Đà Nẵng bắt đầu “chia lửa” nhiệm vụ công

Thứ bảy, 09/11/2019 16:20

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký ban hành đề án “Rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công mà các cơ quan hành chính nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm”. Đây được đánh giá là giải pháp cốt lõi để cải cách hoạt động công vụ trong bối cảnh sự kết hợp giữa cơ quan nhà nước và thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong hoạt động cung ứng dịch vụ công trở thành một xu hướng tất yếu.

Từ năm 2020, Đà Nẵng sẽ chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm.

NƠI “KHÔNG NHẤT THIẾT” CHUYỂN CHO NƠI “ĐỦ NĂNG LỰC”

Theo ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đề án ra đời từng bước hoàn thiện cơ chế vận hành bộ máy hành chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ năm 2018 đến nay, các bộ, ngành Trung ương đã tích cực lồng ghép nội dung, nhiệm vụ này vào các chương trình, kế hoạch công tác. Tuy nhiên, vì là chủ trương mới nên hầu hết các địa phương đều lúng túng trong cách thức triển khai xác định nhiệm vụ.

Tại Đà Nẵng, công tác tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn từ giai đoạn 2000 đến nay đều thực hiện theo quy định của Trung ương. Gần 20 năm qua, biên chế của toàn thành phố về cơ bản không có nhiều biến động. Việc chuyển giao nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công là giải pháp cốt lõi để thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy. Theo ông Đồng, mục đích của đề án là xây dựng bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công trên địa bàn thành phố. Các cơ quan tham mưu phải rà soát, xác định những loại hình dịch vụ hành chính công nhất thiết phải do cơ quan Nhà nước thực hiện song song với định hướng lựa chọn một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công hoặc một số khâu có thể chuyển giao cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án cần bảo đảm cơ sở thực tiễn và pháp lý, bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước. Quá trình này phải được thực hiện công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, không làm tăng chi phí, thời gian, đầu mối công việc. Nhà nước vẫn thực hiện song song các dịch vụ hành chính công để người dân có quyền lựa chọn, tránh phát sinh khoảng trống trong giai đoạn đầu chuyển giao.

Việc chuyển giao cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm những dịch vụ hành chính công chỉ được thực hiện ở những lĩnh vực mà cơ quan nhà nước “không nhất thiết” phải thực hiện. Đối với các dịch vụ tất yếu không thể chuyển giao như thủ tục có liên quan đến yếu tố nước ngoài; thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy phép hoạt động cho tổ chức, doanh nghiệp; thủ tục chấp thuận chủ trương, phê duyệt chương trình, kế hoạch, thông báo, xác nhận... của cơ quan nhà nước; các hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và xử lý các vi phạm hành chính tất nhiên phải được cơ quan nhà nước tập trung nâng cao chất lượng. Cạnh đó là các thủ tục yêu cầu về tính bảo mật nhằm phục vụ quản lý nhà nước, dịch vụ để đảm bảo an sinh, ổn định trong quản lý xã hội hoặc tạo khung pháp lý minh bạch, rõ ràng trong hoạt động của tổ chức, công dân tất yếu cũng bắt buộc phải do cơ quan nhà nước cung ứng.

Theo ông Đồng, những dịch vụ hành chính công có thể chuyển giao cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội gồm các dịch vụ phục vụ cho hoạt động của tổ chức, công dân và có nhu cầu cao từ phía người dân, doanh nghiệp, số lượng thủ tục hành chính giải quyết nhiều. Đặc biệt là các nhóm dịch vụ về hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề, cấp giấy chứng nhận. “Những dịch vụ này có tính khuyến khích, thu hút cung ứng đối với doanh nghiệp, tức là mức thu bảo đảm có lãi, phù hợp với lợi thế ngành nghề kinh doanh. Nhà nước sẽ thực hiện chuyển giao từng bước, ở một số công đoạn, công việc trong quy trình cung ứng dịch vụ hành chính công, tiến tới chuyển giao toàn bộ khi đủ điều kiện”, ông Đồng cho hay.

3 NGÀNH TIÊN PHONG TRONG NĂM 2020

Giữa năm 2019, Đà Nẵng đã thực hiện đề án chuyển giao nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cho bưu điện. Trong thời gian tới, thành phố nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức xã hội cung ứng dịch vụ tư vấn phản biện, đánh giá tác động về chính sách trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp theo sẽ là một số công việc trong từng lĩnh vực cụ thể thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan hành chính như: thống kê, điều tra, khảo sát, lập kế hoạch, nghiên cứu xây dựng các chương trình, dự án, đề tài, chuyên đề...; đào tạo, bồi dưỡng, chứng nhận đủ điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành cũng như hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý nhà nước. Theo lộ trình, trong thời gian đầu, chính quyền xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu tiên đối với các doanh nghiệp, tổ chức tham gia thực hiện triển khai theo đúng quy định của pháp luật. Ví dụ như ưu đãi về thuế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, truyền thông đưa thương hiệu của doanh nghiệp đến người sử dụng dịch vụ. Người dân, doanh nghiệp sẽ dần dần thực hiện các giao dịch theo hướng trọn gói, không phải liên hệ đến nhiều cơ quan nhà nước để giải quyết.

Về tiến độ, lộ trình thực hiện, trong năm 2019 thành phố sẽ hoàn thành việc rà soát, đánh giá việc thực hiện các dịch vụ đồng thời xây dựng phương án chuyển một số nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị sang hình thức hợp đồng cung cấp dịch vụ. Sở Giao thông Vận tải, Văn hóa và Thể thao, Du lịch rà soát, xây dựng đề án chuyển giao các dịch vụ thuộc phạm vi quản lý, trình UBND thành phố ban hành để thực hiện trong quý II năm 2020. Các cơ quan chuyên môn còn lại cũng như khối quận huyện xây dựng, trình UBND thành phố phê duyệt để thực hiện việc chuyển giao dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của ngành cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm.

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Sở Nội vụ được giao chủ trì hướng dẫn đề án này cho các sở, ngành, quận, huyện và tổng hợp các vướng mắc, hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định. Trong quá trình thực hiện, phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích việc thực hiện cung ứng dịch vụ hành chính công ở mức 3,4 thông qua các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. “Có thể hiểu đơn giản như dịch chuyển hoạt động công chứng cho các văn phòng công chứng tư, hay một số dịch vụ công ích. Chính quyền chỉ làm công việc quản lý nhà nước đối với hoạt động đó. Người dân, doanh nghiệp sẽ có quyền lựa chọn nơi nào phục vụ tốt hơn, còn cơ quan nhà nước vừa thuận lợi trong công tác tinh giản biên chế vừa nâng cao chất lượng các hoạt động của mình trong tình hình mới”, ông Đồng cho hay.

CÔNG KHANH