Đà Nẵng bàn giải pháp phục hồi du lịch
Ngày 1-4, Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch Đà Nẵng phối hợp Sở Du lịch tổ chức tọa đàm “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch Đà Nẵng” trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp trên lĩnh vực này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức sau nhiều đợt bùng phát của dịch COVID-19.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, chủ động cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố phục hồi hoạt động du lịch. |
Kích hoạt chiến dịch “Người Đà Nẵng đi du lịch Đà Nẵng”
Báo cáo của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho thấy, trong 2020 thành phố chỉ đón 2,7 triệu lượt khách, giảm 68% so với một năm trước đó. Nguồn thu từ du lịch chỉ đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, giảm 65%.
Khảo sát mới đây của Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch TP Đà Nẵng cho thấy, đến tháng 2-2021 trong khi tất cả các khu điểm du lịch đã hoạt động trở lại thì số đơn vị lữ hành, vận chuyển, khách sạn, tàu du lịch mới chỉ đạt khoảng 50%. Cũng từ khảo sát này, có đến 26,6% doanh nghiệp lo ngại sẽ cạn vốn buộc phải rời thị trường và chỉ có 11,9% doanh nghiệp cho biết có thể cầm cự vốn đến hết năm 2021. Với việc doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay đã có khoảng gần 32.000 lao động trong ngành du lịch mất việc, phải chuyển nghề. Từ những khó khăn này, có 24,1% doanh nghiệp được khảo sát mong muốn Chính phủ, các địa phương có chính sách hỗ trợ cho người lao động, 20,5% doanh nghiệp đề nghị được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, 17,9% doanh nghiệp đề xuất được gia hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.
Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng: “Doanh nghiệp hiện đang kinh doanh trong tâm thế lo sợ dịch có thể trở lại bất cứ lúc nào. Đợt 1 thì chúng ta đã gượng dậy một cách thần kỳ, nhưng với tình hình hiện tại, nếu có thêm một đợt dịch nữa thì chắc chắn sẽ sập. Không còn đủ tài chính và nhân lực để gượng dậy. Cho nên các chính sách hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, chính quyền và các ngành về lĩnh vực tài chính, lao động, thị trường và chính sách là rất cần thiết. Ông Dũng cũng dự báo, đã có nhiều thay đổi trong xu hướng đi du lịch với ưu tiên hàng đầu của du khách là mức độ an toàn y tế, đảm bảo sức khỏe, chú trọng hơn đến chất lượng của điểm đến, thay đổi từ chương trình du lịch trọn gói sang hình thức tự trải nghiệm với các chuyến đi ngắn ngày và điểm đến gần. Cạnh đó du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thực tế ảo... ngày càng phổ biến. Chính vì vậy ngành du lịch phải có những chuyển hướng, thay đổi để thích ứng để thu hút, khai thác tối đa thị trường du lịch nội địa.
Buổi tọa đàm nhận nhiều ý kiến, đề xuất để thành phố sớm có các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch. |
Bà Hồ Nguyễn Phương Chi – Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho biết, thực tế là nhiều khách sạn chưa mở cửa trở lại nhưng vẫn phải tốn chi phí vận hành cố định như điện cho hoạt động của bảng hiệu, phòng ốc, điều hòa, hồ bơi vẫn hoạt động, nhân lực cần thiết vẫn phải đảm bảo. “Hỗ trợ doanh nghiệp thì những chính sách cụ thể. Nếu bây giờ Sở Công Thương có thể đề xuất tạm thời hỗ trợ chuyển mức giá điện từ kinh doanh qua sản xuất thì hơn 1.000 khách sạn trên địa bàn thành phố sẽ thấy thiết thực vô cùng. Tương tự là những chính sách cho lữ hành, vận chuyển”, bà Chi kiến nghị.
