Đà Nẵng chưa phát hiện chất tạo nạc, chất cấm tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc
(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, tại một số địa phương trong cả nước đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng chất tạo nạc, chất cấm trong chăn nuôi gia súc gây tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Vậy, tại Đà Nẵng tình hình chăn nuôi, giết mổ, mua bán thịt gia súc diễn ra như thế nào? Các loại thịt có bị tồn dư những loại hóa chất cấm không? Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ về vấn đề này, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Tài - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Đà Nẵng.
P.V: Xin bà cho biết những hóa chất nào được xem là chất tạo nạc, chất cấm bị cấm sử dụng trong chăn nuôi gia súc và tác hại của nó đối với người tiêu dùng?
Bà Trần Thị Tài: Chất tạo nạc được người chăn nuôi heo sử dụng trong thời gian qua chủ yếu là clenbuterol và salbutamol. Hai chất này đều bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) cấm sử dụng trong chăn nuôi. Ở Việt Nam, từ năm 2002, các chất tạo nạc gốc beta-agonist như clenbuterol, salbutamol, ractopamine bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Các chất này cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc. Khi sử dụng chất tạo nạc gốc beta-agonist sẽ gây tình trạng tồn dư thuốc trong thịt gia súc thương phẩm và gây tác hại cho sức khỏe con người. Theo các chuyên gia y tế, người sử dụng thịt heo có dư lượng chất tạo nạc cao sẽ bị giãn cơ cuống phổi, giãn cơ tử cung, đồng thời kích thích giải phóng insulin và quá trình phân giải glucose... rất nguy hiểm đối với bệnh nhân bị bệnh tim mạch.
Thịt heo ở Đà Nẵng chưa phát hiện chất tạo nạc, chất cấm. |
P.V: Thời gian qua, tại một số địa phương đã phát hiện nhiều hộ sử dụng chất tạo nạc, chất cấm. Vậy, tại Đà Nẵng, các cơ quan chức năng có phát hiện và xử lý cơ sở chăn nuôi nào sử dụng chất tạo nạc, chất cấm?
Bà Trần Thị Tài: Để phát hiện, xử lý các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc sử dụng chất tạo nạc, chất cấm trên địa bàn, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Đà Nẵng đã tăng cường việc kiểm tra, lấy mẫu thức ăn, nước tiểu tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ chuyển cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 tại Đà Nẵng tiến hành xét nghiệm. Cụ thể, trong tháng 2-2016, lực lượng Thú y đã lấy 36 mẫu thức ăn, nước tiểu tại các hộ chăn nuôi gia súc có quy mô từ 50 con heo trở lên tại Hòa Vang để xét nghiệm và chưa phát hiện có sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi. Ngoài ra, lực lượng Thú ý còn lấy 80 mẫu nước tiểu tại 5 cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn để kiểm tra. Qua kiểm tra, các mẫu đều có kết quả âm tính với chất tạo nạc clenbuterol, salbutamol. Cũng trong tháng 4-2016, các Trạm Thú y còn lấy 5 mẫu thịt heo, bò, gà tại các địa điểm mua bán để tiến hành xét nghiệm nhưng chưa phát hiện có sử dụng chất tạo nạc, vàng ô. Như vậy, đến thời điểm này, tại TP Đà Nẵng không có cơ sở chăn nuôi, giết mổ và sản phẩm thịt động vật mua bán trên thị trường có sử dụng chất tạo nạc, chất cấm.
P.V: Chưa phát hiện không đồng nghĩa là các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc không sử dụng chất tạo nạc, chất cấm. Vậy, làm thế nào để tình trạng này không xảy ra?
Bà Trần Thị Tài: Chúng tôi đã tính toán đến khả năng này có thể xảy ra nên trong thời gian qua đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp vừa tăng cường kiểm tra, lấy mẫu đưa đi xét nghiệm vừa tổ chức tuyên truyền cho người chăn nuôi, chủ cơ sở giết mổ... hiểu được tác hại của việc sử dụng các loại hóa chất trong chăn nuôi sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, để họ tự giác loại bỏ các chất cấm trong quá trình chăn nuôi và hướng dẫn dùng thuốc trong danh mục, đúng liều lượng do nhà sản xuất quy định.
Qua kiểm tra, trong 4 tháng năm 2016, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Đà Nẵng đã phát hiện, xử lý hành chính 43 trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, với số tiền 78.260.000 đồng. Ngoài ra, tuyên truyền cho người dân hiểu những quy định mới của pháp luật được quy định tại Nghị định 178 của Chính phủ và điều 317, Bộ Luật Hình sự năm 2015-Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh tự cam kết không sử dụng chất cấm, kháng sinh và hóa chất khác trong quá trình chăn nuôi...
Với những biện pháp nêu trên, tôi tin rằng ngành Chăn nuôi và Thú y TP Đà Nẵng sẽ kiểm soát tốt, không để tình trạng tồn dư chất cấm, kháng sinh trong thịt gia súc xảy ra.
P.V: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
M.T (thực hiện)