Đà Lạt loay hoay giải quyết bài toán bãi đậu xe
Do địa hình đồi núi, đường dốc, hẹp, cùng với sự tăng nhanh về số lượng phương tiện giao thông nên nhiều năm trở lại đây tình hình giao thông tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang có dấu hiệu quá tải, nhiều phương tiện đã tận dụng vỉa hè, lòng đường để dừng đỗ, đón trả khách. Đây là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ. Mặc dù TP Đà Lạt đã quy hoạch các bến bãi đậu ô-tô song thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu, khiến cho không gian giao thông gặp nhiều khó khăn.
Xe du lịch xếp hàng dài trước điểm tham quan vườn hoa TP Đà Lạt. |
Phường 1, phường trung tâm của TP Đà Lạt hiện có 6 điểm giữ xe, hầu hết có quy mô nhỏ hẹp, chủ yếu thiết kế dành cho các loại xe con và các loại xe tải nhỏ. Vậy nên vào cao điểm mùa du lịch, ngày nghỉ cuối tuần, các bãi đậu xe này chưa đáp ứng được nhu cầu. Các loại xe du lịch từ 16 đến 45 chỗ khó lòng “chen chân” vào những giờ cao điểm nên đành phải dừng đậu xe dưới lòng lề đường. Trong bối cảnh, hạ tầng giao thông địa phương ngày một quá tải do phương tiện giao thông tăng nhanh, cùng với đó lượng khách đến Đà Lạt tăng cao nên vấn đề quản lý, điều hành giao thông đô thị cũng đặt ra nhiều thách thức. Trung tá Nguyễn Văn Hùng- Đội trưởng đội CSGT, CA TP Đà Lạt chia sẻ: “Thực tế hiện nay bãi đậu xe là không đủ, nhất là trong địa bàn thành phố, các phương tiện phải đậu trên các tuyến đường trong thành phố nên gây nhiều khó khăn cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông”.
Ngoài việc không đủ bến bãi đậu đỗ xe, nhiều đoạn vỉa hè cũng bị người dân chiếm dụng làm nơi để xe máy, buôn bán càng làm cho giao thông Đà Lạt trở lên lộn xộn. Vào khung giờ trưa, chiều tại các nút giao thông trọng điểm tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ liên tục xảy ra. Ông Nguyễn Văn Thức- người dân sống tại đường Nguyễn Chí Thanh, một con đường san sát khách sạn, nhà nghỉ tại P. 1, TP Đà Lạt bức xúc: “Khu vực tôi sống mật độ khách sạn rất dày. Xe du lịch thường xuyên dừng để bỏ khách xuống, đón khách lên, rồi những người tham gia giao thông, những phương tiện tham gia giao thông khác nữa nên ùn tắc là thường xuyên”. Còn Trung tá Đỗ Ngọc Hòa- Trưởng CAP 1, TP Đà Lạt thì cho rằng: “Thời gian cao điểm như hè vừa rồi, có những ngày đơn vị chúng tôi đã trực tiếp đăng ký lưu trú đối với khách du lịch đến địa bàn phường là trên 13.000 khách. Có thể gọi đây là quá tải, quá tải về con người, cũng như kèm theo đó là vấn đề TTATXH cũng như trật tự giao thông. Không có bến bãi đậu đỗ dẫn đến người ta đậu xe dưới lòng đường, vỉa hè, ảnh hưởng đến trật tự đô thị và trật tự mỹ quan thành phố. Với tình trạng như hiện nay vào các ngày cao điểm nhất là thứ 7, chủ nhật các ô-tô đậu đỗ trên vỉa hè là không tránh khỏi”.
Trung tâm TP Đà Lạt ùn tắc giao thông cục bộ mỗi dịp lễ, Tết. |
Để tránh tình trạng đậu, đỗ xe không đúng nơi quy định và hạn chế ùn tắc giao thông, TP Đà Lạt đã triển khai cắm biển báo cấm đậu xe vào các ngày chẵn, lẻ tại một số tuyến đường, lắp đặt biển báo cấm một số loại phương tiện vào giờ cao điểm. Mặt khác, lực lượng Công an TP Đà Lạt tăng cường công tác kiểm tra nhắc nhở, xử lý các trường hợp dừng, đậu, đỗ xe không đúng nơi quy định, lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố. Để giải quyết bài toán bãi đậu xe, theo Trung tá Nguyễn Văn Hùng thành phố cần phải quan tâm: “Một số tuyến đường trung tâm thành phố phải hạn chế phương tiện có trọng tải lớn đi vào nhất là vào giờ cao điểm. Sau đó cần bố trí bãi đậu xe để dành cho phương tiện như 40, 50 chỗ ngồi đậu đỗ, hạn chế vào khu vực trung tâm”. Ông Trương Hữu Hiệp- Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng thì cho rằng: “Có thể hướng tới sẽ cấm xe tải lưu thông ban ngày vào TP Đà Lạt, chỉ cho lưu thông ban đêm và có thể sẽ cấm theo giờ một số phương tiện xe du lịch loại cỡ lớn. Ngoài ra chúng tôi sẽ tham mưu để xây dựng các bãi đậu đỗ xe ở ngoại vi thành phố...”.
Để giảm áp lực về giao thông, mục tiêu trước mắt mà TP Đà Lạt triển khai thực hiện là đến năm 2020 phải dành tối thiểu từ 23-25% quỹ đất cho hạ tầng giao thông. Còn giải pháp về lâu dài TP Đà Lạt đề xuất quy hoạch các bến xe vệ tinh như bến xe Đông Bắc Đà Lạt, bến xe Trạm Hành, bến xe Tà Nung, Xuân Thọ... Cùng với đó, việc tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm trật tự ATGT, cảnh quan đô thị, trả lại không gian cho người đi bộ phải được triển khai một cách thường xuyên, liên tục. Có như vậy giao thông Đà Lạt mới hy vọng được đảm bảo an toàn.
ĐỨC HUY