Đà Nẵng “đau đầu” giải bài toán đô thị hóa và quản lý khai thác khoáng sản (Bài 2: Khai thác vô tội vạ, phục hồi kiểu "qua cầu rút ván")

Thứ sáu, 13/08/2021 08:08

Rất ít doanh nghiệp khai thác đá hoạt động đúng theo giấy phép được cấp và có phương án phục hồi, cải tạo môi trường một cách nghiêm túc như cam kết ban đầu. Trái lại, sau khi “ăn tham” khoáng sản, khai thác ra ngoài ranh giới mỏ, nhiều doanh nghiệp bỏ đi với số tiền ký quỹ ít ỏi và những quả núi bị bạt nham nhở. Có nơi phục hồi môi trường với bãi cây keo loe ngoe cỡ vài gang tay ngắc ngoải chết vì cỏ dại bám quanh.

Một quả núi bị khai thác theo phương thẳng đứng, tạo ra những hố sâu gần 100m.

Tài nguyên đến đâu, khoét sâu đến đó

Theo quy định, khi khai thác đá lộ thiên phải dùng phương pháp cắt tầng và thực hiện tuần tự từ trên xuống, không được thực hiện theo kiểu cắt chân hoặc khoét hàm ếch. Chiều cao tầng khai thác đá bằng phương pháp lộ thiên không được quá 3m khi khai thác bằng thủ công, không quá 20m nếu cơ khí hóa toàn bộ quá trình khai thác. Độ dốc của sườn tầng không vượt quá 750. Khi mặt bằng làm việc ở trên cao thì đường lên xuống cho người đi bộ phải có bậc thang, độ dốc không quá 400, phải có lan can và khoảng cách 10m lại phải có một bậc rộng để nghỉ chân. 

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các mỏ đá trên địa bàn TP Đà Nẵng những năm qua đều bỏ qua quy định này. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên khoáng sản, gây khó khăn cho công tác phục hồi, cải tạo môi trường mà còn tiềm ẩn mất an toàn lao động.

Tại “trận địa đá” Phước Thuận – Phước Hậu (thuộc xã Hòa Nhơn), theo thứ tự từ phía Tây Bắc kéo về gần QL14G, đá Hố Trầu 1, Hố Bạc 1, Hố Bạc 2, Hố Bạc 3, Suối Mơ 1, Suối Mơ 2 gần như tiếp giáp với nhau. Các vùng đất ranh giới cũng nhỏ dần do một số khai thác ra ngoài giới hạn mỏ được cấp. Nguy hiểm hơn nhiều mỏ có xu hướng cắm thẳng từ trên cao xuống hoặc khoét chân bóc vỉa và để lại những hố sâu và vách đá dựng đứng. Đáng sợ nhất trong số này là mỏ đá Hố Bạc 1 của Cty Công trình đô thị Đà Nẵng. Ngay khi đang chờ cấp phép gia hạn, phương pháp khai thác đá lạ đời của đơn vị này đã để lại cái hố khổng lồ mà người dân nơi đây ví như “hố bom nguyên tử” hay là “tuyệt tình cốc” với độ sâu khoảng hơn 80m. 

“Xưa đây là một quả núi to. Giờ mùa hè nó như cái hố khổng lồ khô khốc, mùa mưa lại trở thành túi nước nguy hiểm. Họ bất chấp quy định chỉ vì lợi nhuận, tiết kiệm chi phí đầu tư công nghệ, phương án khai thác”, anh Trần Phước Sơn, người từng đi làm cho các mỏ đá cho biết. 

Tương tự, tại các mỏ đá của khác của Doanh nghiệp tư nhân Dũng Thoa, Cty Cầu đường 2, Cty TNHH Miền Nam, Cty Huỳnh Sơn, doanh nghiệp tư nhân Đỗ Hữu Minh, Xí nghiệp 323, Cty CP Chu Lai; mỏ đá Huỳnh May…, cả số đã hết hạn khai thác cũng như số còn thời hạn theo giấy phép, hầu hết đều không đảm bảo quy định về cắt tầng, bóc vỉa. Một số được đầu tư công nghệ sau này dù có cắt tầng, có hố lắng nhưng cũng chưa đảm bảo theo các quy định về kỹ thuật. Chính vì vậy, cả triền núi phía Tây chạy quanh thôn Phước Thuận – Phước Hậu trước đây giờ bị biến dạng thành những bờ vực có độ dốc lớn hoặc thẳng đứng. 

Một “vườn keo” được trồng ở khu vực mỏ đá Hố Bạc 1 trồng trên đá sỏi đang ở giai đoạn... sắp chết!

Bi hài chuyện phục hồi, cải tạo môi trường

Cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực môi trường bị tác động về gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường, phục vụ các mục đích có lợi cho con người. Nếu chiếu theo khái niệm này, hầu hết các mỏ khoáng sản, đặc biệt là mỏ đá tại Đà Nẵng đều… làm ngược lại. 

Theo quy định, trong thời hạn 6 tháng trước khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực hoặc khai thác hết trữ lượng, chủ mỏ đá phải lập đề án đóng cửa mỏ, phục hồi, cải tạo môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, một thực tế đã tồn tại nhiều năm qua là xuất phát từ quy định hoặc thực hiện quy định chưa chặt chẽ nên rất nhiều doanh nghiệp đã để lại khoản tiền ký quỹ trước khi khai thác rồi “chạy làng”. Hoặc có tiến hành phục hồi thì cũng làm chiếu lệ vì khi khai thác đã tận thu hết lớp đất tầng phủ, không có bãi thải dự trữ đất, không đảm bảo địa hình để trồng cây xanh. 

Dẫn chúng tôi đến khoảnh đất khô rang dưới vách núi dựng đứng của mỏ đá Hố Bạc 1 của Cty Công trình đô thị Đà Nẵng, anh Hoàng - người dân xã Hòa Nhơn chỉ tay vào mấy cây keo khoảng một gang tay và chua chát nói đó là cây phủ xanh phục hồi, cải tạo môi trường của doanh nghiệp. Số cây keo này đã khô quắt, cháy lá và bị cỏ dại quấn quanh không thể vươn lên. Trong khi đó vách núi phả ra hơi nóng hầm hập vì không hề có bóng cây xanh.

 “Anh nhìn đi, từ dưới đáy hố này nhìn lên trên lớp đá đầu tiên mà người ta khai thác là khoảng gần 100m. Mặt bằng này giờ toàn đá sạn, làm sao vài cây keo còi cọc này sống lên cho được. Cây to ngoài đường do dân trồng mà cũng sống không nổi vì khói bụi. Doanh nghiệp họ làm ăn kiểu qua cầu rút ván này mà cơ quan chức năng không quản lý, giám sát thì người dân địa phương lãnh đủ”, anh Hoàng trăn trở.

Kiểu cải tạo, phục hồi môi trường theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” này cũng là thực tế xảy ra đối với các mỏ đá khác tại xã Hòa Sơn, khu vực Phước Lý, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu. Đi dọc đường tránh Nam Hải Vân, quốc lộ 14G hay đứng trên cầu vượt Ngã ba Huế, dễ dàng nhận ra những ngọn núi bị cày xới, san phẳng hoặc khoét sâu để lại một màu trắng vàng loang lổ. Người dân sống xung quanh khu vực này đều trong tình trạng ô nhiễm môi trường, “đến thở cũng mệt”. 

CÔNG KHANH – CÔNG HẠNH

Bài 3: Cấp phép chặt, quản lý lỏng?