ ở nhiều vùng lân cận. Hiện, Hợp tác xã còn trồng, chăm sóc một số cây dược liệu quý của người dân tộc thiểu số nhằm bảo tồn và phát triển.
Chị Hà Thị La - Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ và dược liệu Tâm My cho biết: "Ban đầu chị em phụ nữ rất bỡ ngỡ, có nguồn nguyên liệu, có sự đồng lòng nhưng chưa biết bắt đầu phát triển kinh tế như thế nào. Nhờ sự hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quế Phong đã hỗ trợ hội viên làm thủ tục về giấy phép kinh doanh, giấy đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn mác, bao bì cho sản phẩm, hỗ trợ kiểm nghiệm chất lượng, cùng với đó là kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các tổ hợp tác, hộ kinh doanh... Đến nay Hợp tác xã đã đi vào ổn định và từng bước phát triển".
Tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ
Tổ hợp tác du lịch cộng đồng bản Nưa, Hợp tác xã dịch vụ và dược liệu Tâm My là 2 trong số 5 ý tưởng được trao giải tại cuộc thi "Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019" do Hội Liên hiệp phụ nữ Nghệ An tổ chức năm 2019. Tại cuộc thi này, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An đã nhận được 50 ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của các tác giả và các nhóm tác giả tham gia.
Đánh giá của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An cho thấy, qua 50 ý tưởng Phụ nữ khởi nghiệp năm 2019, nhiều ý tưởng đã thể hiện được tính sáng tạo, cải tiến trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, có khả năng đem lại lợi ích cho phụ nữ và cộng đồng. Bên cạnh các ý tưởng liên quan đến việc bảo tồn, phát huy nghề, sản phẩm bản địa, nhiều hội viên cũng đã xây dựng ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp dựa trên các tiềm năng, thế mạnh tại địa phương và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công trên thì việc triển khai và mở rộng các ý tưởng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Kể đến như: thiếu mặt bằng kinh doanh, thiếu kiến thức, thiếu nguồn vốn; mong muốn được đào tạo về tiếng Anh, quản lý hạch toán kinh tế, kỹ năng giao tiếp, kết nối, quảng bá sản phẩm ra thị trường còn ít được đáp ứng...
Trao đổi về khó khăn trên ở nhiều mô hình khởi nghiệp của phụ nữ, bà Lê Thị Hương Giang - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An cho rằng: Qua các mô hình khởi nghiệp của chị em cho thấy được vai trò của phụ nữ trong đời sống hiện nay. Các chị không chỉ giữ được tính chịu thương, chịu khó, sự cẩn trọng của người phụ nữ Nghệ An truyền thống, còn phát huy được sự năng động, sáng tạo của người phụ nữ trong thời kỳ hội nhập. Với những khó khăn trên, Hội Liên hiệp phụ nữ sẽ tiến hành rà soát lại nhu cầu của các ý tưởng để tiếp tục chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn để các chị hoàn thiện, triển khai thực hiện các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tại địa phương. Đồng thời, Hội sẽ tích cực tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ từ các sở, ban, ngành chức năng liên quan, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là về mặt tư vấn, kỹ thuật, tài chính, đào tạo; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; kết nối quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường để tìm đầu ra cho các sản phẩm... Đối với các ý tưởng khởi nghiệp thành công, các cấp hội cần tổ chức các hoạt động tôn vinh, bình chọn và nhân rộng nhằm lan tỏa sức sáng tạo giúp nhau, phát triển kinh tế.
Bích Huệ