Đà Nẵng chuẩn bị gì để chống ngập?

Thứ bảy, 26/08/2023 17:02
Trận mưa lớn khiến Đà Nẵng ngập lụt lịch sử, thiệt hại nặng nề giữa tháng 10 năm ngoái vẫn ám ảnh người dân. Mùa mưa bão năm nay đã cận kề, Đà Nẵng đã triển khai giải pháp gì để chống ngập cho đô thị?
Đà Nẵng đang triển khai nhiều dự án thoát nước, chống ngập.
Trận mưa lớn khiến Đà Nẵng ngập nặng vào giữa tháng 10-2022.

Đầu tư 9 công trình chống ngập

Thời gian qua Đà Nẵng đã chi hàng ngàn tỷ đồng thực hiện các dự án thoát nước, chống ngập đô thị, đặc biệt tại một số điểm ngập nặng như nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, khu vực xung quanh đường Hải Hồ, khu vực đường Đỗ Quang (thường gọi là "Xóm tắm"), khu vực đầu tuyến cống từ sân bay ra đường Trưng Nữ Vương…Hiện TP còn 9 điểm ngập thường xuyên, kéo dài, đang được đầu tư các dự án thoát nước. Cụ thể, các khu vực ngập gồm kiệt 96 đường Điện Biên Phủ, đường Hà Huy Tập đoạn xung quanh Trường Huỳnh Ngọc Huệ và kiệt 818 đường Trần Cao Vân hiện TP đang thi công công trình nâng cấp, cải tạo Tuyến cống liên phường Xuân Hà, đã hoàn thiện Trạm bơm chống ngập cuối tuyến cống. Tại điểm ngập khu vực trước cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh, do vướng giải phóng mặt bằng dự án Trục I Tây Bắc kéo dài nhiều năm nên không thể đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại khu vực, đặc biệt là tuyến cống thoát nước chính nối từ nút giao đường số 2 KCN Hòa Khánh - Quốc lộ 1A đến hồ Bàu Sấu.

Tương tự khu vực quanh đồi Trung Sơn ngập úng do vướng giải phóng mặt bằng nhiều năm, dẫn đến không thể thi công hoàn thành tuyến kênh thoát nước chính (nối từ kênh dọc đường số 4 KCN Hòa Khánh ra sông Cu Đê). Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành, nhà thầu đang tập trung thi công Tuyến kênh, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Với điểm ngập khu vực Trung Nghĩa thuộc phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê (Tuyến cống hạ lưu Khe Cạn) do vướng giải phóng mặt bằng nhiều năm nên TP đã điều chỉnh quy hoạch Tuyến cống theo hướng tách thành 2 nhánh. Cụ thể, tuyến số 1 có khẩu độ (3500x2000,) hướng tuyến hoàn toàn bám theo mương hiện trạng; tuyến số 2 có khẩu độ (2500x2000), hướng tuyến đi dọc sau dãy lô mặt tiền đường Hoàng Thị Loan, sau đó đi qua đường sắt và đi dọc đường Nguyễn Như Hạnh. Hiện nay Tuyến số 1 đã thi công hoàn thành, cơ bản giải quyết được một phần tình trạng ngập úng tại khu vực. Tuyến số 2 đang triển khai thực hiện đồng thời với dự án Cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Như Hạnh.

Ngoài ra, 3 điểm ngập úng khác đang được TP triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư các công trình chống ngập. Cụ thể là khu vực đường Trần Xuân Lê, là khu vực thấp trũng, tập trung nước và bị ảnh hưởng bởi sân bay Đà Nẵng nên khi có mưa lớn nước thoát không kịp, gây ngập úng. Khu vực đường Tống Phước Phổ thấp trũng, hệ thống thoát nước hư hỏng, xuống cấp, nhiều cửa thu nước đã bị lấp nên khi có mưa lớn nước thoát không kịp, gây ngập úng. Riêng khu vực đường Lê Tấn Trung, hiện công trình xây dựng tuyến cống từ đường Lê Tấn Trung nối cống Thọ Quang - Biển Đông đã được triển khai thi công thực tế tại hiện trường. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, do vướng mặt bằng nên phải điều chỉnh phương án để bảo đảm tính khả thi.

Đà Nẵng đang triển khai nhiều dự án thoát nước, chống ngập.

Giải pháp đã đủ mạnh?

