Đà Nẵng đang tiến tới thành phố thông minh

Thứ năm, 26/10/2017 10:46

Năm thứ 9 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu các địa phương cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), một kỷ lục chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành CNTT Việt Nam.

Tổng đài thông tin dịch vụ công Đà Nẵng với 100 bàn tiếp nhận và giải đáp thông tin.

Để trở thành một thành phố thông minh cần quá trình dài bắt đầu từ việc phát triển hạ tầng CNTT căn bản hiện đại đến xây dựng chính quyền điện tử, hệ thống dịch vụ công, năng lực tiếp cận các ứng dụng CNTT của người dân...

Nền tảng chính quyền điện tử

 Ông Trần Ngọc Thạch - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là địa phương duy nhất cả nước xây dựng được hệ thống mạng truyền dẫn dành riêng cho Chính quyền điện tử, kết nối trên 90 cơ quan với 300 km cáp quang ngầm băng thông rộng. Trung tâm dữ liệu (Data Center), nơi lưu trữ, vận hành các ứng dụng, dữ liệu quan trọng của hệ thống chính quyền điện tử  có dung lượng tới 100TB. TP cũng triển khai mạng Wifi miễn phí với 430 điểm phát sóng phục vụ người dân, du khách tại các điểm trung tâm, khu du lịch... Bên cạnh đó, Tổng đài thông tin dịch vụ công (1022) của Đà Nẵng với 100 bàn tiếp nhận, giải đáp thông tin, hỗ trợ người dân, tổ chức về sử dụng thủ tục hành chính, dịch vụ của các cơ quan nhà nước. Tổng đài này cũng hỗ trợ, cung cấp thông tin, tư vấn cho người dân, du khách về mọi mặt đời sống của TP như môi trường, giao thông, y tế, du lịch... qua đó nâng cao khả năng giám sát, góp ý với cơ quan công quyền.

Nhờ hạ tầng CNTT căn bản hiện đại mà việc triển khai chính quyền điện tử nhằm cải cách hành chính tại Đà Nẵng mang lại hiệu quả cao. Trong các ứng dụng của Chính quyền điện tử, nổi bật nhất là Hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung cho 215 đơn vị nhà nước sử dụng. Hệ thống này là nền tảng để nâng cao chất lượng, tốc độ xử lý công việc hành chính tại các cơ quan, tạo môi trường thuận lợi để ứng dụng văn bản điện tử, chữ ký số trong xử lý công việc thay cho văn bản giấy. Một ứng dụng cốt lõi khác của Chính quyền điện tử là phần mềm Một cửa điện tử dùng chung cho các sở ngành, quận, huyện, xã, phường, các đơn vị trực thuộc. Đây là ứng dụng cho phép quản lý việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả của các thủ tục hành chính của TP, trong đó có 526 thủ tục được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4. Ông Thạch cho biết thêm, ứng dụng Một cửa điện tử đã góp phần nâng cao hiệu quả xử lý thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp tại TP.

Ứng dụng tra cứu thông tin xe buýt phục vụ người dân.

Dáng dấp một thành phố thông minh

Một thành phố thông minh thì phải mang lại tiện ích cho người dân từ kinh tế, giao thông, y tế, giáo dục, an ninh trật tự, môi trường... nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học trên nền tảng cốt lõi CNTT. Tại Đà Nẵng, qua nhiều năm triển khai các ứng dụng CNTT đã và đang mang lại tiện ích nhất định cho người dân, từng bước tạo dựng dáng dấp một đô thị thông minh. TP đã xây dựng và vận hành Hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình; đưa vào sử dụng ứng dụng tra cứu xe buýt Danabus (các tuyến xe trợ giá, nội thị) trên điện thoại di động để tạo thuận lợi cho người dân tra cứu, phục vụ việc đi lại. Ứng dụng này góp phần thu hút người dân đến với giao thông công cộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống xe buýt.

Đà Nẵng cũng đã triển khai hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và Trung tâm Quản lý và vận hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng. Hiện nay, hệ thống cho phép điều khiển đèn tín hiệu tại 64 nút giao thông, 97 camera giám sát tại 51 điểm giao thông.  Từ đó, TP đã bắt đầu xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera giám sát giao thông. Ngoài ra, Trung tâm vi mạch Đà Nẵng (CENTIC) cũng đã tự nghiên cứu hệ thống camera giao thông thông minh, thí điểm tại nút giao thông Trưng Nữ Vương – Núi Thành.

Không chỉ trong giao thông mà nhiều lĩnh vực khác từ an ninh trật tự, môi trường, y tế, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm, Đà Nẵng cũng đã ứng dụng CNTT mang lại tiện ích cho người dân. Đơn cử việc triển khai dự án lắp 1.600 camera trong năm 2017 qua đó thu thập hình ảnh giúp Công an giải quyết nhiều vụ việc trộm cắt, cướp giật, gây rối trật tự, tai nạn giao thông... Trong lĩnh vực môi trường, Đà Nẵng đã triển khai Hệ thống giám sát và cảnh báo sớm môi trường nước tại hồ Thạc Gián và đang triển khai tiếp cho 8 hồ khác trong TP. Ngoài ra Đà Nẵng cũng đã triển khai trạm giám sát và cảnh báo sớm, tự động chất lượng nước tại nhà máy nước Cầu Đỏ, qua đó các chỉ tiêu chất lượng nước (độ đục, độ mặn, độ dẫn điện, độ PH và nồng độ clo...)  được thu thập và phân tích bởi các thiết bị cảm biến và cung cấp các thông số theo thời gian thực về cơ quan quản lý. Hệ thống sẽ hiển thị các chỉ số lên Bảng thông báo (Dashboard) phục vụ cơ quan quản lý và cung cấp công khai thông tin cho cộng đồng.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, trong lĩnh vực giáo dục hiện TP đã xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, tích hợp dữ liệu phần mềm quản lý các trường học để tiến tới hình thành cơ sở dữ liệu học sinh (quá trình học tập từ lớp 1 đến 12) và giáo viên toàn TP. Bên cạnh đó, để quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, TP đã triển khai cơ sở dữ liệu và hỗ trợ người dân tra cứu các đơn vị đạt chuẩn an toàn thực phẩm qua tin nhắn, điện thoại. Hiện nay, TP đang hoàn thiện Cổng thông tin quản lý ATTP để chia sẻ cho các cơ quan, quận, huyện sử dụng chung, phục vụ công tác quản lý, thanh kiểm tra các cơ sở nuôi trồng, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Với nền tảng CNTT được đầu tư kiên trì nhiều năm qua, Đà Nẵng đang từng bước tiến tới TP thông minh, người dân được sử dụng nhiều ứng dụng dịch vụ tiện ích. Hiện TP đang huy động nhiều nguồn lực đầu tư, tiếp cận các giải pháp hiệu quả để sớm đạt mục tiêu TP thông minh.

HẢI QUỲNH

Hội nghị quốc tế về thành phố thông minh

Ngày 25-10, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phối hợp Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) và Tổ chức Công nghiệp điện toán Châu Á – Châu Đại Dương (Asocio) tổ chức Hội nghị quốc tế về thành phố thông minh. Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc). Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ tầm nhìn, chiến lược và kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của các thành phố trong nước và khu vực, đưa ra những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh phù hợp với các thành phố dựa trên nền tảng công nghệ mới như: IoT (kết nối vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn).

T.L