Đà Nẵng chủ động các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sởi

Thứ tư, 09/04/2025 08:10

Tình hình dịch bệnh sởi đang diễn biến phức tạp trên toàn quốc và tại Đà Nẵng. Thành phố đã chủ động các giải pháp phòng chống, điều trị, kiểm soát dịch bệnh song rất cần sự phối hợp của các lực lượng, sự chung tay của cộng đồng trong thực hiện phòng dịch, đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine.

Ngành Y tế rất cần phối hợp của cộng đồng trong thực hiện các biện pháp phòng dịch, đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng vaccine sởi.
Tiêm chủng chiến dịch vaccine sởi tại Đà Nẵng đã được đưa về các trường học.

BS Trần Thanh Thủy - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, khác với các địa phương 2 đầu đất nước xuất hiện dịch từ giữa năm 2024 thì tại Đà Nẵng khoảng tháng 2-2025 dịch sởi mới bắt đầu có dấu hiệu gia tăng các ca bệnh. Hiện nay, mỗi tuần thành phố ghi nhận từ 300-400 ca nghi sởi, sởi. Tính từ đầu năm 2025 đến ngày 30-3, Đà Nẵng ghi nhận 3.099 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 858 ca có xét nghiệm dương tính với sởi, cao gấp 300 lần so với cùng kỳ năm 2024, trong đó 1 trường hợp tử vong. Theo BS Thủy, công tác thu dung, điều trị bệnh sởi tại Đà Nẵng hiện vẫn đảm bảo. Thành phố đang thu dung, điều trị cho 20% các ca bệnh ngoài tỉnh, đặc biệt các ca bệnh nặng chiếm đến 40-50%, chủ yếu của Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Ghi nhận tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố mỗi ngày có khoảng 440 ca bệnh nghi sởi, sởi điều trị nội trú; tập trung chủ yếu tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Phân tích bệnh nhân dương tính sởi trên địa bàn thành phố, ghi nhận 63,7% bệnh nhân là trẻ đã đến tuổi nhưng chưa tiêm đủ mũi vaccine có chứa thành phần sởi. Về độ tuổi, bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi chiếm 9,3%, bệnh nhân từ 9 đến 24 tháng tuổi chiếm 15,7%, bệnh nhân 2 đến 5 tuổi chiếm 23,8%, bệnh nhân 5 đến 11 tuổi chiếm 30,2%, bệnh nhân trên 11 tuổi chiếm 21%. Số bệnh nhân là trẻ đang đi học chiếm 60,9%. Nguy cơ dịch bệnh sởi bùng phát và ghi nhận các trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi trên địa bàn thành phố trong thời gian tới là rất lớn.

Tiêm chủng chiến dịch vaccine sởi tại Đà Nẵng đã được đưa về các trường học.

BS Trần Thanh Thủy cho biết, ngay từ đầu năm 2025 Đà Nẵng đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch sởi, nhất là đẩy mạnh tiêm chủng. Tuy nhiên thời điểm đó Đà Nẵng được Bộ Y tế đánh giá là địa phương có nguy cơ thấp, không nằm trong nhóm các địa phương được cấp vaccine tiêm chủng chiến dịch giống như các địa phương khác. Từ giữa tháng 2-2025, khi dịch sởi gia tăng, qua đánh giá nguy cơ, Bộ Y tế đã đưa Đà Nẵng vào diện địa phương tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi với mục đích để chống dịch. Do đó, cuối tháng 3-2025 Đà Nẵng đã được cấp 27.000 liều vaccine sởi để tiêm chủng theo chiến dịch. Theo dự kiến nhu cầu vaccine phòng bệnh sởi của Đà Nẵng khoảng 30.570 liều (trong đó 2.900 liều cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, còn lại là trẻ từ 1-10 tuổi). BS Thủy cho biết, ngay sau khi được cấp vaccine sởi, thành phố đã ban hành ngay kế hoạch tiêm chủng chiến dịch, tổ chức tiêm cả các ngày thứ bảy, chủ nhật. Đến đầu tháng 4-2025, tổng cộng 85% trong tổng số 27.000 liều vaccine sởi đã được tiêm cho các đối tượng thuộc diện tiêm chủng chiến dịch. Bên cạnh đó, với sự tham gia của hệ thống tiêm chủng dịch vụ, thống kê khoảng 4.000 liều vaccine sởi dịch vụ ngoài hệ thống công lập đã được tiêm cho trẻ.

Cũng theo BS Trần Thanh Thủy, việc tiêm vaccine sởi rất quan trọng để phòng chống dịch, do đó thành phố tập trung đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng để đảm bảo đạt tỷ lệ 95% đối tượng trong độ tuổi được tiêm. “Hiện nay các điểm tiêm chủng đã được đưa về các trường học chứ không phải tiêm ở các trạm, mục tiêu để đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng, vì vậy cần sự phối hợp của ngành giáo dục, người dân trong việc đưa trẻ đi tiêm chủng”- BS Thủy nói.

Ngành Y tế rất cần phối hợp của cộng đồng trong thực hiện các biện pháp phòng dịch, đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng vaccine sởi.

Liên quan đến công tác thu dung điều trị, Giám đốc Sở Y tế cho biết, vừa qua Bộ Y tế và Viện Pasteur Nha Trang kiểm tra công tác phòng chống dịch đã đánh giá ngành y tế Đà Nẵng chủ động trong phòng chống dịch, đảm bảo công tác thu dung, điều trị, làm giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng, tử vong ở nhóm đối tượng này. Hiện Đà Nẵng đảm bảo đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất… cho công tác xét nghiệm, thu dung, điều trị theo phân tuyến. Ngoài ra, ngành Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn về công tác phòng, chống dịch cho cán bộ y tế dự phòng 7 quận huyện và 47 xã phường, quản lý, phụ trách công tác y tế, nhân viên y tế trường học và lực lượng cộng tác viên; tiến hành kiểm tra phòng chống dịch sởi tại 12 bệnh viện, trung tâm y tế.

Hải Quỳnh

Tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine sởi

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 31-3, trên phạm vi cả nước đã triển khai tiêm được gần 682.000 mũi tiêm vaccine sởi trong Chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch sởi. Trong đó, riêng khu vực miền Bắc thực hiện tiêm được trên 390.200 mũi; khu vực Miền Trung tiêm được gần 149.500 mũi; khu vực Tây Nguyên tiêm được trên 66.200 mũi; khu vực miền Nam tiêm được trên 76.000 mũi.

Nghệ An đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống sởi

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc sởi liên tục tăng và có nguy cơ bùng phát mạnh, Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo các địa phương triển khai tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi; đồng thời ban hành kế hoạch Triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch sởi trên địa bàn tỉnh đợt 2, năm 2025, quyết tâm hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine sởi trước ngày 31-3.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để đảm bảo trẻ em được tiêm vaccine sởi

Theo Bộ Y tế, bệnh sởi tuy có dấu hiệu chững lại nhưng gia tăng cục bộ tại một số địa phương, nhất là ở những tỉnh, thành có di biến động dân cư nhiều, khu vực miền núi có nhiều đồng bào thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp...