Tìm giải pháp phát triển kinh tế, xử lý bất cập đô thị Đà Nẵng

Thứ năm, 14/12/2023 07:00
Ngày 13-12, trong ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng khóa X, các đại biểu tiếp tục thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp chống ngập đô thị, tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trong thực hiện nhiệm vụ.
Thành phố cần tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp chống ngập đô thị hiện nay.
Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết kết luận phiên thảo luận.

Cần chính sách đột phá thu hút đầu tư

Thảo luận về kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2024 của Đà Nẵng từ 8-8,5%, đại biểu Huỳnh Huy Hòa-Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế -Xã hội TP Đà Nẵng thấy lo lắng. Theo ông Hòa để tăng trưởng 8-8,5% thì dự kiến quy mô nền kinh tế đạt mức khoảng 165 ngàn tỷ đồng (tăng khoảng 30 ngàn tỷ đồng so với năm 2023). Đây thực sự là một thách thức vô cùng lớn. Bởi lẽ, năm 2022 để tăng trưởng 13,2% thì quy mô kinh tế mở rộng khoảng 16,6 ngàn tỷ đồng so với 2021; năm 2023 để ước tăng trưởng đạt 2,58% thì quy mô nền kinh tế mở rộng 9,25 ngàn tỷ đồng so với 2022. Như vậy, tăng quy mô 30 ngàn tỷ của năm 2024 còn lớn hơn mức tăng quy mô 2 năm 2022 và 2023 (chỉ khoảng gần 27 ngàn tỷ đồng) cho thấy đây là một con số rất lớn. Động lực nào để Đà Nẵng có thể mở rộng quy mô kinh tế lớn như thế khi mà năm 2023 nhiều ngành như bất động sản, xây dựng, bán buôn ô-tô tăng trưởng âm, công nghiệp chế biến chế tạo gần như không tăng; doanh nghiệp chưa phục hồi; thành phố cũng không có nhiều dự án trọng điểm, nhà đầu tư lớn...? Vì thế, ông Hòa cho rằng, thành phố cần sớm xây dựng và thụ hưởng các chính sách đột phá, đặc thù, tạo động lực thuận lợi thu hút được các nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, đối với phát triển kinh tế đặc biệt chú trọng các cơ chế, chính sách đòi hỏi sự ủng hộ từ Trung ương như các chính sách về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; các chính sách về hình thành Khu phi thuế quan và thương mại dịch vụ; chính sách đột phá phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; xây dựng trung tâm logistics; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực...

Đại biểu Nguyễn Thị Phượng thảo luận về vấn đề phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Đại biểu Nguyễn Thị Phượng-Phó Ban Pháp chế nói, Đà Nẵng có lợi thế phát triển lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn nhờ có hạ tầng công nghệ thông tin tốt với các khu Công nghệ cao, khu Công nghệ thông tin tập trung, Công viên phần mềm…; kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP, nhân lực hơn 46 ngàn người, tỷ lệ doanh nghiệp CNTT trên dân số đứng thứ 2 cả nước… ĐB Phượng đề nghị thành phố có lộ trình cụ thể để hình thành liên minh các trường đại học trên địa bàn đào tạo nhân lực công nghiệp vi mạch bán dẫn; có cơ chế thu hút các chuyên gia trong lĩnh vực này về Đà Nẵng; đồng thời có cơ chế hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp công nghiệp vi mạch bán dẫn đầu tư vào thành phố... Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thanh-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, thành phố đã tổ chức liên kết 5 trường đại học trên địa bàn nhằm đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn. Thành phố cũng nghiên cứu xây dựng, nâng cao hạ tầng đảm bảo nhân lực sau khi đào tạo có nơi thử nghiệm, thực hành để rút ngắn thời gian đưa ra sản phẩm trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung kêu gọi các doanh nghiệp đầu đàn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn đầu tư vào thành phố, từ đó tạo lan tỏa, hình thành hệ sinh thái này. Riêng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, về thuế, tài chính như đại biểu đề xuất, ông Thanh nói phải do Trung ương quyết định. Thành phố đang kiến nghị Trung ương để cập nhật trong cơ chế chính sách đặc thù về phát triển thành phố trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Thanh Tâm cho biết, quy mô kinh tế Đà Nẵng nhỏ, phụ thuộc vào dịch vụ, du lịch, hiện nay có dấu hiệu chững lại, vì thế cần có những động lực mới đủ mạnh. Những động lực tăng trưởng mới từ các ngành, lĩnh vực mũi nhọn đã được thành phố xác định, hiện đang xây dựng, đề xuất các chính sách đột phá báo cáo Trung ương cho phép thực hiện. Theo bà Tâm, thời gian qua nguồn lực phát triển thành phố bị “đóng băng” nhiều, thành phố đã tập trung tháo gỡ, năm 2024 sẽ có nhiều dự án được khơi thông, triển khai, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng. Nổi bật như thành phố đã phát triển thêm các khu công nghiệp, khôi phục thị trường khách quốc tế, đưa vào hoạt động Công viên phần mềm số 2, kêu gọi đầu tư cảng Liên Chiểu… Với những điều kiện trên, bà Tâm cho hay, lãnh đạo TP qua nhiều lần trao đổi, thảo luận đã thống nhất chọn mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8-8,5% cho năm 2024.

