Đà Nẵng bước vào giai đoạn phát triển bứt phá (Bài 1: Tạo bệ phóng vững chắc)
Trong giai đoạn 5 năm tới (2020-2025) Đà Nẵng có nhiều dư địa để phát triển bứt phá nhờ quá trình chuẩn bị nền tảng vững chắc những năm qua. Đây là thời cơ Đà Nẵng sẽ nắm bắt để phát triển nhanh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng đúng nghĩa cho khu vực.
Đà Nẵng đã ứng dụng hiệu quả CNTT để xây dựng chính quyền điện tử, đang triển khai đề án Thành phố thông minh, nền tảng vững chắc để phát triển trong kỷ nguyên số. |
Định vị kinh tế Đà Nẵng
Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) của Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân khoảng 6,3%/năm (giá trị khoảng 115 ngàn tỷ đồng). Xét về qui mô kinh tế, Đà Nẵng vẫn đứng đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên với vị thế và kỳ vọng, Đà Nẵng chưa thể là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng Vùng. Cụ thể, TP chưa phát huy được vai trò đầu tàu liên kết về hạ tầng dùng chung, kinh tế biển, đào tạo nhân lực... Thậm chí, một số lĩnh vực như công nghiệp, Đà Nẵng chưa phát triển mạnh bằng Quảng Nam, Quảng Ngãi, nên khó có thể tạo động lực dẫn dắt.
Trong nội tại nền kinh tế TP cũng đang bộc lộ những hạn chế nhất định. Chẳng hạn qui mô ngành công nghiệp Đà Nẵng nhỏ, chậm đột phá, tụt lại tương đối so với cả nước nên chưa trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng. Chưa kể, cơ cấu kinh tế mất cân đối khi lĩnh vực dịch vụ được đầu tư nhiều, chiếm tỷ trọng cao, hơn 64% trong khi công nghiệp-xây dựng chưa tới 23%. Điều này dẫn tới kinh tế TP bị phụ thuộc nhiều vào dịch vụ. Đây cũng là lĩnh vực rất dễ bị tổn thương, đơn cử như dịch bệnh Covid-19, du lịch ngừng trệ kéo theo vận tải, thương mại, nhà hàng-khách sạn đóng cửa. Ngay lập tức kinh tế TP tăng trưởng âm, nguồn thu ngân sách suy giảm. Đơn cử trong tháng 8-2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của Đà Nẵng chỉ đạt 434 tỷ đồng (8 tháng đạt hơn 9,1 ngàn tỷ đồng, bằng 68% so với năm trước). Từ đó, kéo theo doanh thu bán lẻ 8 tháng đạt hơn 35,7 ngàn tỷ đồng (giảm gần 5%), doanh thu vận tải – kho bãi đạt hơn 10,6 ngàn tỷ đồng (giảm 19,5%). Khi lĩnh vực dịch vụ là trụ cột kinh tế Đà Nẵng suy giảm dẫn tới thu ngân sách 8 tháng qua chỉ đạt hơn 13,8 ngàn tỷ đồng (khoảng 45% kế hoạch, bằng 78% so với cùng kỳ).
Một hạn chế khác của kinh tế TP là việc mất cân đối ngay trong chính ngành dịch vụ. Chẳng hạn du lịch được đầu tư nhiều, song chủ yếu khai thác từ biển, chậm hình thành các khu mua sắm - ẩm thực - giải trí tập trung quy mô lớn về đêm. Mặt khác, về hạ tầng đô thị từng là điểm mạnh tạo nền tảng phát triển Đà Nẵng giai đoạn trước đây hiện cũng đã bộc lộ bất cập. Nhiều khu vực quá tải đô thị, nhất là ven biển phía Đông dẫn tới ùn tắc giao thông, cấp thoát nước, xử lý môi trường...
Đà Nẵng đã tạo được nền tảng hạ tầng dịch vụ đẳng cấp tạo bệ phóng phát triển bứt phá giai đoạn tới. |
Luôn “làm mới mình”
Mặc dù còn những trở ngại trong quá trình phát triển, tuy nhiên nền tảng hạ tầng đồng bộ, vững chắc mà Đà Nẵng xây dựng được trong giai đoạn qua chính là bệ phóng quan trọng để phát triển bứt phá thời gian tới. Bên cạnh hạ tầng “cứng” về giao thông, du lịch, công nghệ thông tin...TP cũng xây dựng được nền tảng hạ tầng “mềm” hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu phát triển. Điểm nổi bật trong giai đoạn vừa qua là TP đã phát triển được hạ tầng du lịch hiện đại, trở thành nơi tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế như APEC 2017, Đại hội thể thao biển Châu Á, lễ hội thuyền buồm, pháo hoa... Nhiều dự án du lịch tầm cỡ được đầu tư như Ariyana, Sheraton, InterContinental, Nam An Retreat, Vinpearl Resort & Spa, Da Nang Golden Bay, Grand Tourance đã hình thành hệ thống lưu trú chất lượng quốc tế do các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới trực tiếp quản lý. Nhiều điểm du lịch đẳng cấp được xây dựng, tạo sản phẩm đa dạng cho TP như Sun World Bà Nà Hills, Cocobay, công viên Châu Á, Núi Thần Tài, BRG Danang Golf Resort...
Thời gian qua, Đà Nẵng cũng tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đầu tư hơn 2,1 ngàn tỷ đồng để xây dựng TP thông minh. Hiện, TP có 1.345 dịch vụ công trực tuyến cấp 3 và 4 đạt 93%. TP đang xây dựng tiến tới hoàn thành Trung tâm phân tích dữ liệu và dự đoán thông minh để phục vụ quản lý đô thị dựa trên dữ liệu số; hoàn thành hệ thống giám sát giao thông thông minh; triển khai thẻ du lịch thông minh, lớp học thông minh, bệnh viện thông minh chăm sóc sức khỏe qua mạng...
Với nền tảng hạ tầng CNTT được ứng dụng, phát triển rộng rãi đã giúp TP không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Thực tế nhiều năm liền TP dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, chỉ số quản trị và hành chính công. Cũng nhờ tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn, trong giai đoạn qua TP đã huy động được nguồn lực lớn để xây dựng, kiến thiết đô thị. Hàng trăm dự án qui mô với dòng chảy vốn đa dạng đã đổ về Đà Nẵng. Cụ thể, giai đoạn qua, TP đã cấp chứng nhận kinh doanh cho hơn 21,5 ngàn DN với tổng vốn hơn 103 ngàn tỷ đồng (hiện TP có hơn 31 ngàn DN, tổng vốn hơn 214 ngàn tỷ đồng). Nổi bật trong đó có 50 dự án trong nước, tổng vốn hơn 63,2 ngàn tỷ đồng. Đây đều là các dự án có giá trị rất lớn. Nếu tính tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 5 năm qua, Đà Nẵng đã huy động được gần 190 ngàn tỷ đồng (riêng năm 2020 hơn 39,5 ngàn tỷ đồng), tăng bình quân 4,7%/năm.
Nhìn lại cả giai đoạn phát triển vừa qua có thể thấy, kết quả lớn nhất Đà Nẵng đạt được vẫn là vận dụng linh hoạt các phương thức, “làm mới” chính mình, làm cho TP là nơi hấp dẫn, du khách muốn tìm tới, nhà đầu tư đổ về, nhân lực chất lượng cao kiếm tìm cơ hội lập nghiệp. Đây là nguồn lực mạnh mẽ giúp TP xây dựng được bệ phóng vững chắc để phát triển bứt phá trong giai đoạn tới.
(còn nữa)
HẢI QUỲNH