Đà Nẵng cần làm gì để giữ vị trí trong cuộc cạnh tranh điểm đến

Thứ ba, 11/06/2024 20:17

Vào năm 2022, Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất theo đánh giá của Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI). Đây là kết quả của nghiên cứu về bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch, thí điểm tại 15 tỉnh, thành Việt Nam, được Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) công bố. Tuy nhiên, với sự thay đổi nhanh chóng về xu hướng du lịch, lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu ngành du lịch phải có những thay đổi để thích ứng, đặc biệt là đa dạng về sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ nếu không muốn bị các điểm đến khác vượt qua.

Du khách hòa mình vào không khí lễ hội tại Bà Nà Hills.
Du khách vui chơi trên bãi biển Đà Nẵng.

Trong top 5 xếp hạng VTCI vào lúc đó, đứng sau Đà Nẵng là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Hà Nội được xếp hạng cao nhất về tài nguyên văn hóa, Lâm Đồng cao nhất về tài nguyên thiên nhiên còn Quảng Nam đứng đầu về khả năng cạnh tranh giá cả. Trong những năm qua, các điểm đến nằm trong top 5 đều có sự trỗi dậy mạnh mẽ và đều là những địa phương đã khiến Đà Nẵng phải chia sẻ lượng khách đến. Hay nói cách khác, du khách đã có xu hướng dịch chuyển, lựa chọn điểm đi để khám phá, trải nghiệm những điều mới mẻ. Điều đó bắt buộc thành phố phải mở rộng không gian du lịch và đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách đến và kéo dài thời gian lưu trú, trải nghiệm, chi tiêu. Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất nhờ những thế mạnh như an toàn giao thông đường bộ, dễ tiếp nhận qua đường hàng không, đội ngũ lao động ngành du lịch có năng lực, hạ tầng du lịch chất lượng tốt, tài sản văn hóa hấp dẫn… Tuy nhiên thành phố cần cải thiện về giá bán lẻ thức ăn, đồ uống hay giảm sự cố, tai nạn với khách du lịch và tăng mức độ hài lòng của khách ở các điểm tham quan.

Tại hội nghị của ngành du lịch mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu UBND thành phố, Sở Du lịch và cộng đồng doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa để không đánh mất lợi thế trong cuộc cạnh tranh điểm đến với các địa phương khác trong cả nước.

Trao đổi về khó khăn và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, dù được đánh giá là điểm sáng của cả nước trong phục hồi sau đại dịch nhưng ngành du lịch đang đối mặt với nhiều thách thức. Hiện tại chi phí đầu vào của các doanh nghiệp lữ hành đều tăng nhưng giá bán không thể tăng, thậm chí phải có các chính sách giảm giá nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng điểm đến. Trong bối cảnh mất cân đối giữa chi phí và doanh thu khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt khủng hoảng, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị thành phố đề xuất các bộ ngành tháo gỡ khó khăn như hạ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới ưu đãi. Ở cấp địa phương, thành phố xem xét điều chỉnh khung giá thuê đất của các doanh nghiệp ven biển theo hướng vừa hạ, vừa phù hợp với diện tích thực tế sử dụng. Về chính sách, chủ trương phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng đề xuất thành phố tháo gỡ vướng mắc để sớm phát triển du lịch thủy nội địa. "Do gặp vướng mắc về quy định mà tàu du lịch không có điểm dừng chân, khách không xuống nước được, chưa có dịch vụ hậu cần, biểu diễn nghệ thuật trên tàu cũng vướng quy định. Chúng ta từng vui mừng với cảnh trên bến dưới thuyền trước đây, điều kiện tự nhiên thì có nhưng vướng mắc nhiều nên chưa khai thác hết tiềm năng. Điều đó dẫn đến việc du lịch thủy nội địa của Đà Nẵng đã tụt hậu so với Khánh Hòa, Vũng Tàu, Quảng Ninh", ông Dũng cho hay.

Du khách hòa mình vào không khí lễ hội tại Bà Nà Hills.

Năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8,42 triệu lượt khách lưu trú, tăng hơn 13,8% so với năm 2023, gần bằng 105% so với năm 2019. Đà Nẵng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo Đề án định hướng phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 9 nhóm sản phẩm du lịch sau đang thực sự thu hút khách đến Đà Nẵng. Trong đó chú trọng khai thác Du lịch MICE, Du lịch Golf, Du lịch cưới. Thành phố sẽ thí điểm một số hoạt động dịch vụ nhằm tạo sản phẩm mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh thu hút khách như thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng, dịch vụ du lịch ban đêm trên cầu và công viên bờ Đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi. Cùng với đó là tập trung hỗ trợ khởi công dự án Tổ hợp Dòng sông ánh sáng và bến thủy nội địa, Khu tổ hợp công trình phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế, Khu công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía Đông Nam Đài tưởng niệm.

Ngành du lịch nhận định, những nhiệm vụ nói trên được đặt ra trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến du khách cắt giảm chi tiêu, ngày lưu trú và chọn điểm đến gần, gây khó khăn cho việc khôi phục mở đường bay quốc tế và khai thác các thị trường quốc tế. Thị trường trọng điểm, tiềm năng như Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, Hàn Quốc, Đài Loan đang có dấu hiệu bão hòa. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn nên chậm đầu tư hình thành sản phẩm du lịch mới, chưa đủ sức cạnh tranh và năng lực để có thể bắt kịp xu hướng thị trường và công nghệ số. Cùng với đó, chính sách mở về visa, chính sách giá, chương trình kích cầu, trợ giá sản phẩm mới và liên tục có các chương trình lễ hội sự kiện quy mô lớn thường xuyên hàng năm ở các điểm đến quốc tế như Thái Lan, Bali (Indonesia) và trong nước (Nha Trang, Sa Pa, Phú Quốc) vẫn còn gay gắt… sẽ là một thách thức không nhỏ nếu du lịch Đà Nẵng không có đột phá.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường, những thay đổi về nhu cầu, thị hiếu, sự dịch chuyển thị trường và xu hướng du lịch trên toàn cầu trong thời gian tới sẽ là một thách thức không hề nhỏ đối với Đà Nẵng. Điều đó đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay, đồng hành vì mục tiêu phát triển du lịch bền vững. "Có tên trong danh sách 11 điểm đến tốt nhất châu Á là một hành trình dài và nhiều khó khăn. Giờ phải làm sao để xứng đáng với danh hiệu đó. Ngành du lịch phải hướng đến có sản phẩm tốt nhất, chất lượng cao nhất, dịch vụ vượt trội nhất và hướng đến thị trường mới, cách làm mới thì mới đủ sức cạnh tranh. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp, sự chung tay chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch", ông Cường nhấn mạnh.

TUẤN NGỌC