Tập trung nguồn lực chống ngập đô thị

Vấn đề ngập nước đô thị tại thành phố hiện khá “nóng”, người dân rất quan tâm hiện nay. Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Lê Văn Dũng- Phó Ban đô thị cho biết, thành phố có khoảng 50 điểm ngập nước, trong đó có một số khu vực ngập nặng như Mẹ Suốt, Cầu Đa Cô; Yên Thế - Bắc Sơn - Tôn Đức Thắng; Khe cạn; Hồ Tương (Kênh Phần Lăng); Hà Huy Tập -Trần Xuân Lê; Kiệt 96 Điện Biên Phủ; CMT8 - cống Quỳnh. Nguyên nhân do hệ thống thoát nước thành phố và các hồ điều tiết đã có tình trạng quá tải; đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng bê-tông hóa, làm suy giảm đáng kể khả năng thấm, giảm diện tích ao hồ, khu vực thấp trũng điều tiết nước; một số dự án thoát nước chính chưa thi công hoàn thành, chưa khớp nối hoàn chỉnh dẫn đến thoát nước kém hiệu quả. Đặc biệt, mạng lưới thoát nước chính chưa khai thác hết lợi thế tự nhiên, sớm thoát nước ra sông, ra vịnh; các tuyến thoát nước đi lòng vòng, kéo dài, tập trung về cùng khu vực cửa xả dẫn đến xung đột, cản trở dòng lẫn nhau, làm giảm hiệu quả thoát nước.

Đại biểu Vũ Quang Hùng đặt câu hỏi chất vấn về lĩnh vực đô thị.

Để giải quyết tổng thể tình trạng ngập nước, đại biểu Dũng cho rằng, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên như nạo vét, khơi thông, cần đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các tuyến thoát nước chính dở dang; ưu tiên dành nguồn lực triển khai đầu tư ngay một số hướng thoát mới ra sông, vịnh để phân lưu các hướng thoát hiện trạng và khai thác các lợi thế giáp sông, giáp biển. Cũng theo đại biểu Dũng, thành phố cần làm việc với Sân bay Đà Nẵng để thống nhất phương án cải tạo lắp đặt các cửa phay điều tiết lượng nước thoát từ sân bay ra khu vực Phần Lăng, Hà Huy Tập, kiệt 96 Điện Biên Phủ, Hồ 3 Sen Vàng, cống Lê Kim Lăng... nhằm hạn chế tình trạng ngập nước các khu vực dân cư; đồng thời, đề nghị Sân bay có kế hoạch khẩn trương nạo vét các hồ trong sân bay để tăng khả năng điều tiết nước.

Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị ngành xây dựng cũng như các ngành khác phải làm đồng bộ, từ khâu đầu tư, kinh phí mua sắm, đến khâu quy hoạch, kỹ thuật. Ưu tiên nguồn lực giải quyết dứt điểm từng khu bị ngập nặng, không đầu tư dàn trải, được chỗ này chỗ khác lại ngập nặng. “Đây là chuyện của mình chứ không thể đổ cho cơ chế, chính sách, quy định pháp luật được. Đây là hiệu quả của sự phối hợp và giải quyết trực tiếp của mình”, ông Triết nói.

Khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh

Đại biểu Lê Phú Nguyện-Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh có hai vướng mắc đó là tâm lý và pháp lý. Về tâm lý, nếu tích cực, cán bộ sẽ tìm chỗ dựa để giải quyết quyền lợi thỏa đáng cho người dân, doanh nghiệp. Nếu tâm lý tiêu cực, cán bộ sẽ hướng đến sự an toàn cho bản thân. Tâm lý sợ sai dẫn đến cách thức giải quyết công việc “thúc thủ”, thiếu trách nhiệm với các cơ quan liên quan và thiếu trách nhiệm đối với quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Vấn đề này tác động diện rộng, rất ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị và công việc của người dân, doanh nghiệp. Vì thế, giải pháp đầu tiên phải đặt ra là trách nhiệm của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị trong việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh công tác tham mưu của cấp phó và cấp dưới của mình, kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh cấp dưới. “Người đứng đầu vững, công tâm, khách quan, hết mình với công việc thì cấp dưới phải làm việc theo tinh thần của người đứng đầu. Người đứng đầu mà cũng sợ thì khó. Anh em dựa vào mình mà mình yếu thì ngã luôn. Trách nhiệm người đứng đầu là nêu gương, động viên cho anh em làm, bảo vệ, che chắn cho anh em làm thì sẽ tốt”, đại biểu Nguyện nói.

Thành phố cần tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp chống ngập đô thị hiện nay.

Về pháp lý, đại biểu Nguyện cho rằng đây là nguyên nhân chủ yếu, sâu xa dẫn đến tình trạng trì trệ hiện nay. Suy cho cùng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chỉ có thể quán triệt, yêu cầu cán bộ, công chức thực hiện những vấn đề trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn và trong khuôn khổ pháp luật. Cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Do đó, cần trao quyền tự chủ cho chính quyền địa phương và các chủ thể hành chính được quyết định hợp lý để giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập hay thực tiễn đặt ra. Đại biểu Nguyện nói: “Trường hợp vì yêu cầu thực tiễn, yêu cầu, quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, của địa phương nhưng pháp luật không phù hợp thì phải khuyến nghị điều chỉnh pháp luật vì hiệu quả quản lý, không xem xét xử lý hành chính, hình sự khi cán bộ, công chức hành động vì lợi ích chung, không vụ lợi cá nhân. Có như vậy mới có thể xử lý dứt điểm tình trạng e ngại, sợ sai hiện nay”.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã có Chỉ thị 34 trong đó nêu rõ 10 biểu hiện đùn đẩy, né tránh, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quyền hạn của cán bộ trong thi hành nhiệm vụ. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực. Chủ tịch HĐND TP cũng đề nghị UBND TP Đà Nẵng và các ngành liên quan hết sức chú ý đến trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ gắn với chế tài xử lý cán bộ có 10 biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

HẢI QUỲNH