Đà Nẵng đầu tư phát triển mạnh công nghiệp CNTT

Thứ năm, 08/10/2020 13:33

Tập trung đầu tư mạnh để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) là hướng đi chiến lược, phù hợp với xu hướng cách mạng 4.0 hiện nay. Với nền tảng vững chắc, trong 5 năm tới Đà Nẵng đặt mục tiêu lĩnh vực công nghiệp CNTT sẽ chiếm 10% GRDP của TP.

Xuất khẩu phần mềm của Đà Nẵng tăng trung bình 25%/năm.

Nếu năm 2014 Đà Nẵng chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp CNTT-TT thì hiện nay đã có 1.900 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề chính trong lĩnh vực CNTT (tính cả ngành nghề phụ là 7.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp toàn TP). Nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực CNTT đã có mặt ở Đà Nẵng như Foster, Mabuchi Motor, FPT Software, Axon Active... Việc phát triển nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp CNTT đã thu hút lượng lớn lao động chất lượng cao. Hiện toàn TP có khoảng 36 ngàn nhân lực trong lĩnh vực CNTT, trong đó 20 ngàn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Tính bình quân lương của mỗi nhân lực trong lĩnh vực CNTT tại Đà Nẵng đạt 810 USD/tháng, trong khi tại Hà Nội đạt 1.000 USD/tháng, TPHCM đạt 1066 USD/tháng. Mỗi năm, TP có khoảng 3,5 ngàn sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực CNTT.

Ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết, năm 2019 doanh thu toàn ngành TT&TT của Đà Nẵng đạt 30.050 tỷ đồng, trong đó doanh thu công nghiệp CNTT đạt 19.570 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm 2018. Tính tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp CNTT của Đà Nẵng giai đoạn 5 năm qua trung bình 20%/năm. Trong đó, xuất khẩu phần mềm tăng bình quân 25%/năm (năm 2019 đạt 89 triệu USD). Như vậy, trong giai đoạn 2015- 2019, tốc tộ tăng trưởng trung bình của ngành công nghiệp CNTT đạt 9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của TP (7,3%/năm). Đến cuối năm 2019, ngành công nghiệp CNTT đóng góp 7,7% GRDP thành phố, vượt so với mục tiêu 6% đề ra.

Khu FPT Complex tại Ngũ Hành Sơn hiện thu hút khoảng 3.400 nhân lực làm việc.

Sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp CNTT đóng góp ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế TP, bên cạnh những lợi thế tự nhiên, còn xuất phát từ việc định hướng, đầu tư hạ tầng (phần cứng và phần mềm) khá sớm của Đà Nẵng. Cụ thể, hàng chục năm trước TP đã đầu tư xây dựng công viên phần mềm (CVPM) Đà Nẵng tạo nền tảng không gian, thu hút DN trong lĩnh vực CNTT đầu tư. Khu CVPM Đà Nẵng rộng 2,4 ha này hiện đã lấp đầy với 75 DN, thu hút 2,2 ngàn lao động, hiệu suất sử dụng đất mỗi héc-ta tại đây đạt 450 tỷ đồng/năm. Từ nền tảng Khu CVPM, cùng với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ chế chính sách phát triển CNTT hấp dẫn, chuẩn bị nhân lực sẵn sàng... nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực CNTT đã tìm tới Đà Nẵng. Nổi bật như FPT đã xây dựng Khu FPT Complex rộng 5,9 ha tại Ngũ Hành Sơn thu hút hơn 3,4 ngàn lao động. Từ thực tế nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực CNTT tăng cao, Đà Nẵng cũng đầu tư, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng, không gian sản xuất cho ngành công nghiệp CNTT. Theo đó, Khu CNTT Đà Nẵng rộng 131 ha tại Hòa Vang đã được xây dựng, hoạt động từ tháng 4-2019, hiện đang thu hút nhà đầu tư. Trong tháng 10-2020 này, Đà Nẵng sẽ khởi công xây dựng Khu CVPM số 2 rộng 5,3 ha tại Hải Châu với tổng vốn giai đoạn 1 gần 800 tỷ đồng. Ngoài ra, Khu CVPM Đà Nẵng mở rộng 3,2 ha tại Cẩm Lệ đã phê duyệt qui hoạch chi tiết đang được các nhà đầu tư quan tâm đề xuất, nghiên cứu dự án đầu tư.

Mặc dù phát triển vượt bậc, đóng góp ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế TP, song ngành công nghiệp CNTT của Đà Nẵng vẫn còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn như nhân lực CNTT có số lượng ít và thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn sâu trong các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ lệ gần 65% doanh thu của các doanh nghiệp phần mềm chủ yếu vẫn là gia công. Một số các dịch vụ CNTT như phát triển các nền tảng lớn (Core Banking, sàn thương mại điện tử), phân tích dữ liệu, dịch vụ lưu trữ chưa được đầu tư để cung cấp cho các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia.

Tổng Thư ký Hiệp hội phần mềm Đà Nẵng Đặng Ngọc Hải cho biết, ngành CNTT cần nhân lực sáng tạo là căn bản chứ không cần diện tích lớn để sản xuất, do vậy TP cần tạo môi trường sống hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực sáng tạo. Bên cạnh đó, TP cần xây dựng các khu CNTT tập trung để tạo không gian làm việc cho các doanh nghiệp, đồng thời xây dựng nhanh hơn hạ tầng mềm như TP thông minh hay tăng cường sự ổn định của đường truyền Internet, tích cực đăng cai các sự kiện mang tính chất CNTT để vừa có thể quảng bá du lịch vừa giới thiệu tiềm năng thu hút đầu tư về CNTT.

Ông Trần Ngọc Thạch cho biết, thời gian tới TP sẽ tăng cường thu hút đầu tư vào Khu CNTT tập trung; khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng các khu CVPM do doanh nghiệp làm chủ đầu tư (FPT, Viettel, VNPT, CMC...) để xây dựng các Trung tâm dữ liệu, các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Core Banking, phân tích dữ liệu tài chính, thương mại điện tử...). Đặc biệt, TP cần cho phép nghiên cứu Trạm cập bờ cáp quang biển Đà Nẵng (thứ 2) để hình thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực ASEAN (Digital Hub); bảo đảm các điều kiện để sớm triển khai các Khu đô thị sáng tạo tại Hòa Xuân, Khu Danang Bay, Viettel; giữ lại Khu CNTT số 2 (56ha) để xây dựng Trung tâm chia chọn tự động phục vụ cho thương mại điện tử; Phát triển nguồn nhân lực bảo đảm đến năm 2025 có thêm 30.000 nhân lực phần mềm và nội dung số phục vụ thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp CNTT.

HẢI HẬU