Đà Nẵng cần bổ sung ít nhất 7.500 nhân lực CNTT mỗi năm

Thứ năm, 01/12/2022 16:05
Ngày 30-11, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng tổ chức tọa đàm "Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại thành phố Đà Nẵng" với gần 100 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Buổi tọa đàm được tổ chức để chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trình độ cao, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, phát biểu tại tọa đàm.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, phát biểu tại tọa đàm.

Thiếu nguồn nhân lực

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết: Thời gian qua, CNTT với tốc độ tăng trưởng cao đã trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng doanh thu CNTT đạt 20%/năm. Đặc biệt, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 nhưng lĩnh vực CNTT vẫn duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng, đóng góp vào sự phục hồi và phát triển của kinh tế - xã hội thành phố. Năm 2021 ngành công nghiệp CNTT-TT tăng trưởng 10,47% và đóng góp 8,23% GRDP thành phố. Tổng doanh thu toàn ngành Thông tin - Truyền thông thành phố Đà Nẵng cả năm 2022 ước đạt 34.293 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 110 triệu USD, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, theo Báo cáo đánh giá chỉ số chuyển đổi số của Bộ TT&TT, kinh tế số năm 2021 của Đà Nẵng đã đóng góp 12,57% GRDP (cao hơn tỷ lệ trung bình toàn quốc là 9,6%).

Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn thành phố ước tính có khoảng 44.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong đó phần lớn nhân lực tập trung trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Dựa trên số liệu dự báo của Đề án Quy hoạch chung thành phố, trong giai đoạn 2022 - 2025, thành phố cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm và trong giai đoạn 2026 - 2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là số lượng phải đi đôi với chất lượng. Khảo sát của Viện Chiến lược Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy chỉ có khoảng 15% sinh viên ngành công nghệ thông tin mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp, 72% sinh viên không có kinh nghiệm thực hành và 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng mềm. Vì vậy, bà Ngô Thị Kim Yến mong muốn tìm cách giải quyết cung cầu về nhân lực công nghệ thông tin giữa cơ sở giáo dục đào tạo và thị trường, đảm bảo sự đồng bộ giữa chất lượng và số lượng. Điều này đòi hỏi các bên liên quan phải cùng xem xét và phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới.

"Trên cơ sở đánh giá thực trạng nguồn nhân lực công nghệ thông tin của thành phố, tôi kỳ vọng Tọa đàm ngày hôm nay sẽ là cơ hội để các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo tăng cường kết nối, thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nhân lực công nghệ thông tin trong thời gian đến" - Bà Yến nhấn mạnh.

Tháo nút từng bước

Tại tọa đàm, các đại biểu thảo luận tập trung vào phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông chất lượng cao tại thành phố, đồng thời trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. PGS, TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng đã đưa ra giải pháp liên kết giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Ông kiến nghị các cấp sớm có chính sách, cơ chế quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm đồng hành cùng nhà trường, xã hội trong nhiệm vụ đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, giảm bớt đại học công lập cần phải được triển khai từ từ, từng bước hợp lý về số lượng, cân đối giữa các địa phương, vùng, miền, đảm bảo khả năng ngân sách. Các trường đại học vùng và đại học trọng điểm cần phải được ưu tiên đầu tư, trở thành nòng cốt đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho các ngành mũi nhọn. Các chính sách, cơ chế phải được xây dựng để thúc đẩy, gắn kết hợp tác nhà trường-doanh nghiệp CNTT một cách đồng bộ, tạo hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi, khuyến khích các trường và doanh nghiệp tăng cường gắn kết, hợp tác. "Cần có quy định chuẩn giảng viên ngành CNTT phù hợp với thực tế để huy động lực lượng cán bộ doanh nghiệp CNTT có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy đại học. Hiện nay tại Việt Nam, do rào cản về tiêu chuẩn giảng viên nên các trường không huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp (tại nhiều nước tỷ lệ này tới 50%), nếu kéo dài sẽ khó phát triển được mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp CNTT".

Theo ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng, hiện nay Đà Nẵng có 1.900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT và theo khảo sát của iViettech trên diễn đàn Việc làm CNTT Đà Nẵng năm 2022 có gần 400 DN tham gia tuyển dụng. Vì vậy để giải bài toán nhân lực, TP cần tiếp tục tạo điều kiện, chính sách để các trường mở rộng quy mô đào tạo, thu hút sinh viên theo học ngành CNTT đến Đà Nẵng để học tập, sinh sống và làm việc, tạo điều kiện cho các chính sách an sinh như cho vay mua nhà để an cư lạc nghiệp. Về phía các trường ĐH cần thay đổi nhanh chóng chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu đơn cử như ngành hệ thống mạng cần tập trung đào tạo về các kỹ năng như Cloud (đám mây), devOps (tăng cường sự hợp tác và trao đổi thông tin của các lập trình viên và chuyên viên tin học), An ninh mạng. Về phía doanh nghiệp, ông Việt kiến nghị các doanh nghiệp nên đầu tư phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên sâu thay vì chỉ đầu tư theo chiều ngang, từ đó từng bước nâng cao chất lượng, năng suất lao động.

Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết, TP đang nỗ lực xây dựng môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao triển khai dự án tại địa phương. Buổi tọa đàm đã đưa ra những giải pháp thiết thực để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố, triển khai Đề án "Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Lê Anh Tuấn