Để khách nội địa đến Đà Nẵng, bà Chi cũng cho rằng trước hết phải làm sao để người Đà Nẵng ưu tiên đi du lịch Đà Nẵng bằng cách tung ra các gói sản phẩm mới, tri ân người dân cả về giá và dịch vụ. “Để thu hút khách nội địa, đề xuất lãnh đạo Đà Nẵng và các đơn vị xem xét cấp 10.000 voucher, trị giá 500.000 đồng mỗi voucher để phát, trước tiên cho người dân có đóng góp cho thành phố. Nếu triển khai được thì chỉ riêng chính sách này sẽ thu hút ít nhất 10.000 lượt khách, tạo nguồn thu cho ngành và giúp người lao động có việc làm. Với đề xuất này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh giao Sở Du lịch Đà Nẵng nhanh chóng nghiên cứu và áp dụng triển khai để không những người dân thành phố đồng hành trong phát triển kinh tế mà bản thân mỗi người sẽ được trải nghiệm, thụ hưởng chất lượng dịch vụ tốt nhất khi khám phá những điều thú vị ngay trên quê hương mình.
Khách du lịch nước ngoài tham quan Bảo tàng Đà Nẵng. |
“Phải bỏ tư duy rổ khoai tây, mạnh ai nấy làm”
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá, tọa đàm “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng 2021” được tổ chức là sự kiện cần thiết để đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng và mức độ hiệu quả của các giải pháp ứng phó từ chính quyền thành phố và doanh nghiệp trong thời gian qua. Đây cũng là cơ hội để cơ quan quản lý Nhà nước đối thoại với các doanh nghiệp du lịch, tiếp nhận các kiến nghị và thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp ngành du lịch Đà Nẵng khôi phục và phát triển trong năm 2021.
Ông Quảng cho biết, thành phố sẽ dùng nguồn lực đầu tư công và xã hội hóa để tạo ra các sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút khách nội địa và sẵn sàng đón dòng khách quốc tế khi mở cửa trở lại. “Đây là thời điểm chúng ta phải chuẩn bị tốt các điều kiện chứ không phải là lúc chùng xuống. Cả chính quyền và doanh nghiệp cùng phải suy nghĩ để tạo ra những sản phẩm mới. Chúng ta phải đảm bảo cộng đồng doanh nghiệp sẽ có các điều kiện tốt nhất để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Quảng nhấn mạnh. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị doanh nghiệp cũng phải tích cực, chủ động và cùng nhau cộng sinh, hợp tác, đoàn kết thực hiện nhiệm vụ này chứ không phải kiến nghị rồi bị động chờ đợi theo kiểu việc ai nấy lo. “Tôi thấy đại diện các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đề cập đến các chính sách hỗ trợ chứ chưa thấy những sáng kiến mới nào cụ thể để tồn tại và vượt qua. Dù thế nào đi nữa thì cũng chỉ có chúng ta mới cứu được chúng ta thôi, không ai cứu được cả. Sức mạnh trong thời điểm này là hỗ trợ, đoàn kết chứ không phải như rổ khoai tây, mạnh ai nấy làm. Cũng không thể ngồi im chờ hỗ trợ”, ông Quảng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ khôi phục và phát triển du lịch Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, thành phố đang làm việc với các nhà đầu tư có uy tín để chỉnh trang lại cảnh quan, kiến trúc đôi bờ sông Hàn. Cụ thể sẽ tiến hành xây dựng đề án sông Hàn về đêm bao gồm tổ hợp ánh sáng của 6 cây cầu và 2 bên bờ sông, tích hợp điều khiển chung để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo. Trước mắt, ngay trong tháng 6-2021 sẽ có đơn vị uy tín tổ chức một giải đua thuyền buồm trên sông Hàn, thí điểm làm các thuyền buồm mang các địa danh của thành phố. Đây sẽ là sản phẩm du lịch mới thu hút du khách. Cùng với đó, thành phố cũng ưu tiên phát triển hạ tầng liên quan như phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, khu phố An Thượng kết hợp dịch vụ về đêm... để tạo ra sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và sẵn sàng đón khách quốc tế khi các đường bay mở trở lại.
CÔNG KHANH