Đà Nẵng “đau đầu” giải bài toán đô thị hóa và quản lý khai thác khoáng sản (Bài cuối: Giải bài toán phát triển kinh tế trong đô thị sinh thái)
Mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã làm việc với Sở TN&MT TP Đà Nẵng yêu cầu ngành chức năng xử lý các vi phạm liên quan đến lĩnh vực này phải theo hướng phạt nặng, truy thu nguồn lợi bất chính và yêu cầu khắc phục hậu quả đến khi nào đạt yêu cầu mới thôi. “Tiền phạt theo quy định không có nghĩa lý gì so với nguồn lợi mà doanh nghiệp cố tình vi phạm để thu lợi bất chính. Với môi trường, chúng ta không thể tính bằng tiền, lại không thể tính bằng tiền phạt”.
Một quả núi bị bạt để khai thác đá ngay đầu đường Lê Trọng Tấn (thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). |
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Sở TN&MT TP Đà Nẵng, đến cuối năm 2020, trên địa bàn thành phố có 26 mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường do UBND thành phố cấp, bao gồm: 22 mỏ đá xây dựng, 3 mỏ đất đồi, 1 mỏ đất sét. Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có 12 mỏ đá xây dựng và 1 mỏ đất đồi chấm dứt hoạt động khai thác. Lãnh đạo Sở TN&MT TP cho hay, theo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại Thông báo số 145/TB-VP ngày 14-4-2021, tạm thời chưa xem xét kiến nghị của các đơn vị về việc gia hạn thời gian khai thác. Sau giai đoạn 2021-2025, thành phố cũng sẽ chấm dứt hoạt động khai thác của 10 mỏ đá xây dựng, 2 mỏ đất đồi và 1 mỏ đất sét.
Để phát triển các dự án, hạ tầng thì nguyên liệu, khoáng sản, trong đó có đất đá là nhu cầu rất lớn. Nếu không gia hạn, không cấp phép mới thì sẽ xảy ra khan hiếm nguyên liệu, nhưng nếu cấp phép mà quản lý không tốt thì “vỡ trận” về môi trường. Lãnh đạo Sở TN&MT TP cũng thừa nhận, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, nhờ có nguồn tài nguyên đất, đá dồi dào, cự ly vận chuyển ngắn đã phục vụ rất hiệu quả cho việc san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng các dự án lớn, các khu đô thị, khu dân cư góp phần chỉnh trang đô thị thành phố. Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản trong suốt hàng chục năm qua với một số sai phạm đã ảnh hưởng đáng kể đến cảnh quan, môi trường, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân.
Ông Tô Văn Hùng- Giám đốc Sở TN&MT TP cho biết, để khắc phục những hậu quả mà quá trình đô thị hóa, tăng trưởng nóng thời gian qua để lại, việc cấp phép mới, gia hạn giấy phép phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Khoáng sản và phù hợp với Quy hoạch khoáng sản đã được UBND thành phố phê duyệt; đồng thời phải xem xét, cân nhắc nhằm đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các công trình trên địa bàn thành phố (giai đoạn 2021-2025), tránh tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đẩy giá cả lên cao. Để giải bài toán này, Đà Nẵng cho phép 10 mỏ đá (quy hoạch khai thác giai đoạn 2021- 2025) được nâng công suất khai thác phù hợp với trữ lượng còn lại và thời gian hoạt động theo Quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt đồng thời tiến hành đấu giá quyền khai thác khoảng 20ha đất đồi tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.
Đất đai hoang hóa, các mỏ đá xâm lấn dần vào khu dân cư. |
Trong một buổi trả lời phỏng vấn phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng về câu chuyện cân bằng giữa phát triển kinh tế và xây dựng thành phố môi trường, ông Hùng cho hay, trong giai đoạn mới cần phải có cách tiếp cận khác bằng một đề án chú trọng vào việc giải bài toán có tính căn cơ, chứ không đi vào xử lý, khắc phục vụ việc đơn lẻ. Nghị quyết 43 đặt ra đến năm 2030, Đà Nẵng là đô thị sinh thái, trong quá trình phát triển, ngoài những mặt đạt được thì cũng sẽ có nhiều vấn đề về môi trường đặt ra cho thành phố.
Về câu chuyện doanh nghiệp “chạy làng”, không phục hồi môi trường sau khai thác, ông Hùng cho hay, theo quy định thì khi đi vào hoạt động cũng như khi dừng khai thác, các mỏ đá phải lập đề án để cơ quan chức năng thẩm định và bắt buộc thực hiện nghiêm túc. Nhưng cũng phải thừa nhận đây là vấn đề còn thiếu bài bản. “Cái mà chúng ta thấy bằng mắt thường là khai thác để lại hiện trường nham nhở. Một phần là quản lý lỏng lẻo của địa phương. Họ bóc tận thu đất để lại một hiện trạng phía Tây thành phố như vậy. Công tác phục hồi lại không được bài bản. Chúng tôi nhận diện khá đầy đủ các vấn đề tồn tại và đang tiếp cận nhiều giải pháp khắc phục”, ông Hùng cho hay.
Cũng liên quan đến vấn đề cải tạo, phục hồi môi trường, ông Nguyễn Tấn Khoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng không nhất nhất phải trồng cây mà hoàn toàn có thể sử dụng vào mục đích khác. Huyện đã đề xuất thành phố xem xét một số diện tích cải tạo sử dụng mục đích khác như là làm nhà kho, làm mặt bằng quy hoạch phát triển công nghiệp. “Phục hồi môi trường giờ không nhất thiết cứng nhắc là phải trồng cây xanh, vì với những tầng đất như vậy cây không sống nổi. Huyện đề xuất thành phố yêu cầu giám sát tốt thủ tục đóng cửa mỏ, làm sạch mặt bằng để có thể sử dụng phát triển công nghiệp theo quy hoạch”, ông Khoa đề xuất.
Cùng quan điểm này, ông Tô Văn Hùng cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các trường đại học nghiên cứu phương án phục hồi môi trường phù hợp. Và ngay từ thời điểm này, các dự án mới sẽ phải được quản lý chặt chẽ, không để xảy ra hậu quả rồi mới đi khắc phục. “Phải nhìn nhận trên quan điểm là thành phố không còn nhiều nguồn tài nguyên về đất đai, khoáng sản, cũng không lấy đó làm nguồn thu cung cấp nguyên vật liệu. Hài hòa bài toán khai thác tại chỗ hay mua vật liệu cũng cần phải cân đối theo giải pháp căn cơ về vấn đề môi trường”, ông Hùng nhấn mạnh.
CÔNG KHANH – CÔNG HẠNH