Đà Nẵng: Báo động dịch sốt xuất huyết
(Cadn.com.vn) - Dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Đà Nẵng đang lan nhanh với tốc độ chóng mặt, có chiều hướng diễn biến khá phức tạp và đã đến mức báo động.
Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, từ đầu năm 2013 đến nay, toàn TP có 1.409 ca SXH và chỉ tính riêng tuần cuối tháng 10 vừa qua đã có 69 ca SXH. Đặc biệt, đã có một bệnh nhi tử vong nghi do bệnh SXH gây ra.
Lực lượng chức năng TP Đà Nẵng ra quân xóa bỏ môi trường sống của muỗi. |
Đứng ngồi không yên
Những ngày cuối tháng 10-2013, có mặt tại các BV trên địa bàn Đà Nẵng, chúng tôi ghi nhận hàng chục bệnh nhân mắc SXH đang được điều trị. Tại đây, chúng tôi được nghe những lời tâm sự trong lo lắng của bệnh nhân cũng như người nhà khi dịch SXH đang diễn biến khá phức tạp và đã có trường hợp tử vong.
Chị Trần Thị Lệ Thu (1975, trú Q. Ngũ Hành Sơn) đang chăm sóc đứa con trai 9 tuổi bị SXH tại BV Phụ Sản - Nhi cho biết: “Dù gia đình tôi đã tích cực phòng chống bệnh bằng nhiều cách như thường xuyên quét dọn nhà cửa, lau rửa sạch sẽ những đồ vật chứa nước và tối nào cũng đốt nhang trừ muỗi trước khi cho mấy đứa trẻ vào mùng đi ngủ. Vậy mà không hiểu như thế nào cháu nó cũng bệnh như thường. Đứa lớn đang mang bệnh nên sợ đứa nhỏ cũng “dính” theo. Nghe nói đã có một bệnh nhi ở Q. Liên Chiểu đã tử vong do bệnh này nên tôi cảm thấy lo lắng vô cùng...”.
Cùng hoàn cảnh với chị Thu là chị Bùi Thị Dung (1978, trú Q. Liên Chiểu, mẹ của một bệnh nhi 5 tuổi). “Thấy cháu nóng sốt nên tôi đã đi mua thuốc về cho cháu uống. Lúc đầu cũng thấy đỡ nhưng càng lúc càng trở nặng nên vội đưa đến đây để điều trị cho an toàn. Cạnh nhà tôi có ao tù đọng nước nên muỗi nhiều vô kể.
Dù đã được lực lượng chức năng đến phun thuốc nhưng lượng muỗi vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Vậy là nó cứ truyền bệnh cho hết người này đến người khác và nhiều gia đình lần lượt kéo nhau vào BV để điều trị. Mấy người lớn thì còn gượng dậy được chứ mấy đứa nhỏ thì liên tục nằm li bì mấy ngày liền...”.
Đa phần người dân khi mắc bệnh SXH đều có dấu hiệu nóng lạnh, sau đó sốt cao kèm đau đầu, nôn ói hoặc tiêu chảy. Tuy nhiên, khi đã mắc bệnh, trẻ em dễ bị sốc, trụy tim mạch, trong khi đó, người lớn thường bị xuất huyết.
Bệnh nhân Trần Thị Phương (1983, Q. Sơn Trà) cho biết: “Lúc đầu thấy trong người ớn lạnh và sốt nhẹ cứ nghĩ bị cảm, chỉ chạy ra tiệm mua thuốc về uống mà không đi khám. Đến khi toàn thân mệt lả, mê man thì mới nhập viện. Tại TTYT quận, tôi được các bác sĩ chẩn đoán sốt siêu vi và cho thuốc uống nhưng uống 3 ngày mà không thấy giảm. Đến ngày thứ 5 thì bắt đầu bị tiêu chảy và buồn nôn nên phải chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy tôi bị SXH cấp độ 3. Dịch bệnh chi mà dữ vậy không biết nữa”.
Các vật dụng chứa nước như thế này là môi trường phát triển của muỗi gây bệnh. |
Người dân chủ quan?
Theo một bác sĩ đang công tác tại BV Đà Nẵng, nguyên nhân chính dẫn đến bệnh diễn biến phức tạp và công tác điều trị hết sức khó khăn là do nhiều trường hợp chủ quan, điều trị muộn làm cho tiểu cầu giảm xuống quá thấp, chảy máu cam, chân răng và tụt huyết áp dẫn đến trụy mạch.
Mới đây nhất, ngày 12-10, em Huỳnh Lưu B.N (13 tuổi, trú P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có biểu hiện sốt cao, đau đầu nhưng đến ngày 16-10, bệnh nhân mới được đưa vào Trung tâm Y tế Q. Liên Chiểu để điều trị. Đến chiều 17-10, bệnh diễn biến nặng hơn với sốt cao, co giật, rét run, buồn nôn kèm dấu hiệu hành kinh sớm với lượng nhiều hơn bình thường.
Trước tình hình đó, bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Lúc vào khoa Hồi sức của Bệnh viện Phụ sản - Nhi, bệnh nhân hôn mê, không tiếp xúc được, da niêm mạc nhạt màu, có chấm xuất huyết dưới da, đang hành kinh. Phổi chưa nghe rale, tim nhanh đều, các cơ quan khác chưa phát hiện bệnh lý. Bệnh nhân được chẩn đoán bị SXH Dengue nặng ngày 5 - thể não.
Đêm 17-10, bệnh nhân mê sâu, thở máy, mất hết các phản xạ, đồng tử giãn 4mm, nhiều đợt huyết áp giảm xuống 50mmhg và nhiều đợt ngừng tim. Rạng sáng 18-10, bệnh nhân được cấp cứu nhiều đợt nhưng không đáp ứng và tử vong lúc 6 giờ 45 cùng ngày với kết quả chẩn đoán SXH Dengue nặng, biến chứng rối loạn đông máu, suy hô hấp độ III, choáng không phục hồi. Mẫu huyết thanh của bệnh nhân B.N đã được gửi vào Viện Pasteur Nha Trang và đang chờ kết quả.
Khi thấy sốt liên tiếp và nôn mửa người dân sớm đến các cơ sở y tế để khám |
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Y tê Dự phòng thành phố cho biết: “Hiện tại dịch bệnh SXH đang lây lan trên diện rộng và vô cùng phức tạp. Chính vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa cao điểm như hiện nay, ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng bệnh SXH của các cấp, các ngành, mọi người dân cần chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng ngay tại nhà, khu dân cư, trong các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình; vệ sinh môi trường xung quanh, ngủ màn, diệt muỗi, loăng quăng, làm sạch các vật dụng chứa nước... nhằm cắt đứt môi trường sinh sản của mỗi vằn gây bệnh SXH.
Ngoài ra, để hạn chế số ca bệnh diễn biến phức tạp và tử vong ở loại bệnh truyền nhiễm SXH, người dân cần theo dõi những dấu hiệu bệnh sớm như: sốt liên tiếp, nôn mửa, đi ngoài nhiều, xuất hiện các đốm nhỏ, lở loét da, chán ăn... và sớm đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị kịp thời...”.
T.Dũng