Đà Nẵng “cán mốc” 3 tỷ kWh điện thương phẩm

Thứ bảy, 28/12/2019 13:34

Ngày 25-12-2019, sản lượng điện thương phẩm toàn thành phố Đà Nẵng đạt con số 3 tỷ kWh. Đây là dấu ấn mới trong chặng đường 43 năm xây dựng và phát triển của Công ty Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng). Cũng trong khoảng thời gian này cách đây 5 năm, ngày 25-12-2014, PC Đà Nẵng đã cán mốc 2 tỷ kWh. PC Đà Nẵng cũng là đơn vị đầu tiên trong Tổng Công ty Điện lực miền Trung đạt cột mốc này.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Cương – Chủ tịch kiêm Giám đốc PC Đà Nẵng để hiểu rõ hơn về sự kiện quan trọng này.

Ông Lê Hồng Cương.

P.V: Thưa ông, vậy là sau 5 năm kể từ năm 2014, sản lượng điện của PC Đà Nẵng đã đạt cột mốc mới - 3 tỷ kWh điện, ông có thể nói rõ hơn về sự kiện ý nghĩa này?

Ông Lê Hồng Cương: Kể từ ngày đầu thành lập (28-12-1976), để đạt con số 1 tỷ kWh điện thương phẩm Công ty Điện lực Đà Nẵng phải mất 32 năm nỗ lực, phấn đấu (năm 2008), Công ty tiếp tục trải qua chặng đường dài 6 năm, đến 2014 để đạt con số 2 tỷ kWh, và hôm nay, tiếp sau 5 năm cung ứng điện trong điều kiện khó khăn - các nhà máy thép dừng hoạt động, tốc độ phụ tải khu vực Q. Sơn Trà tăng nhanh đột biến... Công ty Điện lực Đà Nẵng đã cán mốc con số 3 tỷ kWh điện. Sự kiện này là một minh chứng rõ nét cho sự lớn mạnh của Công ty Điện lực Đà Nẵng trên chặng đường 43 năm xây dựng và phát triển.

Đồng hành cùng nhịp độ phát triển của thành phố, tốc độ phát triển điện thương phẩm của PC Đà Nẵng bình quân gần 8,5%/năm (PV: 2014 - 2019). Sản lượng điện thương phẩm đạt 3 tỷ kWh cũng đã nâng mức sản lượng điện tiêu thụ bình quân đầu người của thành phố Đà Nẵng từ khoảng 7.478 kWh/khách hàng (năm 2014) lên hơn 9.011 kWh/khách hàng kWh (năm 2019). Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm mặc dù tạo ra cho ngành điện không ít áp lực nhưng là thước đo khá chính xác và cũng là tín hiệu vui, cho thấy sự phát triển nhanh của nền kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

P.V: Như vậy, cột mốc 3 tỷ kWh vừa là động lực để PC Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhưng cũng đặt ra cho Công ty không ít những thách thức, thưa ông?

Ông Lê Hồng Cương: Đúng vậy, như đã nói ở trên, với mức tăng trưởng sử dụng điện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay là khá lớn, trên 8,5%/năm, việc cung ứng điện từ năm 2020 trở đi của PC Đà Nẵng sẽ gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đặt mục tiêu xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung với các mũi nhọn kinh tế là công nghiệp và du lịch dịch vụ. Điều này đã được minh chứng bằng mức tăng trưởng “nóng” gần 20%/năm về nhu cầu điện của khu vực Q. Sơn Trà thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian đến.

Bên cạnh đó, tại khu vực trung tâm thành phố, các khu công nghệ cao, công nghệ thông tin tập trung... cũng có tốc độ phát triển nhanh, kéo theo nhu cầu về điện ngày càng cao và bức thiết hơn bao giờ hết.

Công nhân PC Đà Nẵng thao tác trên lưới.

P.V: Vậy, thưa ông, để giải được “bài toán” về cung ứng điện, thời gian qua Công ty Điện lực Đà Nẵng đã có những giải pháp nào để đáp ứng nhu cầu của khách hàng?