Bên cạnh việc đầu tư các công trình, dự án chống ngập, Đà Nẵng cũng triển khai một số giải pháp trước mắt để ứng phó với mùa mưa bão tới, như ra quân nạo vét, khơi thông cống rãnh. Bố trí nhân viên thường xuyên túc trực tại công trình, triển khai thực hiện phương án xử lý đảm bảo thoát nước tạm thời cho các khu vực đang thi công dở dang, chưa được đấu nối thoát nước hoàn chỉnh, bị ngập úng hoặc có nguy cơ ngập úng. Chuẩn bị các máy bơm di động để xử lý kịp thời khu vực ngập úng cục bộ, đồng thời bố trí nhân lực túc trực thường xuyên, theo dõi và xử lý kịp thời sự cố máy bơm bị hỏng hoặc mất nguồn điện tại các trạm bơm chống ngập khu vực Thuận Phước, đường Trương Chí Cương, Nguyễn Xuân Nhĩ, khu vực K20, khu vực Đảo Xanh đầu cầu Trần Thị Lý. Đặc biệt, tiến hành hạ mực nước trong các hồ điều tiết xuống mức thấp nhất trước mỗi trận mưa (hồ Công viên 29/3, Thạc Gián - Vĩnh Trung, hồ 3 Sen Vàng,...) để dự trữ dung tích điều tiết cho hồ, đảm bảo xử lý cho các khu vực lân cận như đường Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, tuyến cống sân bay ra đường Trưng Nữ Vương,…

Do tần suất xuất hiện các trận mưa cực đoan trong giai đoạn gần đây ngày càng nhiều, mực nước sông trên địa bàn Đà Nẵng luôn ở mức cao mỗi khi mưa lớn hoặc xảy ra lũ từ thượng nguồn. Do vậy, Đà Nẵng đã cho xây dựng bản đồ ngập úng và hệ thống cảnh báo ngập úng trên địa bàn; phát triển Hệ thống bản đồ theo dõi mưa, ngập nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thông qua ứng dụng Danang SmartCity. Đặc biệt, Đà Nẵng yêu cầu khi quy hoạch phân khu, chuyên ngành cần ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê-tông hóa nếu không thật sự cần thiết.

Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban đô thị, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng cho biết, giải pháp thoát nước khu vực xung quanh sân bay hiện nay đang bị lệch về một số khu vực như đường Trần Xuân Lê, Lê Thanh Nghị, tuyến thoát nước phường Xuân Hà nên thường xuyên quá tải, ngập úng. Do đó, cần tính toán phân lưu thoát nước hợp lý hơn, chẳng hạn phân lưu nhánh Trần Xuân Lê về phía kênh Phần Lăng đang có năng lực thoát nước tốt để giảm tải. Cũng theo ông Tiến, trong sân bay Đà Nẵng vừa qua xây dựng thêm nhiều hạng mục, phủ bê tông nên những khu vực trước đây nước mưa tự thẩm thấu. Do vậy, nay mưa xuống, nước không có chỗ thẩm thấu, tràn ra khu vực xung quanh nhanh hơn, làm quá tải hệ thống thoát nước, dẫn đến ngập úng. Ngoài ra, ông Tiến cũng cho biết, các trạm bơm chống ngập hiện nay của TP tủ điện đều đặt dưới thấp nên khi mực nước lên là bị ngập, trạm bơm bị vô hiệu hóa. Tại Hòa Vang, việc triển khai qui hoạch phân khu đang có hướng điều chỉnh một số hồ hiện trạng (san lấp) trong khi hồ mới chưa được đào theo qui hoạch, dẫn tới nguy cơ ngập cục bộ. Ông Võ Tấn Hà, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, TP đã có chủ trương 4 hướng thoát nước ra khỏi sân bay, trong đó 1 số hướng làm ngay như hướng đường Trần Xuân Lê (Thanh Khê), Cống Quỳnh (Cẩm Lệ) hay nhánh phân lưu khu vực đường Hàm Nghi tổng vốn khoảng 100 tỷ đồng. Hiện TP cũng đã triển khai phân lưu thoát nước khu vực đường Lê Độ, Hoàng Hoa Thám. Liên quan các dự án chống ngập khu vực quanh sân bay, TP sẽ cải tạo, bổ sung các tuyến cống thoát nước trên địa bàn quận Thanh Khê và xây dựng cầu trên đường Nguyễn Nhàn tại vị trí kênh Phong Bắc (Cẩm Lệ).

Với nhiều giải pháp, công trình đang triển khai, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ cải thiện năng lực chống ngập úng đô thị, nhất là khi mùa mưa bão năm nay tới gần, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan.

HẢI QUỲNH