Đà Nẵng: Cần những đánh giá toàn diện, công bằng
(Cadn.com.vn) - Dư luận Đà Nẵng đang xôn xao bàn tán sau khi một số kênh thông tin đăng tải loạt bài viết Bất động sản đóng băng, Đà Nẵng bí tiền. Phải nói rằng, loạt bài viết đã xoáy sâu mô tả một cách rõ nét về những thách thức mà thành phố Đà Nẵng đang gặp phải. Thế nhưng, liệu nó đã phản ánh một cách chân thực về bức tranh kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng hay chưa?
Một góc Đà Nẵng |
Đà Nẵng không bội chi ngân sách
Đề cập một trong những chi tiết quan trọng của loạt bài, cho rằng Đà Nẵng bội chi ngân sách 2.400 tỷ đồng, ông Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng cho biết: Báo cáo số 104/BC-UBND ngày 24-6-2013 của UBND TP về tình hình thực hiện dự toán ngân sách 6 tháng đầu năm và biện pháp quản lý điều hành ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 tại kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khóa VIII, đã thể hiện rõ số liệu thu, chi như sau: Thu NSNN trên địa bàn 6 tháng đầu năm là 5.250 tỷ đồng, gồm: Thu thuế xuất nhập khẩu: 850 tỷ đồng; thu nội địa 3.965 tỷ đồng (trong đó: thu từ thuế phí 3.137 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 750 tỷ đồng) ; thu quản lý qua ngân sách 435 tỷ đồng. Theo phân cấp của Luật NSNN thì thu cân đối ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm là 9.253 tỷ đồng, gồm: Thu từ phát sinh kinh tế được hưởng 85% là: 3.513 tỷ đồng; thu từ NST.Ư bổ sung mục tiêu: 223 tỷ đồng; thu từ các nguồn năm trước chuyển sang: 4.592 tỷ đồng; thu chuyển giao giữa các cấp ngân sách địa phương 490 tỷ đồng; thu để lại chi quản lý qua ngân sách: 435 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm là 7.623 tỷ đồng, tồn quỹ ngân sách còn chuyển sang tháng 7-2013 để sử dụng là 1.630 tỷ đồng (9.253 tỷ đồng - 7.623 tỷ đồng).
Theo quy định của Luật NSNN ngân sách địa phương không được phép bội chi và được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chặt chẽ theo Luật. Do đó, bội chi ngân sách 2.400 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2013 như phản ánh là không đúng với số liệu theo Báo cáo số 104/BC-UBND ngày 24-6-2013 nói trên và số liệu do Sở Tài chính quản lý.
Về việc có dư luận cho rằng TP Đà Nẵng vi phạm Khoản 3, Điều 8 của Luật NSNN 2002, ông Nguyễn Thanh Sang cho biết: Ngân sách địa phương được huy động cùng với các nguồn của ngân sách để đẩy nhanh tiến độ của các công trình trọng điểm. Theo đó, năm 2012 thành phố đã xây dựng Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và đã được HĐND TP phê duyệt, Bộ Tài chính phê chuẩn với tổng mức vốn huy động là 5.000 tỷ đồng. Trong đó: năm 2012 TP đã phát hành 1.500 tỷ đồng; năm 2013 sau khi rà soát các nguồn ngân sách và nhu cầu chi xây dựng cơ bản HĐND thành phố đã phê duyệt phát hành tiếp 1.500 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm của thành phố, việc huy động nguồn vốn này được đảm bảo nằm trong khung quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.
Bạn trẻ tham quan Cảng Tiên Sa Đà Nẵng. |
Ông Nguyễn Thanh Sang khẳng định : Những năm qua và 6 tháng đầu năm 2013, công tác điều hành ngân sách luôn quán triệt quan điểm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả theo khả năng nguồn thu ngân sách, đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN. Trên cơ sở đó ngay từ đầu năm thành phố đã ban hành những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN thành phố Đà Nẵng năm 2013, trong đó tuân thủ nguyên tắc "thu đến đâu chi đến đó", đảm bảo cân đối ngân sách linh hoạt giữa tiến độ thu ngân sách với thực hiện nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm thành phố đã chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, thực hiện các nhiệm vụ trên cơ sở khả năng nguồn thu và huy động hợp lý các nguồn lực tài chính để tập trung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các công trình trọng điểm của thành phố, chi thường xuyên được đảm bảo, đáp ứng được nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phục vụ các chương trình, sự kiện lớn của thành phố được kịp thời.
Phải hiểu về đất
Theo ông Lê Vinh Quang, Đại biểu HĐND TP, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, khủng hoảng kinh tế tác động mạnh đến nhiều mặt KT-XH các địa phương trong cả nước chứ không riêng gì Đà Nẵng. Trong khủng hoảng mà Đà Nẵng vẫn phát triển được như hiện nay là đã hết sức nỗ lực, bởi vậy, rất cần những đánh giá công bằng. Hơn nữa, việc suy luận cho rằng Đà Nẵng bán đất để phát triển nay thị trường bất động sản đóng băng khiến kinh tế gặp khó khăn là nhận thức còn hết sức “thô sơ”, chưa phản ánh sự hiểu biết thực sự về giá trị của đất.
Ông Lê Vinh Quang đặt vấn đề: Đà Nẵng không có tài nguyên khoáng sản gì đáng kể, nguồn vốn của trung ương đầu tư cho thành phố cũng không quá dồi dào, vậy không lấy đất để phát triển thì lấy cái gì? Vấn đề là phải hiểu rằng, đất không phải “bán” một lần là xong, mà nó liên tục tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Đơn cử, việc giao đất cho các nhà đầu tư du lịch ven biển, không phải giao xong là hết, mà từ đó mới có các resort, khách sạn, nhà hàng... và các đơn vị này tạo công ăn việc làm, đóng thuế, làm cho thành phố phát triển. Nếu đất ven biển dù có đẹp nhất hành tinh mà để không thì cũng chẳng lợi lộc gì. Để hiểu về đất cần phải hiểu sự vận hành tạo ra giá trị gia tăng của nó chứ không phải đơn giản là mua và bán.
Ủng hộ quan điểm trong bài viết “Đà Nẵng không chỉ có đất” (Báo Công an TP Đà Nẵng ngày 27-8), ông Lê Vinh Quang khẳng định: Thị trường bất động sản chỉ là một bộ phận của nền kinh tế. Nếu lấy khó khăn hiện tại của bất động sản để mô tả như thể nó là khó khăn của toàn bộ nền kinh tế thì dễ dẫn tới những suy luận sai lầm, phiến diện, thậm chí chỉ thấy toàn màu đen. Nhìn rộng ra, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, đánh giá một cách toàn diện, so sánh với tình hình chung của cả nước, kể cả ở các nước trong khu vực, Đà Nẵng vẫn là một trong những điểm sáng. Không phải vô cớ mà Ngân hàng Thế giới, một trong những định chế có những đánh giá chuẩn xác nhất hiện nay, chọn duy nhất Đà Nẵng để đầu tư dự án phát triển bền vững ở Việt Nam. Chỉ riêng điều đó cũng đáng cho những ai muốn phản biện chiến lược phát triển KT-XH của TP Đà Nẵng lưu tâm.
Nguyễn Lê – Minh Chính