Ông Lê Hồng Cương: Công ty Điện lực Đà Nẵng xác định rõ mục tiêu trước hết và quan trọng nhất là phải đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của thành phố. Trước “bài toán” về cung ứng điện, trong 5 năm qua Công ty đã đưa ra nhiều “lời giải” trong công tác quản lý vận hành và dịch vụ khách hàng.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, Công ty đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình nguồn lưới điện, kéo mới hàng trăm ki-lô-mét đường dây trung, hạ áp; lắp đặt mới các TBA tại các khu vực có phụ tải tăng cao... Bên cạnh đó, chúng tôi đã áp dụng thành công hàng loạt các công nghệ mới, hiện đại trên lưới điện. Trong đó, phải kể đến là việc xây dựng Trung tâm điều khiển và đưa vào vận hành 09/09 TBA 110kV ở chế độ không người trực, áp dụng thành công dự án tự động hóa lưới điện phân phối (DAS) cho các xuất tuyến trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn...v.v. góp phần rút  ngắn thời gian thao tác, đóng cắt thiết bị, bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố, đặc biệt là trong thời tiết mưa bão, giảm thời gian mất điện ảnh hưởng đến khách hàng.

Năm 2016, PC Đà Nẵng triển khai áp dụng công tác sửa chữa nóng lưới điện. Đến nay, với 2.849 lượt thao tác trên lưới, công tác đã góp phần giảm thời gian mất điện, ngăn ngừa và loại trừ nhanh chóng các nguy cơ sự cố trên lưới điện, đặc biệt là không làm gián đoạn việc cung cấp điện cho khách hàng. Và gần đây nhất là hoàn thành việc thu thập dữ liệu từ xa đối với 100% công-tơ đo đếm điện của khách hàng, là cơ sở để Công ty khai thác dữ liệu đo xa, ứng dụng tốt hơn công nghệ tiên tiến vào công tác điều hành sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường tính minh bạch, chính xác trong công tác đo - ghi chỉ số điện, tạo được sự an tâm, tin tưởng từ phía khách hàng.

Việc phát triển rộng khắp hệ thống đo đếm từ xa cùng với triển khai hàng loạt các dịch vụ như: điện lực linh động, dịch vụ điện trực tuyến, giao dịch điện tử, tự động cảnh báo sản lượng điện... tạo ra không gian giao dịch hiện đại, từng bước nâng cao sự hài lòng của khách hàng sử dụng điện.

P.V: Xin ông cho biết các mục tiêu và hướng đi tiếp theo của Công ty trong thời gian tới?

Ông Lê Hồng Cương: Với ngành điện, mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất vẫn luôn là đảm bảo nguồn điện ổn định, an toàn, liên tục đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng sử dụng điện. Năm 2020, năm then chốt thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh – đầu tư xây dựng giai đoạn 2016 – 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, PC Đà Nẵng cũng sẽ có những giải pháp quyết liệt để hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Chúng tôi chú trọng yếu tố nguồn nhân lực trong tiến trình phát triển Công ty. Vì vậy Công ty sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, bên cạnh các công tác chuyên môn, sẽ động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động phát huy những ý tưởng sáng kiến – điều mà CBCNV PC Đà Nẵng đã làm rất tốt trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng, tiếp tục thực hiện lộ trình xây dựng lưới điện thông minh như: mở rộng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối, xây dựng site dự phòng cho trung tâm điều khiển, tích hợp tính năng quản lý lưới điện trên bản đồ địa lý, quản lý thông tin khách hàng, quản lý nhóm công tác trong hệ thống SCADA. Đồng thời đưa những dịch vụ, tiện ích của ngành điện đến gần hơn với khách hàng thông qua môi trường Internet… Những bước đi đó sẽ tạo đà cho Công ty tiến tới xây dựng hình ảnh doanh nghiệp số trong tương lai, đáp ứng sự kỳ vọng của lãnh đạo và người dân thành phố Đà Nẵng.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

PHƯƠNG KIẾM (thực hiện)