Đà Nẵng đang dần trở thành trung tâm logistics lớn
Đà Nẵng có vị trí đầu mối giao thông thuận lợi để phát triển logistics, tuy nhiên vẫn chưa khai thác xứng tầm giá trị ngành kinh tế khổng lồ này mang lại. Hiện nay thành phố mới có 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, 14 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kho bãi, 15 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bốc xếp, 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan vận tải đường biển, còn lại chủ yếu vẫn là doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đường bộ với 681 đơn vị. Thành phố đã quy hoạch phát triển 5 trung tâm logistics chính với tổng diện tích 229 ha, nổi bật như tại cảng Liên Chiểu (69 ha), Hòa Nhơn (54 ha), sân bay Đà Nẵng (8 ha), khu Công nghệ cao (30 ha).
Trong thời gian qua, nhiều dự án trọng điểm về logistics cũng được cấp phép đầu tư, triển khai trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đã cấp mới dự án Trung tâm phân phối Con Ong của Công ty Con Ong với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng; dự án Trung tâm Logistics Mộc Hoa với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng; dự án chia chọn tự động tại KCN Liên Chiểu của Cty Bưu chính Viettel tổng vốn 729 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng chuẩn bị đầu tư Trung tâm dịch vụ logistics tại Hòa Nhơn và Hòa Sơn trên diện tích 20ha, tổng vốn đầu tư 533 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn và đang triển khai khảo sát thiết kế bản vẽ thi công.
Bên cạnh các dự án logistics thì các dự án giao thông trọng điểm, nền tảng hạ tầng phát triển logistics cũng được thành phố đầu tư, phát triển đồng bộ. Cụ thể như dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, nâng năng lực bốc dỡ lên 10-12 triệu tấn, khả năng tiếp nhận tàu được nâng từ 1.800 TEU lên 3.500 TEU đã hoàn thành. Dự án đầu tư xây dựng Bến Cảng Liên Chiểu-Phần cơ sở hạ tầng dùng chung đang triển khai, hiện khối lượng thi công đạt khoảng 370 tỷ đồng/2.630 tỷ đồng. Dự án Nâng cấp ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện chủ đầu tư đang triển khai thủ tục lập và phê duyệt dự án trên diện tích hơn 26,8 ngàn m2, công suất 100 ngàn tấn hàng hóa/năm. Dự án nâng cấp quốc lộ 14 B lên 6 làn xe tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng đang triển khai. Dự án xây mới tuyến đường bộ kết nối cảng Liên Chiểu với quốc lộ 1A phía nam hầm Hải Vân với tổng vốn hơn 957 tỷ đồng đang triển khai. Dự án tuyến cao tốc đoạn Hòa Liên-Túy Loan sắp triển khai…
Đặc biệt, để phát triển logistics bằng đường sắt, thành phố sẽ triển khai dự án di dời ga Đà Nẵng hiện tại ra khỏi nội đô theo hướng di dời ga hàng hoá, công trình phụ trợ và các cơ quan ngành đường sắt ra ga Kim Liên (quận Liên Chiểu); phần ga hành khách dời về khu vực hồ Trung Nghĩa phường Hòa Minh là vị trí mới thuận lợi dọc theo tuyến đường sắt Bắc Nam hiện có. Trong giai đoạn 1 của dự án ga Kim Liên hiện tại sẽ được nâng cấp đáp ứng 350.000 tấn hàng hóa và 1,5 triệu khách/năm, tổng mức đầu tư dự kiến 2.115 tỷ đồng, giải tỏa di dời khoảng 227 hộ. Giai đoạn 2 sẽ di dời ga hành khách ra vị trí tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang); tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp ga Kim Liên thành ga hàng hóa phục vụ vận chuyển hàng hóa khu vực TP Đà Nẵng và cảng Liên Chiểu với quy mô khoảng 1,5 triệu tấn/năm.
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, trong thời gian tới, thành phố sẽ triển khai phương án xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics, thu hút các dự án logistics vào khu dịch vụ hậu cần thuộc khu công nghệ cao, các khu công nghiệp. Thành phố cũng sẽ kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vự giao nhận vận tải trọn gói tích hợp quốc tế như DHL, Shoppee, fedEx… đặt tổng kho giao nhận tại Cảng Liên Chiểu và các vị trí khác phù hợp, phát huy ưu thế vai trò trung chuyển của Đà Nẵng. Dự kiến đến năm 2025, các trung tâm logistics tại Đà Nẵng sẽ đáp ứng được khoảng 30% về lượng xử lý logistics cho luồng hàng hóa qua cảng biển, 15% qua cảng hàng không, riêng luồng hàng hóa đường sắt đạt 20% vào năm 2030.
HẢI QUỲNH